Xu hướng tất cả các yếu tố và trái mặt của đại học xếp hạng
Sự ra đời và phổ biến của các bảng xếp hạng đại học quốc tế từ khoảng 20 năm trước là kết quả tất yếu của quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học trên toàn thế giới và sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng giữa các cơ sở giáo dục đại học. Một số nhà nghiên cứu giáo dục còn cho rằng văn hóa nặng về thành tích ở châu Á khiến cho sự cạnh tranh trên các bảng xếp hạng đại học trở thành vấn đề thể diện quốc gia (Rhein & Nanni, 2021; Yonezawa et al., 2016).
Không thể phủ nhận vai trò của xếp hạng đại học khi cung cấp một sản phẩm “mì ăn liền” để đánh giá và so sánh giữa các cơ sở. Nó tạo động lực cho các trường và các nền giáo dục nắm bắt thế mạnh và điểm yếu của mình so với mặt bằng chung, từ đó có những thay đổi phù hợp. Mặt trái của nó là, như một sản phẩm thương mại, các hệ thống xếp hạng đại học tùy tiện tính trọng số cho các tiêu chí và nhồi toàn bộ “hồ sơ” của một trường đại học vào một điểm số cuối cùng duy nhất. Trong một bảng xếp hạng kiểu Olympic thì chỉ 100 trường đứng đầu là quan trọng, phần còn lại không có nghĩa lý gì. Thêm nữa, khi một trường tiến lên thứ hạng cao hơn thì một trường khác tất yếu phải rớt xuống. Hệ thống xếp hạng đại học vô hình trung tạo nên một zero-sum game, luôn có người thắng và người thua, ngay cả khi tất cả đều phát triển theo hướng tích cực (Shin et al., 2011).
Một tiếp cận phi thương mại
Ngay từ khi được Ủy ban Châu Âu (EC) quyết định tài trợ vào năm 2011 và chính thức khởi động vào năm 2014, U-Multirank đã xác định cách tiếp cận phi thương mại, rời xa mô hình xếp hạng đại học truyền thống. Thay vì quy về một điểm số tổng thể hay một bảng tổng sắp duy nhất, U-Multirank hướng tới đánh giá, so sánh kết quả hoạt động của các trường qua nhiều lăng kính khác nhau: từ giảng dạy và học tập đến nghiên cứu, chuyển giao tri thức, định hướng quốc tế, liên kết khu vực. Đặc biệt, U-Multirank luôn chú trọng xem xét vai trò của đại học hiện đại trong mối quan hệ với địa phương, cộng đồng, và xã hội nói chung.
Việc đánh giá đa chiều cũng liên quan mật thiết đến tầm nhìn của U-Multirank về cá nhân hóa nhu cầu của người dùng. U-Multirank cho rằng các nhóm đối tượng khác nhau có các mối quan tâm và ưu tiên khác nhau về một trường đại học. Học sinh và phụ huynh trên khắp thế giới có thể sử dụng công cụ tương tác trên web của U-Multirank để lựa chọn danh sách trường phù hợp với tiêu chí của mình. Các nhà quản trị đại học, nhà hoạch định chính sách, hay doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các chỉ số để đưa ra quyết sách phù hợp.
Đánh giá đa chiều của U-Multirank được biểu diễn bằng mô hình mặt trời “sunburst”, cung cấp cái nhìn nhanh toàn cảnh về một trường đại học trên 5 nhóm tiêu chí chính: (i) Nghiên cứu; (ii) Chuyển giao tri thức; (iii) Định hướng quốc tế; (iv) Liên kết nghiên cứu khu vực; (v) Giảng dạy và học tập. Các tiêu chí được thể hiện bằng màu khác nhau, ví dụ, tiêu chí “Giảng dạy và học tập” có màu xanh lục. Mỗi nhóm tiêu chí lại được chia thành các tia nhỏ, ứng với các tiêu chí con. Tia càng dài thể hiện thành tích càng cao, bắt đầu từ “yếu” đến “rất tốt”. Các tia bị khuyết nghĩa là dữ liệu về tiêu chí đó không có sẵn.
Bước sang tuổi thứ 9, U-Multirank tiếp tục mở rộng các tiêu chí đánh giá của mình. Năm nay, ngoài 5 nhóm tiêu chí chính, U-Multirank bổ sung thêm một đánh giá phụ về mức độ hòa nhập xã hội của các trường đại học qua những nỗ lực mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho các cộng đồng thiểu số, yếu thế (nữ sinh, sinh viên khuyết tật, sinh viên thế hệ đầu tiên, sinh viên nhập cư, v.v). Kết quả đối với đánh giá phụ này không được thể hiện trên biểu đồ sunburst nhưng người đọc quan tâm có thể đọc trên trang riêng cho từng trường.
Sự tham gia của các trường đại học Việt Nam
Ngày 21/6 vừa qua, U-Multirank đã công bố kết quả đánh giá mới nhất dựa trên dữ liệu từ hơn 2.200 trường đại học của 96 quốc gia cùng với khảo sát khoảng 62.000 sinh viên ở 314 trường.
