Globethics.net University Ranking (GUR), một nhánh độc lập của tổ chức giáo dục đại học phi lợi nhuận Globethics.net, vừa ra mắt một hệ thống xếp hạng miễn phí, mà họ cho là minh bạch và không thiên vị, nhằm thay đổi quan điểm toàn cầu về giáo dục đại học.

Giáo sư Christoph Stueckelberger, người sáng lập và chủ tịch của Globethics.net - một mạng lưới toàn cầu gồm các giảng viên và trường đại học với tầm nhìn đưa đạo đức vào giáo dục đại học - nói rằng các xếp hạng đại học toàn cầu nổi tiếng nhất đều thiên vị phương Tây và kết quả nghiên cứu.

Nhìn vào ba bảng xếp hạng chính - Bảng xếp hạng Đại học thế giới QS, Bảng xếp hạng Chất lượng đại học thế giới (ARWU) hay còn còn gọi là Bảng xếp hạng Thượng Hải, và Bảng xếp hạng Đại học thế giới của Times Higher Education - “top 100 có xu hướng bị thống trị bởi một số trường đại học”.

Theo Stueckelberger, các bảng xếp hạng này không phải dành cho tất cả mà chỉ cho một số ít trường đại học tinh hoa, và UNESCO từng nhận định về chúng là “lợi bất cập hại”.

Dù không hẳn đồng tình với nhận định của UNESCO, Stueckelberger cảnh báo, các bảng xếp hạng hiện nay có thể có hại nếu chúng trở thành nguồn thông tin chính cho các bậc cha mẹ, chẳng hạn như ở Nigeria hay Trung Quốc, khi tìm kiếm trường đại học tốt nhất để gửi con họ đi du học.

Stueckelberger cho biết, xếp hạng đại học của Globethics.net hướng tới đánh giá chất lượng giáo dục của các nước đang phát triển để cho thấy các trường đại học tốt hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ ở Anh hay Mỹ, khi xét theo các tiêu chuẩn đạo đức - một thực tế mà ông hy vọng có thể giúp giảm tình trạng chảy máu chất xám.

Điểm khởi đầu

Tiến sĩ Aftab Dean, giám đốc GUR, cho biết, xếp hạng truyền thống dựa quá nhiều vào “dữ liệu thứ cấp”, và đặt ra các tiêu chí thiên vị phương Tây.

“Họ xem xét những tiêu chí như số người đoạt giải Nobel, trong khi 9 trong số 10 quốc gia đứng đầu về số giải Nobel là các nước phương Tây.”

Ví dụ, bảng xếp hạng Thượng Hải ARWU tính trọng số 10% cho tiêu chí số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields, và 20% cho tiêu chí số nhân sự đoạt giải Nobel. Đồng thời, trọng số 20% được gán cho tiêu chí số bài báo khoa học công bố trên các tạp chí Nature và Science, trong khi 10 cơ sở hàng đầu về số công bố trên Nature và Science đều đến từ Mỹ (7 cơ sở) và châu Âu (3 cơ sở) - Dean nói.

Dean cũng băn khoăn về tiêu chí uy tín học thuật dựa trên đánh giá của những học giả giàu kinh nghiệm ở phương Tây - liệu các đánh giá này có khách quan không và liệu việc chọn người để lấy ý kiến có minh bạch không?

“Các học giả chỉ có thể đưa ra đánh giá về các cơ sở mà họ quen thuộc,” ông nói. “Hiểu biết về các trường đại học khác ở các nước đang và kém phát triển còn rất hạn chế. Chỉ vì họ không có các nguồn lực như ở phương Tây không có nghĩa là họ không đầu tư trí tuệ vào công việc của mình”.

Ông cho biết GUR công nhận giá trị và tầm quan trọng của các bảng xếp hạng lớn qua đóng góp của chúng vào chương trình nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu, điều này rất quan trọng. Nhưng có thể đo lường nhiều yếu tố khác thay vì chỉ đo lường chất lượng nghiên cứu và giảng dạy bằng cách sử dụng dữ liệu thứ cấp. “Không nên có cái nhìn nhị phân về giáo dục đại học, coi các cơ sở hoặc là trường đại học nghiên cứu hoặc là không nghiên cứu gì cả. Chúng tôi muốn nói rằng các trường đại học có nhiều chiều kích và cần được nhìn nhận một cách toàn diện.”

Đó là điểm khởi đầu để Globethics.net, có trụ sở ở Thụy Sĩ, phát triển một phương pháp xếp hạng mới dựa trên phản hồi của sinh viên và giảng viên/nghiên cứu viên, Dean giải thích.


Globethics.net kỳ vọng dự án xếp hạng đại học GUR của mình sẽ góp phần duy trì công bằng giáo dục. Nguồn: Globethics.net

Hai công cụ khảo sát sinh viên và giảng viên/nghiên cứu viên của GUR, theo Dean, đã trải qua một quá trình phát triển và thử nghiệm thận trọng trong hơn 2 năm, trước khi được dùng để thu thập dữ liệu từ hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đại diện cho 38 quốc gia trong lần xếp hạng đầu tiên.

Mỗi công cụ khảo sát có một danh sách các tiêu chí (câu hỏi) mà mỗi nhóm đối tượng được yêu cầu đưa ra đánh giá dựa trên trải nghiệm của họ.

