Trong phần hỏi đáp tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ KH&CN, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đặt câu hỏi về nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề ngân sách cho nghiên cứu KH&CN.

Toàn cảnh họp báo tại Bộ KH&CN ngày 4/7/2024. Ảnh: MOST
Toàn cảnh họp báo tại Bộ KH&CN ngày 4/7/2024. Ảnh: MOST

Cập nhật khung pháp lý

Chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì họp báo thường kỳ quý của Bộ. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng đại diện gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong quý II/2024, Bộ KH&CN tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định vào trong bốn dự án sửa đổi luật lớn đang tiến hành, gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử, và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ để ban hành một nghị định mới liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; và lập hai hồ sơ đề nghị Chính phủ cho xây dựng Nghị định mới về (i) đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ (sửa đổi Nghị định 95) và (ii) đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo (xây dựng nghị định mới).

Trong quý II, Bộ KH&CN cũng trình lên Chính phủ năm dự thảo về (i) Danh mục các sản phẩm quốc gia tiếp tục được hỗ trợ đến năm 2030; (ii) Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ KH&CN; (iii) Danh sách thành viên và quy chế hoạt động của Hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iv) Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và (v) Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.

Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Bộ KH&CN đã ban hành thêm ba thông tư mới về (i) quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; (ii) quản lý chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; (iii) quy định đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Cuối cùng, vào tháng 6 năm nay, Bộ KH&CN đã ban hành một bộ nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm. Đây có thể coi là hướng dẫn khung cho doanh nghiệp và những nhà phát triển AI tại Việt Nam nhằm mục đích xây dựng các sản phẩm công nghệ hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bảo đảm sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống.

Trong phần hỏi đáp tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã đặt câu hỏi về các vấn đề: hoàn thiện chính sách, pháp luật trong triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia; triển khai dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam; hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử; cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia; tiến độ xử lý đơn, sáng chế của chủ thể người Việt; sửa đổi Luật KH&CN; ngân sách cho nghiên cứu KH&CN ở địa phương; thị trường KH&CN. v.v

Đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đã chia sẻ, cung cấp thông tin đến báo chí về những nội dung trên.

Hai hướng đi cho cơ chế tài chính của quỹ NAFOSTED

Liên quan đến thay đổi cơ chế để Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED nhấn mạnh, bản chất của khoa học là đi tìm kiếm, khám phá cái mới nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và không đạt, không đúng với dự kiến ban đầu. Để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu thì cần có cơ chế quỹ phù hợp với tính chất của hoạt động khoa học như vậy.

Tuy nhiên, Quỹ NAFOSTED đang phải đối mặt với một thách thức lớn.

Trong 10 năm đầu triển khai tài trợ (2008-2018), Quỹ NAFOSTED đã được áp dụng một cơ chế đặc biệt - gọi tắt là “cơ chế tài chính quỹ” - cho phép hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học như các quỹ vận hành theo thông lệ quốc tế, với rất ít thời gian thủ tục hành chính, đồng thời được đánh giá xét chọn rất nghiêm cẩn về mặt khoa học.

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi có một số quy định mới ra đời, Quỹ NAFOSTED không thể áp dụng cơ chế quỹ linh động như trước mà phải chuyển thành “cơ chế tài chính dự toán” như tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước khác.

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED (giữa) chia sẻ thông tin về hướng đổi mới của quỹ. Ảnh: MT
Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED (giữa) chia sẻ thông tin về hướng đổi mới của quỹ. Ảnh: MOST

Cơ chế tài chính dự toán này đã cản trở hoạt động tài trợ linh hoạt của NAFOSTED trong gần sáu năm qua, đẩy nguồn tài trợ này theo lối mòn giống như bất kỳ nhiệm vụ KH&CN nào khác. Điều này làm tăng thủ tục hành chính, tăng thời gian đánh giá, xét chọn tài trợ cho các nhà khoa học tìm đến NAFOSTED. Chúng không thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học như trước kia.

Ông Phạm Đình Nguyên cho biết, Quỹ đang phải lựa chọn giữa hai phương án (i) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng vẫn được ngân sách nhà nước cấp bổ sung hằng năm, hoặc (ii) là đơn vị sự nghiệp nhưng có một số cơ chế đặc thù về tài chính.

NAFOSTED đang nỗ lực tìm cách phục hồi cơ chế tài chính quỹ cho mình. Quỹ đã trao đổi với các bộ, ngành liên quan trong một thời gian dài để tìm cách tháo gỡ vướng mắc được tạo ra từ các luật hiện hành.

Bộ KH&CN cũng đang đề xuất nhiều giải pháp cho Quỹ, trong đó có việc điều chỉnh lại quy định về Quỹ trong Luật KH&CN sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 5 năm sau) theo hai phương án trên.

Giải phóng nguồn lực từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp

Một số phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan đến ngân sách cho nghiên cứu KH&CN ở địa phương, đặc biệt là việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp tại địa phương - một trong những nguồn ngân sách ngoài nhà nước thường được khuyến khích.

Theo Luật KH&CN hiện hành, doanh nghiệp có thể trích một phần thu nhập tính thuế để tạo quỹ phát triển KH&CN của riêng mình. Điều này là bắt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước (trích 3-10%), và khuyến khích đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước (trích tối đa 10%)

Tuy nhiên các quỹ hiện có đều mắc phải một trong hai vấn đề, hoặc "trích lập quá ít” hoặc “tồn quỹ quá cao”. Tình trạng thứ hai chủ yếu do thủ tục hành chính trong kiểm soát chi tiêu của quỹ ít linh động và tương đối khó thực hiện, khiến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến vốn công, gần như không thể dùng quỹ.

Năm 2022, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã làm việc để ban hành các thông tư nhằm gỡ dần các điểm nút cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng quỹ, chẳng hạn như mở rộng nội dung cho phép chi của quỹ (ví dụ, trước đây quỹ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nhưng giờ có thể dùng để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, v.v)

Tuy nhiên, những căn cứ pháp lý cao hơn - chẳng hạn như Nghị định 95 về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, hoặc các luật về đấu thầu, doanh nghiệp v.v - vẫn chưa được sửa đổi cho tương thích, nên chưa thể giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của những quỹ này.

Như đã đề cập ở trên, Bộ KH&CN đang trình hồ sơ đề nghị xây dựng lại nghị định 95. Trong cuộc họp báo, Bộ KH&CN cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giải phóng nguồn lực cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp thông qua việc sửa các điều khoản trong Luật KH&CN hiện hành thuộc thẩm quyền của mình.


Cũng trong Quý II, Bộ KH&CN đã tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế (Nga, Trung Quốc, Lào, Đức).

Ngoài ra còn có các hội thảo “Một số giải pháp thúc đẩy triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia”; Hội thảo Chính sách đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Lễ Công bố bảy chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre; Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.