Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) vừa công bố bản đồ hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt, y tế, xây dựng và công nghiệp ở Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên dữ liệu về tình hình rác thải và xử lý rác thải ở Việt Nam được tập trung tại một địa chỉ trực tuyến, thể hiện một cách trực quan và dễ tiếp cận đối với đại chúng. Bản đồ được chia làm bốn nội dung: (1) Lượng rác thải từng loại trên mỗi tỉnh, thành phố (2) Vị trí, tên và công suất các cơ sở xử lý rác thải (theo tấn/ngày) trên toàn quốc (3) Lượng chất thải rắn được thu gom hoặc xử lý theo từng tỉnh thành. (4) Lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân trên đầu người ở mỗi tỉnh thành. Dữ liệu để xây dựng bản đồ được nội suy dựa trên số liệu điều tra cơ bản về lượng chất thải rắn hằng ngày trên đầu người được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và công bố tại “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019” và số liệu điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê. Bạn đọc có thể truy cập và theo dõi bản đồ tại địa chỉ: https://vietse.vn/waste-map-vietnam/

Bản đồ có thể coi là nỗ lực ban đầu hướng đến việc tối ưu hóa tiềm năng rác thải ở Việt Nam. Bà Trần Hoàng Anh, chuyên gia phân tích năng lượng của VIETSE cho biết, nó sẽ “hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư các dự án chất thải rắn, cũng như xây dựng chính sách quản lý và xử lý chất thải rắn một cách hiệu quả”.

Năm 2019, chỉ 85% lượng chất thải rắn thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn kĩ thuật quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2022 tăng xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn. Mục tiêu đến năm 2050 là 100% rác thải đều được xử lý. Tuy nhiên hiện nay, mới có 164/229 cơ sở xử lý rác xây dựng theo đúng kế hoạch.