Đối với bảng câu hỏi của sinh viên, có 46 tiêu chí được thiết kế để đánh giá trải nghiệm của họ và cách nó dẫn đến các cam kết cao hơn về liêm chính học thuật và các thực hành bền vững. Các tiêu chí được nhóm thành bảy chủ đề, đó là: 1. Dạy và học; 2. Đánh giá và phản hồi của trường; 3. Phát triển kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai; 4. Tương tác xã hội tại trường; 5 Nguyện vọng sau khi tốt nghiệp; 6. Liêm chính học thuật và 7. Tính bền vững (nhận thức và cam kết).

Tương tự, đối với bảng câu hỏi cho đội ngũ giảng viên/nghiên cứu viên, có 44 tiêu chí được nhóm thành bốn chủ đề: 1. Đánh giá khả năng lãnh đạo; 2. Giá trị của trường; 3. Khả năng thích ứng với biến đổi của trường; và 4. Cam kết bền vững của trường.

Trước khi đưa vào phân tích, dữ liệu đã được sàng lọc về độ tin cậy. Từ dữ liệu đó, ba bảng đánh giá được xây dựng với các trọng số đã được hiệu chỉnh chi li, đó là Trải nghiệm học tập phong phú, Truyền cảm hứng lãnh đạo trong giáo dục đại học, và Cam kết bền vững và liêm chính. Bảng thứ tư dựa trên điểm số của ba bảng đánh giá trước đó để cung cấp điểm tổng thể cho từng trường về trải nghiệm học tập của sinh viên, môi trường làm việc thuận lợi, cam kết về tính bền vững và liêm chính, và khả năng thích ứng với biến đổi.
Universidade de Santiago, Cape Verde, đứng đầu trong 25 trường đại học có điểm tổng thể cao nhất trong xếp hạng GUR lần đầu tiên. Nguồn: INT

Trong năm đầu tiên, GUR đã công bố danh sách 25 trường đại học có môi trường học tập và làm việc thuận lợi nhất, và có cam kết thực hành bền vững và liêm chính học thuật cao nhất trong số các trường tham gia xếp hạng.

Duy trì công bằng giáo dục

Amélé Ekué, giám đốc khoa học của Globethics.net, nói: “Các trường đại học thường coi xếp hạng đại học như một công cụ cạnh tranh. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh đến chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người và thay đổi cách hiểu về xếp hạng như một công cụ hướng tới hợp tác thay vì cạnh tranh”.

“Chúng tôi muốn nói rằng giáo dục chất lượng có thể hiện diện ở mọi nơi và cho tất cả mọi người, bất kể vị trí địa lý, quy mô hoặc phương tiện tài chính. Vì vậy, đối với chúng tôi, dự án xếp hạng này còn là vấn đề duy trì công bằng giáo dục,” Ekué khẳng định. “Chúng tôi đã nghe nói nhiều lần về tầm quan trọng của việc nhấn mạnh các tiêu chí đạo đức và các nguyên tắc về công bằng, đa dạng và hòa nhập trong giáo dục đại học và vì vậy xếp hạng đối với chúng tôi là một hỗ trợ cho sự chuyển đổi quan trọng này.”

Theo Ekué, hiện có khoảng 235 triệu sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên toàn thế giới, với tỷ lệ nhập học trong độ tuổi trung bình là 40%, nhưng có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia và khu vực.

Bà chỉ ra, một mặt, những tiêu chí phục vụ xếp hạng đại học - chẳng hạn như kết quả nghiên cứu và giảng dạy - không bị lỗi thời và cần được cân nhắc, nhưng chúng cũng nên được mở rộng để thấy trải nghiệm học tập có thể phong phú như thế nào và các tiêu chí về tính bền vững hay môi trường làm việc và học tập mà các trường đại học cung cấp quan trọng ra sao trong bối cảnh ngày nay.

Trong khi đó, Dean nói, phương pháp xếp hạng sẽ được hoàn thiện hơn nữa trong năm tới và ông kỳ vọng có nhiều cơ sở giáo dục đại học tham gia hơn.

Để tiện so sánh phương pháp xếp hạng của Globethics.net University Ranking với các xếp hạng đại học toàn cầu khác, hãy xem:

Bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Môi trường dạy và học - 30%; Chất lượng nghiên cứu (khối lượng, thu nhập từ nghiên cứu, và danh tiếng) - 30%; Các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) - 32,5%; Triển vọng quốc tế (tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế trên giảng viên, sinh viên trong nước) - 5%; Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức - 2,5%.

Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS dựa trên 6 tiêu chí: Uy tín học thuật (phản hồi của học giả toàn cầu) - 40%; Uy tín tuyển dụng (phản hồi của nhà tuyển dụng) - 10%; Tỷ lệ giảng viên/người học - 20%; Số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên - 20%; Tỷ lệ giảng viên quốc tế - 5%; Tỷ lệ sinh viên quốc tế - 5%.

Bảng xếp hạng Thượng Hải dựa trên 4 nhóm tiêu chí: Chất lượng giáo dục - 10%; Chất lượng giảng viên - 40%; Nghiên cứu khoa học - 40%; và Năng suất học thuật bình quân trên đầu người - 10%. Đối với tiêu chí chất lượng giáo dục, ARWU xem xét tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields; trong khi chất lượng giảng viên được đánh giá dựa trên số giảng viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields. Tiêu chí nghiên cứu khoa học liên quan đến số bài báo xuất bản trên tạp chí Nature và Science, số bài báo được trích dẫn trong hệ thống SCIE và SSCI. Năng suất học thuật bình quân được tính bằng cách chia tổng điểm các mục trên cho tổng số nhân sự toàn thời gian của cơ sở. Như vậy, ARWU chủ yếu sử dụng số liệu công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học.

Nguồn: