Những thay đổi về cơ chế của Quỹ NAFOSTED, một chính sách tài trợ cho khoa học cơ bản lớn nhất và bền vững nhất Việt Nam kể từ năm 2008, cho thấy tương lai là một chặng đường hoàn toàn mới với bản thân Quỹ nhưng lại quen thuộc với nhiều chương trình đầu tư cho KH&CN khác.
Vào năm 2018, Quỹ NAFOSTED kỷ niệm 10 năm thực hiện chương trình tài trợ cho khoa học cơ bản, một chương trình đầu tư dài hạn vào khoa học theo một cơ chế hoàn toàn mới ở Việt Nam. Thay vì cách tiếp cận thông thường theo cơ chế lập dự toán ngân sách nhà nước như nhiều chương trình KH&CN khác do Bộ KH&CN quản lý, NAFOSTED áp dụng cơ chế quỹ, nghĩa là đón nhận hồ sơ đề xuất từ các nhà khoa học, xét duyệt thông qua các hội đồng khoa học và phân bổ tài trợ theo cơ chế cạnh tranh, thông thoáng về thủ tục. Với cách tiếp cận này, chất lượng khoa học được đặt lên hàng đầu chứ không phụ thuộc vào việc người đề xuất có phải là “cây đa cây đề” hay không.
Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM) là nơi có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho các bệnh viện và doanh nghiệp. Ảnh: sci.edu.vn
Một cách làm đã được chứng thực hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển đã được bắt rễ ở Việt Nam, không chỉ từ tư duy cởi mở của nhà quản lý các cấp khi đề xuất khái niệm quỹ khoa học trong Luật KHCN (Quốc hội thông qua tháng 6/2000) mà còn từ nhu cầu hội nhập của khoa học Việt Nam trong bối cảnh mới, khi không thể “đường ta, ta cứ đi” được nữa. Từ những hoạt động tài trợ, hỗ trợ của NAFOSTED, một môi trường khoa học minh bạch, tuân theo chuẩn mực quốc tế và tương đối liên tục đã dần được xây dựng tại Việt Nam, qua đó làm thay đổi bộ mặt của khoa học nước nhà. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để góp phần đảo ngược tình trạng “chảy máu chất xám”, khuyến khích các nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài trở về. Nhiều nhà quản lý ở các viện nghiên cứu đã trao đổi với báo KH&PT rằng, nhờ có NAFOSTED mà họ “giữ” được người ở lại với khoa học.
Có lẽ, dù vẫn còn có nhiều điểm cần sửa đổi và bổ sung để thúc đẩy chất lượng khoa học nhưng NAFOSTED đã nỗ lực mở rộng các chương trình nâng cao năng lực khoa học quốc gia như hỗ trợ nhà khoa học dự hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức hội thảo quốc tế; đồng tài trợ với các quỹ quốc tế; tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh; tài trợ cho postdoc…, trong phạm vi nguồn lực ngân sách được cấp hằng năm.
Thật khó để có thể đánh giá hết ý nghĩa của các hoạt động tài trợ cho khoa học cơ bản nói chung cũng như Quỹ NAFOSTED nói riêng nhưng trong năm 2022 - Năm của Khoa học cơ bản, chúng ta có thể mượn lời nói về khoa học của UNESCO: khoa học tạo ra những giải pháp cho cuộc sống hằng ngày và giúp chúng ta trả lời những bí ẩn lớn của vũ trụ này. Nói cách khác, khoa học là một trong những kênh quan trọng của hiểu biết. Khoa học có vai trò đặc biệt cũng như vô vàn lợi ích mà nó có thể đem lại cho xã hội chúng ta: tạo ra hiểu biết mới, cải thiện giáo dục và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Cơ chế dự toán và cơ chế quỹ
Có thể thấy, trong số 24 quỹ trực thuộc sự quản lý của 15 Bộ, cơ quan trung ương quản lý, Quỹ NAFOSTED (cùng với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia NATIF) là trường hợp đặc biệt: hoạt động phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước được cấp hằng năm và không có nguồn thu nào khác. Không cần đến giãi bày của người trong cuộc thì những người quan sát hoạt động của NAFOSTED cũng như các quỹ có tính chất tương tự ở nước ngoài vẫn có thể rút ra một nhận xét: tài trợ hay hỗ trợ của quỹ là con đường một chiều, chỉ có “cho đi” chứ khó có thể “bảo toàn vốn” bằng một nguồn kinh phí nào đó như các loại hình quỹ đầu tư khác. Không riêng NAFOSTED, các quỹ khoa học khác trên thế giới như Quỹ KH Mỹ (NSF), Norges forskningsråd Na Uy (NFR), Danmarks Frie Forskningsfond Đan Mạch (DFF), Quỹ KH cơ bản Nga (RSF)… cũng đều hoạt động theo phương thức chính phủ rót ngân sách hằng năm như vậy từ rất nhiều năm và cho đến nay vẫn theo nếp như vậy.
