Giữa tháng 10 vừa qua, Viện Môi trường Stockholm đã công bố một văn bản khuyến nghị chính sách có tên: “Làng nghề Việt Nam và ô nhiễm không khí do nghề nghiệp: sự khác biệt giữa tầng lớp kinh tế - xã hội và giới”.

Báo cáo này chỉ ra, mặc dù có thể cùng chung một nghề nghiệp, nhưng những người có điều kiện kinh tế, địa vị và giới tính khác nhau thì cũng chịu ảnh hưởng khác nhau từ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí. Cụ thể, những người vốn đã chịu những “phân biệt đối xử” trong cuộc sống liên quan về giới, tuổi và các yếu tố xã hội khác (chẳng hạn dân “ngụ cư”, thu nhập thấp, chức vụ nghề nghiệp hạng thấp) thì càng phải chịu nhiều ô nhiễm từ nghề nghiệp. Người trẻ, đặc biệt là nam giới trẻ, thường xuyên phải làm những việc tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất với nguồn ô nhiễm. Phụ nữ, mặc dù ít khi phải làm những việc nặng nhọc nhưng chịu đựng ô nhiễm đậm đặc hơn và lâu hơn nam giới. Hơn nữa, cuộc sống của người phụ nữ phụ thuộc rất lớn vào làng nghề, có ít lựa chọn nghề nghiệp khác nên lại càng phải “gắn bó” với ô nhiễm. Phụ nữ phải nghỉ làm vì các lí do sức khỏe liên quan đến ô nhiễm nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, vì tính chất thiếu chuyên nghiệp và tự phát của làng nghề, hiện nay chưa có một cơ chế nào để bảo vệ sức khỏe cho những người lao động này. Báo cáo chỉ ra những chính sách và quy định hiện nay của chính phủ chưa đủ để người lao động khỏi những tác động khác nhau của ô nhiễm không khí.