Trong khi chưa lọt vào danh sách của các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín thì sự ra đời của những bộ tiêu chí xếp hạng đại học được xây dựng trên cơ sở hiểu rõ bối cảnh, hoạt động của các trường trong nước là cần thiết để giúp các trường đo lường những lĩnh vực họ muốn quản trị.

4 trong số 8 trường thành viên của Đại học Huế đã tham gia xếp hạng UPM. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Nông-Lâm, Đại học Huế, trong một giờ thực hành. Nguồn: huaf.edu.vn
4 trong số 8 trường thành viên của Đại học Huế đã tham gia xếp hạng UPM. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Nông-Lâm, Đại học Huế, trong một giờ thực hành. Nguồn: huaf.edu.vn

Tuần trước, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố và giới thiệu một bộ tiêu chí xếp hạng đại học theo hướng đối sánh và gắn sao có tên gọi University Performance Metrics (UPM).

Cụ thể, UPM đánh giá các trường đại học trên 8 lĩnh vực với tổng số điểm là 1.000, bao gồm: Quản trị chiến lược (trọng số 6%), Đào tạo (trọng số 35%), Nghiên cứu (trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (trọng số 6%), CNTT và tài nguyên số (trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (trọng số 6%). Mỗi lĩnh vực lại bao gồm từ 3 đến 15 tiêu chí. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, người trực tiếp phụ trách việc xây dựng hệ thống UPM, nhiều trong số các tiêu chí đó gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung của Việt Nam.

Kết quả, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm theo số sao (từ 1-5 sao). UPM còn dựa trên đối sánh với mốc chuẩn để gắn sao cho từng lĩnh vực của mỗi trường.

Giải thích về ý nghĩa của số sao, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, đạt chuẩn 5 sao tương đương với có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế; 4 sao tương đương với có uy tín trong nước và khu vực; còn 3 sao tương đương với thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia trao đổi sinh viên trong khu vực.

Trong các hệ thống đánh giá đối sánh khác như QS stars thì việc gắn sao có hiệu lực 5 năm. Với UPM, người ta chưa rõ thời hạn hiệu lực là bao lâu nhưng trên trang cá nhân, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết việc này đã “có kế hoạch cả rồi” và riêng với các trường có khả năng cập nhật dữ liệu thì UPM sẵn sàng phục vụ hằng năm.

Nhận xét về hệ thống UPM, TS Phạm Hiệp, giám đốc nghiên cứu tại EdLab Asia, cho rằng xếp hạng kiểu rating (chấm điểm và gắn sao) phù hợp hơn so với xếp hạng kiểu ranking (xếp hạng cao-thấp) trong bối cảnh chỉ thu hút sự tham gia đánh giá của một số ít trường vì ranking cần có sự tham gia của hầu hết các trường thì mới thành công. Một điểm cộng khác, theo TS Hiệp, là việc tách các trường thành 2 nhóm theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng để đánh giá. “Điều này đặc biệt quan trọng khi mà rất nhiều trường ở Việt Nam vốn chỉ là đại học đơn ngành, định hướng giảng dạy và ứng dụng là chính,” TS Hiệp nói. Bên cạnh đó, sự tham gia của một số đại học trong khu vực vào bảng xếp hạng thể hiện ý hướng quốc tế hóa của UPM ngay từ khi mới ra đời.

Bức tranh hiện ra

Cũng tại sự kiện ra mắt hệ thống UPM hôm 18/8, kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia đã được công bố.

Từ kết quả này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đã có một số phân tích ban đầu về bức tranh đại học Việt Nam. Theo đó, các trường đại học Việt Nam và khu vực khá tương đồng về chất lượng đội ngũ giảng viên và số lượng công bố quốc tế - ông nói trên báo điện tử Dân trí. Nhưng trong khi các trường đại học khu vực đã chú trọng nhiều đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản trị chiến lược thì đa số trường đại học Việt Nam còn ít quan tâm đến các vấn đề này hoặc giả có thì cũng mới đây.