Trong hơn 10 năm hoạt động, NAFOSTED có nhiều điểm khác biệt trong vận hành so với các quỹ khác cũng như so với chính các chương trình KH&CN khác do Bộ KH&CN quản lý. Một trong số đó là cơ chế tài chính: mặc dù hưởng ngân sách nhà nước nhưng NAFOSTED không vận hành theo cơ chế dự toán ngân sách nhà nước. Trong bài viết “Cơ chế quản lý tài chính đối với các quỹ khoa học và công nghệ cấp quốc gia”, xuất bản trên tạp chí Tài chính (Bộ Tài chính) ngày 23/1/2021, có nêu “Bộ KH&CN thực hiện phân bổ cho các quỹ ngay từ đầu năm mà không cần phải bảo đảm các yêu cầu về quyết định phê duyệt như đối với các nhiệm vụ KH&CN khác”. Điểm khác biệt trong phê duyệt kinh phí còn được thể hiện ở chỗ “các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh, ủy thác của quỹ do hội đồng quản lý quỹ quyết định đã tạo nhiều sự thông thoáng trong cơ chế tài chính cho quỹ”.
Sự hội tụ các điểm khác biệt về cơ chế tài chính này đã được những người làm khoa học gọi một cách nôm na là cơ chế quỹ. Cơ chế này tạo thuận lợi cho cả hai phía: các nhà quản lý quỹ không phải dự toán ngân sách theo năm tài chính nhưng vẫn có một khoản ngân sách rót xuống tương ứng với khối lượng đề tài dự kiến. Nhờ vậy, NAFOSTED có thể cấp kinh phí theo các đợt phê duyệt tài trợ còn các nhà khoa học có thể đón nhận kinh phí để thực hiện đề tài mà không cần tuân theo những thủ tục tài chính rườm rà. Mặt khác, điều đó đem lại cảm giác là đã tạo dựng được sự tin tưởng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học. Nhà quản lý không cần đến những biện pháp kiểm soát tài chính chặt chẽ với nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thu – chi kinh phí tài trợ, hỗ trợ khoa học còn nhà khoa học không cần phải quá bận tâm đến chuyện giải trình việc sử dụng kinh phí một cách quá chi tiết và mất thời gian. Không gian sáng tạo được mở ra để khuyến khích khoa học làm ra cái mới, để tới một lúc nào đó, cái mới về mặt kiến thức ấy sẽ trở thành cái mới công nghệ, cái mới hữu dụng với xã hội.
Đó là cách mà từ năm 2009 đến năm 2019, NAFOSTED đã áp dụng để tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn. Cho đến nay, ở Việt Nam, NAFOSTED vẫn là mô hình duy nhất áp dụng theo cơ chế này.