Năm nay, Việt Nam có bốn trường đại học tham gia U-Multirank: Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Trà Vinh (TVU), và Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Đại học Kinh tế TPHCM được đánh giá là dẫn đầu trong 4 trường ở tất cả 5 nhóm tiêu chí lớn. Trong số 40 tiêu chí nhỏ, Đại học Kinh tế TPHCM nhận được 9 điểm ‘A’ (rất tốt) - một thành tích mà không nhiều trường đại học châu Á tham gia U-Multirank có được. Thế mạnh của Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Tôn Đức Thắng đều nằm ở hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội lại thể hiện sự nổi trội về Chuyển giao tri thức và nhận được 6 điểm “A”, còn Đại học Trà Vinh mạnh về Giảng dạy và học tập. Với phương châm “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”, Đại học Trà Vinh cũng được đánh giá cao ở các chương trình tiếp cận và thu hút sinh viên từ các cộng đồng thiểu số như sinh viên Khmer, sinh viên là con gia đình chính sách và hộ nghèo.
Theo đánh giá của U-Multirank, năm nay, Đại học Kinh tế TPHCM nhận được 9 điểm ‘A’ (rất tốt) ở 40 tiêu chí nhỏ, một thành tích mà không nhiều trường đại học châu Á tham gia U-Multirank có được. Ảnh minh họa: Một lớp học ở Đại học Kinh tế TPHCM. Nguồn: UEH
Được biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tham gia U-Multirank từ những năm đầu, Đại học Kinh tế TPHCM từ năm 2016, và năm nay là năm thứ hai của Đại học Trà Vinh. Mặc dù không mất phí đăng kí, các trường tham gia sẽ phải chịu chi phí thu thập dữ liệu - chi phí này khác nhau tùy thuộc vào mức độ phức tạp của hệ thống thông tin quản lý nội bộ.
So với các nước trong khu vực ASEAN, số trường đại học của Việt Nam tham gia U-Multirank có thể nói là khá khiêm tốn. Các nước lân cận như Malaysia có 7 trường tham gia, trong khi Thái Lan có đến 50 trường. Một mặt, số trường tham gia đông phản ảnh tham vọng cũng như năng lực thu thập và quản lý dữ liệu của các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, cơ chế tự chủ đại học và cơ chế cạnh tranh sòng phẳng để giành các nguồn lực tài chính, như ở Thái Lan, đã khiến xếp hạng quốc tế không chỉ là một ưu tiên mà trở thành nỗi ám ảnh (Lao, 2015).
Trao đổi với chúng tôi, ông Gero Federkeil - Giám đốc điều hành của U-Multirank - cho biết: “Rõ ràng, U-Multirank vẫn chưa được biết đến nhiều trong các trường đại học Việt Nam. Nhưng kết quả hoạt động của bốn trường cho thấy U-Multirank có thể là một công cụ hữu ích để các trường tăng độ nhận diện quốc tế và khả năng so sánh với các trường đại học khác trên khắp thế giới có hồ sơ tương tự.”
Trong tương lai, U-Multirank và các nước trong khu vực có thể hợp tác để phát triển các mô hình đánh giá đại học riêng cho mỗi nước, như cách U-Multirank đã hợp tác với Đức.
• Năm 2011, U-Multirank chính thức được phê duyệt tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu (EC) sau khi đã thuyết phục được Ủy ban về sự cần thiết của một hệ thống đánh giá đa chiều và thân thiện với người dùng.
• Trong Báo cáo Triển khai Tiến trình Bologna trong Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (European Higher Education Area - EHEA) năm 2020, EC tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một cơ sở dữ liệu mở để phục vụ việc hoạch định chính sách và U-Multirank cung cấp một trong những bộ dữ liệu đáng tin cậy về nhiều khía cạnh của giáo dục đại học châu Âu, đặc biệt là trải nghiệm của sinh viên.
• Trong chiến lược hướng tới một nền giáo dục hòa nhập và kết nối của EHEA, EC khẳng định U-Multirank hỗ trợ thông tin và công cụ để sinh viên lựa chọn cơ sở giáo dục và chương trình học.
Nguồn: European Commission, 2020; European Education and Culture Executive Agency, Eurydice, 2020 |
Tài liệu tham khảo
Lao, R. (2015). The limitations of autonomous university status in Thailand: Leadership, resources and ranking. Sojourn: Journal of Social Issues in Southeast Asia, 30(2), 550–559.
Rhein, D., & Nanni, A. (2021). The impact of global university rankings on universities in Thailand: Don’t hate the player, hate the game.
Globalisation, Societies and Education. Scopus.
https://doi.org/10.1080/14767724.2021.2016375
Shin, J. C., Toutkoushian, R. K., & Teichler, U. (2011). University rankings: Theoretical basis, methodology and impacts on global higher education (Vol. 3). Springer.
Yonezawa, A., Chen, S., Jung, J., & Wai Lo, WY (2016). Đông Á: Bắt kịp và bản sắc - sự phát triển và tác động của xếp hạng đại học. Trong
Xếp hạng Toàn cầu và Địa chính trị của Giáo dục Đại học: Tìm hiểu Ảnh hưởng và Tác động của Xếp hạng đối với Giáo dục Đại học, Chính sách và Xã hội (trang 116–127). Scopus.
https://doi.org/10.4324/9781315738550 .