Mặt khác, dù chất lượng công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam cao hơn hẳn nếu xét theo chỉ số trích dẫn trung bình trên bài báo (ISI/Scopus) nhưng số bằng sáng chế, đặc biệt là các sáng chế đăng ký ở các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế, của các trường đại học trong khu vực lại cao hơn.

Qua kết quả xếp hạng lần đầu, GS.TS Nguyễn Hữu Đức tạm khái quát, các trường đại học 5 sao thường có tỉ lệ giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên chiếm trên 60%; công bố quốc tế đạt tỉ lệ hơn 1,5 bài báo/giảng viên/5 năm; chỉ số trích dẫn trung bình đạt hơn 6 lượt/bài báo/5 năm; có hơn 10 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và đặc biệt là có các trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp.

Số sao tổng thể cũng như số sao cho từng lĩnh vực của mỗi trường trong bảng xếp hạng năm 2020 đã được công khai trên upm.vn; còn dữ liệu chi tiết về các tiêu chí đánh giá – tất cả có 54 tiêu chí, thì không vì theo GS Đức, đây là “dữ liệu riêng của UPM và các trường”.

Tuy nhiên, mục Ranking trên upm.vn lại cung cấp một bức tranh khá đầy đủ riêng về lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong 5 năm gần đây (2014-2019) của 35 trường, thông qua xếp hạng các trường theo 4 chỉ số: quy mô công bố (hay số bài báo ISI/Scopus); trích dẫn trung bình/bài báo số bài báo trung bình/giảng viên; trích dẫn trung bình/bài báo; nghiên cứu nội lực. Lưu ý là, một số trường trong các xếp hạng về nghiên cứu này không xuất hiện trong bảng xếp hạng đối sánh UPM và ngược lại. Điều có thể nhận thấy ngay từ khối dữ liệu về lĩnh vực nghiên cứu, đó là quy mô công bố của các trường phụ thuộc khá nhiều vào việc hợp tác với bên ngoài. Những trường đứng đầu về số bài báo ISI/Scopus đều có chỉ số nghiên cứu nội lực khá thấp hoặc vừa phải. Cụ thể, 5 trường đứng đầu về quy mô công bố gồm Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội Đại học Bách khoa Hà Nội Đại học Duy Tân, có chỉ số nghiên cứu nội lực lần lượt là 20,75% - 49,16% - 32,30% - 40,83%- 22,75%.

Đất dụng võ

Hệ thống UPM là sản phẩm được thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì. Nhưng cách đây 3 năm, dù không được ai tài trợ, một nhóm các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chủ động xây dựng một bộ tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam và công bố xếp hạng năm 2017 của 49 trường có đầy đủ số liệu nhất.

Nhóm các chuyên gia, nhà nghiên cứu này cho rằng, tiến hành đánh giá xếp hạng các trường một cách độc lập và minh bạch là một trong những cách tốt và nhanh nhất để thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam cải thiện chất lượng theo hướng tăng cường nghiên cứu, và đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế. Thế nhưng, trên thực tế, mới có quá ít trường lọt vào danh sách của các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Bởi vậy, cần có sự xuất hiện của những bộ tiêu chí xếp hạng đại học phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, có khả năng giúp các trường trong nước đo lường chi tiết và toàn diện những lĩnh vực mà họ muốn quản trị.

Tại sự kiện giới thiệu hệ thống UPM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, trước hết, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục đại học quốc gia cũng như các cơ sở giáo dục đại học trong nước và trong khu vực về các vấn đề có thể cải thiện để nâng cao chất lượng. Ở chiều ngược lại, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác.

Bên cạnh đó, “Người học có được những thông tin chính xác về các trường đại học để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.


PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó giám đốc ĐH Huế: Nhìn vào kết quả xếp hạng để soi lại mình

Trong lần đầu tham gia hệ thống đánh giá đối sánh UPM, Đại học Huế tiên phong với số lượng lớn nhất: 5 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm Đại học Huế chung và 4 trong tổng số 8 trường thành viên (Y Dược, Khoa học, Sư phạm, Kinh tế).