Trong quá trình vận hành, không phải bao giờ mọi chuyện cũng hoàn hảo. Ước mong của các nhà khoa học là đến một ngày, quy mô tài trợ của NAFOSTED cho các đề tài đạt tới mức cao hơn hiện nay, bởi so với những quỹ khoa học khác trên thế giới, tổng kinh phí được cấp hằng năm của NAFOSTED còn rất khiêm tốn và các hạng mục tài trợ, hỗ trợ vẫn còn chưa đa dạng. Ví dụ có nhà khoa học giấu tên nói rằng với lượng kinh phí tài trợ cho postdoc hiện nay thì chưa xứng với vị trí cũng như sức lao động mà một postdoc phải bỏ ra. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Quỹ cũng cần nâng cao tiêu chuẩn nghiệm thu đề tài, hướng đến chất lượng khoa học hơn là “đếm bài, thu thành tích”…
Cơ chế nào thích hợp?
Sau 10 năm thực hiện theo cơ chế quỹ, NAFOSTED đã phải đứng trước một quãng đường mới theo quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Và Quỹ phải đứng trước hai phương án, đó là trở thành quỹ tài chính ngoài ngân sách hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước.
Trong phương án thứ nhất, NAFOSTED sẽ phải hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước. Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước có nêu rõ, “ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”. Do đó, NAFOSTED sẽ chỉ được cấp vốn điều lệ một lần và đảm bảo tiêu chí bảo toàn vốn, dù sau đó có triển khai các chương trình tài trợ và hoạt động bộ máy đi nữa.
Trong phương án thứ hai, với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước và được cấp vốn hằng năm, NAFOSTED sẽ phải áp dụng cơ chế dự toán ngân sách nhà nước, nghĩa là không còn được hưởng cơ chế quỹ một cách tuyệt đối như trước. Việc cấp kinh phí của Quỹ sẽ không t heo cả gói như những năm trước mà theo danh mục đề xuất từ năm trước và qua nhiều vòng thẩm định.
Trước hai lựa chọn này, NAFOSTED đã chọn phương án thứ hai để bảo toàn cơ hội tài trợ và hỗ trợ cho khoa học cơ bản, thay vì phương án thứ nhất khó khả thi và phi thực tế với bản chất của khoa học cơ bản.
Lựa chọn nào cũng có tính hai mặt của nó. Dù bảo toàn được quỹ nhưng “Tính thông thoáng và linh hoạt vốn có của cơ chế quỹ có thể sẽ không còn”, một nhà khoa học nhiều năm là chủ trì đề tài do Quỹ tài trợ nhận xét. Dù chưa chính thức áp dụng cơ chế mới cho các hoạt động thì các nhà khoa học cũng mường tượng ra khả năng các quy định về tài chính của NAFOSTED sẽ phải nâng mức chặt chẽ lên rất nhiều lần qua rất nhiều vòng thẩm định tài chính. Với cơ chế dự toán, việc kiểm soát kinh phí sẽ có thể cụ thể tới từng gói tài trợ/nhiệm vụ KH&CN/đề tài. Mặt khác, do tính chất của cơ chế dự toán ngân sách mà những hoạt động tài trợ dựa trên đề xuất từ dưới lên khác như hỗ trợ nhà khoa học tham dự hội thảo, tổ chức hội thảo quốc tế, tài trợ sau tiến sĩ… cũng khó có thể thực hiện được.
Có thể, trên thực tế sẽ có vô vàn vấn đề khác nhau nảy sinh khi một bộ máy đi từ việc áp dụng một cơ chế này sang cơ chế khác mà người ta khó lường trước. Với trường hợp NAFOSTED cũng vậy. Rất nhiều mối lo, ví dụ như liệu cơ chế truyền thống có thông thoáng? Có lẽ đây là một câu hỏi tu từ bởi nhiều năm nay, trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo chính phủ, không ít nhà khoa học đã mạnh dạn đề xuất là cần đơn giản và thông thoáng thủ tục tài chính để các nhà nghiên cứu tập trung vào chuyên môn. Trong buổi làm việc của đoàn công tác chính phủ tại Bộ KH&CN vào cuối tháng 3/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ với các nhà quản lý khoa học và nhận xét, vấn đề chủ yếu là ở cơ chế quản lý tài chính trong khoa học vẫn dựa trên nguyên tắc chống thất thoát. Lúc đó, đại diện của Bộ Tài chính cho rằng, về mặt cá nhân, ông hoàn toàn thông cảm với nhà khoa học nhưng về nguyên tắc sử dụng ngân sách nhà nước thì phải chặt chẽ.
Bên cạnh đó, đã nảy sinh một vấn đề, đó là trong nghiên cứu khoa học và xuất bản khoa học đều phải có độ trễ về thời gian do tính rủi ro cao, trong khi về quy tắc quản lý tài chính từ ngân sách nhà nước thông thường không cho phép có độ trễ như vậy. Hiện tại, đã tồn tại sự sai khác trong quy định về độ trễ thời gian trong Thông tư 37/2014/TT-BKHCN quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do NAFOSTED tài trợ và Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước: với Thông tư 37, các nhà khoa học có một năm để chờ công bố còn Thông tư 27 thì “quyết toán nhiệm vụ được thực hiện không muộn hơn sáu tháng kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết”. Nếu chiểu theo quy định này thì rất nhiều khả năng, nhà khoa học sẽ phải chọn phương án an toàn, đó là xuất bản trên các tạp chí có chất lượng trung bình để có thể nghiệm thu đúng hạn hơn là trên tạp chí top đầu – có thể mất hơn một năm để chờ đợi bình duyệt và chỉnh sửa. “Ở giai đoạn trước, khi áp dụng cơ chế quỹ thì không có vấn đề gì với quy định về độ trễ thời gian nhưng khi áp dụng cơ chế dự toán ngân sách thì nó là cả một vấn đề”, một ý kiến cho biết. Do vậy, giải quyết được nguyên vấn đề này trong thời gian tới cũng là một trong những thách thức của các nhà quản lý khoa học.
Điều gì ở phía trước?
Khi nhìn vào toàn bộ hoạt động của một quỹ, đặc biệt là quỹ tài trợ cho khoa học cơ bản, người ta thường đặt câu hỏi “vậy cuối cùng, tác động và đóng góp của nó với xã hội đến đâu?”. Câu hỏi này, đáng tiếc là thật khó trả lời. Bởi không dễ để tức thời tìm được “ứng dụng” cho một nghiên cứu khoa học cơ bản chủ yếu đem lại kiến thức mới. Ngay cả khi phát minh ra công thức vĩ đại thể hiện mối tương quan giữa năng lượng và khối lượng e=mc2, Albert Einstein cũng không thể nghĩ đến một ngày nào đó, nó có thể dẫn đến hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ảnh hưởng đến đời sống xã hội và kinh tế của cả thế giới. Theo nhà hóa học đoạt giải Nobel năm 2016 Ben Feringa, những vấn đề khoa học tạo ra điện thoại di động đã được hình thành từ những năm 1940, 1950 thông qua khám phá về các transistor và các vật liệu có thể tạo ra màn hình tinh thể lỏng. Điều đáng nói là thời điểm đó, không ai nghĩ đến việc chuyển hóa nó thành một dạng thiết bị bỏ túi cả. Ông cho rằng, cuộc hành trình từ những nghiên cứu cơ bản do trí tò mò dẫn dắt đến một công nghệ làm thay đổi thế giới có thể cần khoảng thời gian từ sáu tháng đến 50 năm.
Sự trớ trêu này thuộc về bản chất của khoa học cơ bản. Tuy nhiên, rất nhiều cường quốc trên thế giới đã chấp nhận nó để đầu tư không hoàn lại cho khoa học cơ bản. “Nếu nhìn vào sự thăng trầm trong quá khứ của các quốc gia phát triển hiện nay, không quốc gia nào lại không dựa vào nền tảng KH&CN”, giáo sư Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược HN) – Chủ tịch Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, khẳng định như vậy trong lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. “Nghiên cứu cơ bản tạo tiền đề bền vững cho nghiên cứu ứng dụng; góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta không thể tiếp nhận được những công nghệ cao của quốc tế. Và nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng để một quốc gia bứt phá và dẫn dắt các quốc gia khác”.
Dẫu thật khó định lượng được tác động của NAFOSTED thì ngoài những giá trị mà giáo sư Nguyễn Hải Nam chỉ ra, còn có những ảnh hưởng khác. Đó là, bản thân hoạt động tài trợ của NAFOSTED cũng như việc tạo ra một khuôn khổ theo tiêu chuẩn quốc tế trong suốt hơn 10 năm hoạt động của NAFOSTED đã trở thành hình mẫu để các đơn vị tư nhân học tập và triển khai tài trợ, ví dụ như VINIF. Mặt khác, đội ngũ các nhà khoa học tham gia xét duyệt hay đề xuất tài trợ với VINIF; hoặc tham gia các hoạt động R&D tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, phần nhiều cũng được trui rèn và trưởng thành từ các hoạt động tài trợ nâng cao năng lực của NAFOSTED. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho KH&CN, một phần cũng từ niềm tin vào khoa học mà các hoạt động tài trợ cho khoa học cơ bản và kết quả của khoa học cơ bản đem lại.
Do đó, việc áp dụng cơ chế truyền thống hay cơ chế quỹ thì có lẽ, yếu tố quan trọng để người làm khoa học được yên tâm làm khoa học và các nhà quản lý thực thi chính sách đầu tư cho khoa học là sự tin cậy lẫn nhau, giữa một bên có trách nhiệm đầu tư và tạo điều kiện thông thoáng, linh hoạt với một bên có trách nhiệm tạo ra những công trình khoa học có ý nghĩa, để khi tích lũy đủ đầy sẽ trở thành tiềm lực đất nước.
Bài viết “Cơ chế quản lý tài chính đối với các quỹ khoa học và công nghệ cấp quốc gia”, xuất bản trên tạp chí Tài chính (Bộ Tài chính) ngày 23/1/2021, đã phân tích điểm khác biệt về cơ chế quản lý của các Quỹ KH&CN cấp quốc gia so với các quy trình ngân sách thông thường. Ngoài việc được cấp ngân sách hằng năm để bổ sung vốn điều lệ, cơ chế quản lý cho các quỹ KH&CN cấp quốc gia có một số đặc điểm:
Cơ chế phân bổ vốn điều lệ được cấp hằng năm: Việc cấp kinh phí cho các quỹ được thực hiện bằng hình thức lệnh chi tiền. Bộ KH&CN thực hiện phân bổ cho các quỹ ngay từ đầu năm mà không cần phải bảo đảm các yêu cầu về quyết định phê duyệt như đối với các nhiệm vụ KHCN khác.
Việc cấp kinh phí bằng lệnh chi, giám đốc quỹ chịu trách nhiệm toàn bộ về việc sử dụng nguồn kinh phí của quỹ bảo đảm phù hợp với các quy định của nhà nước, cơ chế chi tiêu nội bộ.
Cơ chế quản lý, sử dụng vốn điều lệ thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tài trợ, cho vay, bảo lãnh, ủy thác: Việc phê duyệt thì các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh, ủy thác của quỹ được hội đồng quản lý quỹ quyết định đã tạo nhiều sự thông thoáng trong cơ chế tài chính cho quỹ. Thành phần của Hội đồng quản lý quỹ cũng khác biệt so với thành phần Ban chủ nhiệm của các chương trình KH&CN quốc gia khác. Theo đó, thành phần của Hội đồng quản lý quỹ là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính (thường là một đồng chí Thứ trưởng) là thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ KH&CN cấp quốc gia.
Thực tế các năm, ngân sách nhà nước đều không cấp đủ vốn điều lệ cho các Quỹ nêu trên. Đối với Quỹ NAFOSTED, hằng năm ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ là 300 tỷ đồng (đạt khoảng 60% vốn điều lệ), chưa năm nào cấp đủ 500 tỷ đồng như quy định tại Nghị định số 23/2014/NĐ-CP.
Nguồn: tapchitaichinh.vn |