Tập đoàn hóa chất Nhật Bản Mitsui Chemicals kết hợp với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp KisStartup của Việt Nam đang mở đơn kêu gọi các nhà nghiên cứu tham gia Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award lần thứ hai.

Giải thưởng này nhằm tìm kiếm các dự án có tiềm năng thương mại hóa cao từ tất cả các tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam, không phân biệt công lập hay tư nhân.

Giải thưởng này sẽ tìm ra 10 dự án vào vòng chung kết (Demo Day) để gặp gỡ các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng, trong đó sẽ có 5 dự án được trao giải từ 500 USD – 2000 USD. Tuy nhiên, bất kể có được giải hay không, các dự án này đều có cơ hội nhận hỗ trợ từ Mitsui Chemicals trong việc tìm kiếm khách hàng, marketing cho đến cùng nghiên cứu và phát triển, định hướng tìm sản phẩm và ứng dụng. Các dự án tham gia phải thuộc một trong bốn lĩnh vực: Nguyên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch; Công nghệ tái chế nhựa; Các giải pháp bền vững, Công nghệ/sản phẩm nông hóa học và Dinh dưỡng.

Ngoài ra, sau giải thưởng này, tập đoàn còn tổ chức Reverse Pitch (thuyết trình ngược). Bình thường, nếu như startup phải pitch/thuyết trình với nhà đầu tư thì ở hoạt động này, tập đoàn sẽ đi thuyết phục nhà nghiên cứu. Theo đó, Mitsui Chemicals sẽ công khai sáng chế và nguồn lực của mình. Các startup và nhà khoa học sẽ tìm cách nghiên cứu và phát triển ý tưởng sản phẩm dựa trên danh sách đó và đề xuất với tập đoàn. Từ đó, tập đoàn sẽ có phương án hỗ trợ và hợp tác phù hợp. Đây là hoạt động sáng tạo mở hiếm có trong bối cảnh và thị trường Việt Nam.

Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award năm 2023. TS. Lê Thị Hiên đứng hàng thứ nhất, người thứ 4 từ phải sang.
Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award năm 2023. TS. Lê Thị Hiên đứng hàng thứ nhất, người thứ tư từ phải sang.

Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023 với bốn lĩnh vực: Thiết bị Y tế, Sản phẩm ngành hóa – sinh trong nông nghiệp, Dinh dưỡng, Vật liệu cơ bản và vật liệu xanh. Giải nhất và cũng là giải thưởng duy nhất năm ngoái, trị giá 2000 USD thuộc về nhóm nghiên cứu của TS. Lê Thị Hiên, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội với đề tài “Nano bạc chitosan ức chế vi khuẩn gây bệnh bạc lá ở lúa”. Bệnh bạc lá là bệnh phổ biến nhất trên cây lúa và có thể giảm năng suất lúa tới 74%. Mitsui Chemicals đánh giá rằng đề tài này có thể phát triển thành sản phẩm tiềm năng không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á và Nhật Bản. Tập đoàn này sau đó đã tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm cùng với TS. Lê Thị Hiên. Ngoài ra, Mitsui Chemicals cũng hỗ trợ một dự án khác (nằm trong top 10) là nhóm của PGS. TS Văn Phạm Đan Thủy, Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ với đề tài “sản xuất hydrogel siêu thấm từ axit polyacrylic và cellulose có nguồn gốc từ lá dứa”. Theo PGS. Đan Thủy trả lời Truyền hình TP Cần Thơ, vật liệu của nhóm hiện đang có độ thấm hút ở mức cao nhất thế giới và bền hơn nhiều so với các sản phẩm polymer siêu thấm trên thị trường.

Bài đăng số 1292 (số 20/2024) KH&PT