Để phục vụ việc tham gia đánh giá, Đại học Huế đã phân công một nhóm chuyên viên triển khai chuẩn hóa dữ liệu. Đây là công việc mất khá nhiều thời gian, cần kiên trì và có sự thống nhất với UPM cũng như có kiểm tra chéo để đảm bảo các số liệu vừa chính xác vừa cập nhật.

Đại học Huế từng được một số tổ chức uy tín của thế giới xếp hạng trong 5 năm qua: có tên trong danh sách QS châu Á liên tiếp 4 năm (2016- 2019); đứng thứ 7 trong 10 trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng Webometrics năm 2020. Đại học Huế cũng được THE (Times Higher Education) xếp vào các trường nên khuyến khích sinh viên quốc tế đến học.

Nhưng chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề xếp hạng, nhìn vào đó soi lại mình và đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng mới là quan trọng. Tất cả để cuối cùng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng phải tốt. Đại học Huế đang tiếp tục cộng tác với QS và Webometrics để được xếp hạng trong năm 2020-2025 và cũng sẽ mở rộng việc tham gia hệ thống UPM ra 4 trường thành viên còn lại.


GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng ĐH Phenikaa: Những tiêu chí của UPM hướng tới mô hình đại học trong tương lai

UPM là một hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học do người Việt Nam xây dựng trên cơ sở hiểu rõ bối cảnh, hoạt động của các trường đại học trong nước và có tham chiếu các tiêu chí của các bảng xếp hạng chất lượng giáo dục đại học trên thế giới. Bên cạnh những mảng hoạt động truyền thống như đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và mức độ quốc tế hóa thì UPM đã đưa vào các chỉ số về những lĩnh vực rất mới như đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, CNTT và hạ tầng số của các trường đại học. Đây là những tiêu chí hướng tới mô hình đại học trong tương lai, đại học của thời đại kỷ nguyên số.

Với 8 nhóm tiêu chuẩn và 54 tiêu chí đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của trường đại học, tôi nghĩ, UPM là bộ công cụ quản lý chất lượng rất hữu ích cho quản trị đại học và cũng là một trong những kênh tham khảo đối với các bậc phụ huynh và học sinh khi quyết định chọn trường.

Dù mới thành lập 2 năm, Trường đại học Phenikaa đã được xếp hạng 4 sao UPM. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Phenikaa thực hành tại Phòng thí nghiệm điện tử. Ảnh: Hoàng Nam.
Dù mới thành lập 2 năm, Trường đại học Phenikaa đã được xếp hạng 4 sao UPM. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Phenikaa thực hành tại Phòng thí nghiệm điện tử. Ảnh: Hoàng Nam.

Trường đại học Phenikaa đặt mục tiêu phát triển thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, top 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, vì vậy việc tham gia các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế như THE hay QS… đã được nghiên cứu và nằm trong các kế hoạch chiến lược của Trường.

Đối với chúng tôi, việc tham gia đánh giá của UPM là một trải nghiệm hết sức quan trọng để từ đó có những bước cải tiến, nâng cao chất lượng; đồng thời bổ sung thêm cơ sở cho việc xây dựng lộ trình phù hợp tham gia các bảng xếp hạng quốc tế.

Việc chuẩn bị dữ liệu để tham gia hệ thống UPM được chúng tôi tiến hành một cách chủ động. Đối với Trường, việc này rất thuận lợi và dễ dàng bởi chúng tôi cũng vừa hoàn thành công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và được công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, khi có yêu cầu của UPM thì chúng tôi đã có sẵn dữ liệu.


TS Lưu Quang Hưng, thành viên Nhóm Xếp hạng đại học Độc lập: Kỳ vọng UPM mang đến bức tranh toàn cảnh về tương quan giáo dục bậc cao

Sự ra đời của Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM đánh dấu một bước tiến lớn trong nhìn nhận về xếp hạng. Tại thời điểm bảng xếp hạng độc lập của chúng tôi công bố lần đầu năm 2017, nhiều trường đại học trong nước chưa “quen” với việc được một tổ chức bên ngoài đánh giá. Qua thời gian, họ đã cởi mở hơn trong cái nhìn về xếp hạng, chủ yếu vì nhận ra rằng xếp hạng nói riêng và đo lường, đánh giá giáo dục nói chung một cách thường xuyên là một trong những nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao (higher education) ở Việt Nam. Nay với sự ra đời hệ thống xếp hạng UPM, có thể xem đây là một nỗ lực đáng trân trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan tài trợ) và của Đại học Quốc gia Hà Nội (cơ quan chuyên môn) khi thực hiện dự án thách thức này.

Chúng ta có một hệ thống đông đảo các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm 87 đại học đa ngành và chuyên ngành; 22 đại học cấp địa phương; 28 học viện; 65 đại học tư thục; 40 trường đào tạo về công an, quân đội; chưa kể hàng trăm các trường cao đẳng và đào tạo nghề khác. Tuy nhiên lâu nay chưa có một nghiên cứu hay đối sánh nào giúp đo lường đầy đủ chất lượng các cơ sở giáo dục này. Không chỉ bởi khó khăn về nguồn dữ liệu, thách thức gặp phải còn nằm ở bộ tiêu chí đánh giá sao cho vừa có tính phổ quát lại khả thi. Bảng xếp hạng năm 2017 của chúng tôi cũng chỉ đánh giá được 49 trường trong số đó, và tiêu chí chỉ tập trung đánh giá các đại học nghiên cứu. Với bộ tiêu chí được xem là khá toàn diện này, chúng tôi tin rằng UPM sẽ không chỉ giúp đưa đến một bức tranh toàn cảnh về tương quan giáo dục bậc cao ở Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy tiến bộ thông qua đo lường chính xác, yếu tố giúp cho việc quản trị đại học trở nên hiệu quả hơn.

Sự đa dạng rất quan trọng, vì mỗi bảng xếp hạng thường chỉ đo lường một nhóm tiêu chí nhất định, hoặc có trọng số tập trung vào khía cạnh nào đó. Mỗi trường sẽ cân nhắc lựa chọn bảng xếp hạng thích hợp với mình nhất. Trên thế giới không chỉ có một hệ thống duy nhất mà tồn tại song song nhiều bảng xếp hạng khác nhau như World University Rankings của tạp chí Times Higher Education, World University Rankings của Quacquarelli Symonds, Academic Ranking of World Universities của Đại học Giao thông Thượng Hải; chưa kể hàng chục bảng xếp hạng khác theo ngành, theo công bố quốc tế (Nature Index, Scimago Institutions Ranking) hoặc theo quốc gia và khu vực. Trong nước, ngoài hệ thống UPM của Đại học Quốc gia Hà Nội và bảng xếp hạng độc lập, nhiều nơi cũng đã và đang nghiên cứu và thực hiện xếp hạng, như các nhóm của Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng, hay Scientometrics4VN. Nhiều bảng xếp hạng sẽ mang đến các lựa chọn tốt hơn về thông tin cho các trường đại học cũng như cho người sử dụng.

Lãnh đạo dự án là GS Nguyễn Hữu Đức, một nhà khoa học uy tín, có nhiều công bố quốc tế, đã lãnh đạo thành công dự án quốc tế hoá ấn phẩm Journal of Science: Advanced Materials and Devices, và từng nhiều năm làm công tác quản lý tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, các trường đại học nhìn chung đã cởi mở hơn với việc chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức xếp hạng. Đây là những tiền đề quan trọng chúng tôi cho rằng dự án có nhiều tiềm năng thành công. Chúng tôi mong sớm có dịp tiếp cận Báo cáo của Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM để hiểu hơn về những nỗ lực của Dự án này.