Chính phủ Ấn Độ vừa cấp phép cho các trường đại học nước ngoài đầu tiên thành lập cơ sở tại nước này, nhằm thu hút tuyển sinh và thúc đẩy nghiên cứu đa ngành.

Hai trường đại học của Úc, Đại học Deakin và Đại học Wollongong, là những trường đầu tiên tiết lộ kế hoạch mở các cơ sở tại Ấn Độ. Thông báo được đưa ra trùng với chuyến thăm bốn ngày tới Ấn Độ của thủ tướng Úc Anthony Albanese. Hai trường này sẽ thiết lập hoạt động tại Gujarat International Finance Tec-City (GIFT City), “thành phố thông minh” được quy hoạch ở ngoại ô thành phố Ahmedabad. Vào tháng 10/2022, GIFT City trở thành thành phố đầu tiên của Ấn Độ công bố các quy định về hoạt động của các cơ sở đại học nước ngoài.

“Có rất nhiều trường quan tâm", Pankaj Mittal, tổng thư ký Hiệp hội Các trường đại học Ấn Độ ở New Delhi, cho biết. Mittal nói rằng các trường đại học Ấn Độ hoan nghênh động thái này, vì sinh viên sẽ có được “nền giáo dục nước ngoài” ngay ở Ấn Độ, đồng thời cơ hội hợp tác nghiên cứu quốc tế cũng được mở rộng.

Ấn Độ là một địa điểm lý tưởng cho các trường đại học nói tiếng Anh, bởi phần lớn nền giáo dục đại học của đất nước này được thực hiện bằng tiếng Anh.

GIFT City là địa điểm được đề xuất xây dựng khuôn viên trường đại học nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ.

Tái cấu trúc giáo dục đại học

Tháng 1/2023, Ủy ban Tài trợ Đại học của Ấn Độ, cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các cơ sở giáo dục đại học, đã công bố dự thảo quy định đối với các trường đại học nước ngoài. Dự kiến, văn bản này sẽ được hoàn thiện trong năm tới, mở đường cho các trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở ở bất cứ đâu trên đất Ấn Độ.

Động thái cho phép các trường đại học nước ngoài mở cơ sở là một phần trong quá trình cải tổ giáo dục đại học ở Ấn Độ. Từ năm 2020, chính phủ nước này đã đưa ra Chính sách Giáo dục Quốc gia hướng tới mở rộng và tái cấu trúc giáo dục đại học. Theo đó, Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng tuyển sinh đại học vào năm 2035, lên khoảng 75 triệu sinh viên. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và có thể cần đến các trường đại học nước ngoài để đạt được mục tiêu.

Có khoảng 1.000 trường đại học ở Ấn Độ, phần lớn là các đơn vị đào tạo nhỏ với số lượng khóa học hạn chế. Chính sách mới đặt mục tiêu “chấm dứt sự phân mảnh của giáo dục đại học” bằng cách tạo ra các trường đại học đa ngành và các trung tâm tri thức, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành.

Cơ sở của Deakin tại GIFT City ban đầu sẽ cung cấp các khóa học về an ninh mạng và phân tích kinh doanh cho 100 sinh viên Ấn Độ mỗi năm. Đại học Wollongong sẽ tổ chức các khóa học về công nghệ thông tin, kinh doanh và công nghệ tài chính. Hầu hết các trường quốc tế đều tập trung vào giảng dạy, nhưng có thể phát triển các chương trình nghiên cứu nếu chương trình giảng dạy tỏ ra thành công, Stephen Wilkins, chuyên gia quản lý giáo dục đại học tại Đại học Anh ở Dubai, cho biết.

Wilkins nói rằng khoảng 10% các cơ sở quốc tế - đặc biệt là các cơ sở nhỏ với ít ngành đào tạo - sẽ thất bại. “Nếu ngành đào tạo quá hẹp, trường sẽ không thể tồn tại lâu dài", ông nói, nêu ví dụ về trường Đại học College London khi mở một cơ sở ở Qatar vào năm 2010, cung cấp các khóa học sau đại học về khảo cổ học và một số ngành khác. Năm 2020, cơ sở này đóng cửa vì số lượng đăng ký thấp.

Các trường đại học ở Úc, Mỹ, Canada và Pháp đã mở các học viện nghiên cứu bên trong một số trường đại học ưu tú của Ấn Độ để đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Vijay Khare, người đứng đầu văn phòng phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Savitribai Phule Pune, nói rằng sinh viên Ấn Độ và cộng đồng nghiên cứu sẽ hưởng lợi hơn nếu nước này duy trì các chương trình liên kết và cấp bằng kép như vậy, thay vì cho phép các trường đại học nước ngoài trực tiếp mở cơ sở. Bằng cách đó, các trường đại học Ấn Độ cũng sẽ không mất sinh viên vào tay các trường đại học nước ngoài, theo Khare.


Nguồn: