Giải Nobel Y sinh năm 2018 được trao cho khám phá về cách khai thác hệ miễn dịch để tấn công ung thư. James Allison (Trung tâm Ung thư MD Anderson, ĐH Texas) và Tasuku Honjo (ĐH Kyoto, Nhật Bản) đã độc lập phát hiện ra cách loại bỏ “chốt hãm” ngăn cản hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư.
Ủy ban Nobel tại Viện Karonlinska (Stockholm) đã công bố giải Nobel Y Sinh 2018 thuộc về hai nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo” cho “những phát hiện của họ về liệu pháp điều trị ung thư bằng ức chế sự điều hòa miễn dịch tiêu cực.”
Hai nhà khoa học đạt giải Nobel Y sinh 2018: (trái qua) James P.Allison và Tasuku Honjo. Nguồn: nobelprize.org Trong thông báo ngày 1/10, Ủy ban Nobel phát biểu: “James Allison đã nghiên cứu một loại protein vốn được biết đến với chức năng như một chốt hãm của hệ miễn dịch. Ông đã nhận ra tiềm năng của việc giải phóng chốt này và do đó giải phóng các tế bào miễn dịch của chúng ta để chúng tấn công các khối u. Sau đó, ông đã phát triển nội dung này thành một phương pháp mới để điều trị bệnh nhân.”
“Cùng lúc đó, Tasuku Honjo phát hiện ra một protein trên tế bào miễn dịch, và sau khi kiểm tra cẩn thận chức năng của nó, cuối cùng ôn thấy nó cũng hoạt động như một chốt hãm, nhưng với cơ chế hoạt động khác. Liệu pháp dựa trên khám phá của ông cũng được chứng minh là có hiệu quả nổi bật trong cuộc chiến chống ung thư.”
“Allison và Honjo cho thấy cách các chiến lược khác nhau về ức chế chốt hãm của hệ thống miễn dịch có thể được sử dụng trong điều trị ung thư. Những khám phá quan trọng của hai người đoạt giải đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư của chúng ta”, thậm chí cả những khối u mà trước đây không có cách nào để điều trị ở một số bệnh nhân. Liệu pháp kiểm soát điểm này đã thực sự tạo ra cuộc cách mạng về điều trị ung thư và thay đổi cách chúng ta xem xét cách quản lý ung thư.
Khám phá của Allison được xây dựng dựa trên công trình của nhà miễn dịch học người Pháp từ những năm 1980, người đã nghiên cứu các tế bào T – những thành phần của hệ miễn dịch có chức năng tấn công các tế bào mà cơ thể ghi nhận là ngoại lai. Họ đã xác định một thụ thể chủ chốt trên bề mặt tế bào T, đượcgọi là kháng nguyên lympho T gây độc tế bào 4 (CTLA-4). Allison và những người khác phát hiện ra, các thụ thể này tạo ra một chốt hãm trên tế bào T, ngăn cản chúng thực hiện các cuộc tấn công miễn dịch với đầy đủ sức mạnh. Đây là cơ sở để các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng thụ thể này để điều trị bệnh tự miễn dịch. Tuy nhiên Allison có một ý tưởng khác: Ung thư phát triển khi hệ miễn dịch của cơ thể thất bại trong cuộc tấn công tế bào khối u. Allison băn khoăn không biết liệu việc “khóa” các chốt hãm này – phân tử CTLA-4 - có giải phóng hệ miễn dịch để tiêu diệt ung thư hay không? Đây hoàn toàn là một nội dung mới – sử dụng hệ thống ức chế miễn dịch thành công cụ để đánh bại khối u. Năm 1996, Allison công bố trên Science, trong đó chỉ ra kháng thể chống CTLA-4 đã xóa khối u ở chuột.
Trong khi đó, Honjo, vào đầu những năm 1990, đã phát hiện ra một phân tử biểu hiện trên các tế bào T đang chết, được ông gọi là thụ thể gây chết theo chương trình đã định 1, hay PD-1. Ông phát hiện PD-1 là một chốt hãm khác trên tế bào T. Dù ban đầu “không nhận ra nó có mối liên hệ đến ung thư” như lời kể của Honjo cuộc họp báo sau khi nhận tin được trao giải Nobel, nhưng ông và cộng sự vẫn thực hiện các thí nghiệm quan trọng để chỉ ra phân tử này có thể trở thành liệu pháp điều trị ung thư. Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng PD-1 thậm chí còn ấn tượng hơn so với CTLA-4. Một số bệnh nhân bị ung thư di căn dường như đã được chữa khỏi. Và các tác dụng phụ cũng có vẻ nhẹ hơn so với những người được quan sát sử dụng liệu pháp CTLA-4.
Sau các nghiên cứu ban đầu cho thấy ảnh hưởng của liệu pháp “khóa” CTLA-4 và PD-1, ngày càng nhiều thử nghiệm lâm sàng được phát triển nhanh chóng. Các liệu pháp kiểm soát PD-1 đã chứng minh hiệu quả trong điều trị một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư thận, u lympho và u ác tính. Các nghiên cứu lâm sàng mới nhất chỉ ra việc phối hợp hai liệu pháp – nhắm mục tiêu cả CTLA-4 và PD-1, cho hiệu quả vượt trội hơn hẳn, đặc biệt ở bệnh nhân có u ác tính.
Nhà miễn dịch học của Viện Karolinska, Klas Kärre, đồng thời là thành viên của Ủy ban Nobel nói trong cuộc họp báo: “Đây là thời điểm phù hợp. Loại thuốc đầu tiên dựa trên liệu pháp này đã được chấp thuận vào năm 2011. Các bệnh nhân đã được điều trị trong một vài năm và nay chúng ta đã có thể nhìn thấy kết quả dài hạn. Nó rất thuyết phục.”
Tin tức về giải Nobel đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình tại Hội nghị miễn dịch ung thư quốc tế lần thứ 4, khai mạc vào ngày 30/9 tại New York vì trong suốt hơn một thập kỷ qua, những người tiên phong trong khám phá và sử dụng liệu pháp miễn dịch đã phải đối mặt với thái độ hoài nghi. Miriam Merad, một nhà miễn dịch ung thư tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, thành phố New York, nói: “Chúng tôi rất vui mừng. Allison đã thuyết phục được mọi người rằng liệu pháp miễn dịch đáng được chú ý.”
Hội nghị miễn dịch năm nay là cơ hội để các nhà khoa học và bác sĩ tập trung thảo luận cách cải thiện hiệu quả của liệu pháp này. Hiện nay, một số loại khối u có khả năng kháng miễn dịch cao hơn – dẫn tới trong một số trường hợp, bệnh nhân đáp ứng tốt lúc đầu nhưng sau dần ngừng đáp ứng với điều trị. Các nghiên cứu sớm nhất cho thấy việc kết hợp các liệu pháp miễn dịch khác nhau, hoặc điều trị sớm ngay khi chẩn đoán, có thể là một giải pháp.
Tasuku Honjo tại buổi họp báo tại trường đại học Kyoto. Nguồn: Science
Trả lời trong họp báo ngày 2/10 tại ĐH Kyoto, Honjo phát biểu: “Tôi muốn tiếp tục nghiên cứu này trong tương lai, liệu pháp này sẽ góp phần chữa trị cho ngày càng nhiều bệnh nhân có thể. Chúng tôi cần xác định lý do vì sao liệu pháp miễn dịch không hoạt động trong một số trường hợp cụ thể.” – nghiên cứu sâu hơn có thể mở rộng số lượng các bệnh ung thư đáp ứng với liệu pháp miễn dịch. “Tôi tin rằng căn bệnh này sẽ được chữa khỏi vào cuối thế kỷ này."