Việc chọn được đúng đề tài giữa muôn vàn đề xuất và tài trợ đúng người xứng đáng giữa muôn vàn gương mặt nộp hồ sơ luôn là một trong những hoạt động quan trọng của mọi quỹ đầu tư. Đó cũng là điều NAFOSTED đang vun đắp, bất chấp việc phải đối mặt với bao nỗi khó khăn.

Nghiên cứu cơ bản tại Đại học Duy Tân.Ảnh: Shutter

Hai trụ cột trong bộ khung giám sát tài trợ

Có rất nhiều lý do để một nền khoa học tồn tại và rất nhiều nguyên tắc, quy định để một nền khoa học được vận hành theo đúng quỹ đạo khoa học. Giữa những lý do và nguyên tắc như vậy, có lẽ, các hoạt động tài trợ và đánh giá tài trợ thường thuộc về nhóm các chính sách nòng cốt để nuôi dưỡng các nguồn lực khoa học và lan tỏa những giá trị khoa học trong xã hội dưới các hình thức khác nhau, từ tri thức, lòng tin, sự minh bạch… đến kết quả đào tạo, làm ra sản phẩm mới… Là một chính sách tài trợ cho khoa học cơ bản của Việt Nam, kể từ khi ra đời cách đây hai thập kỷ, NAFOSTED được coi là nơi ươm mầm cho nhiều ý tưởng trong lĩnh vực khoa học cơ bản và tạo những điều kiện thiết yếu nhất cho các nhà khoa học có thể yên tâm làm việc – những điều kiện ấy được hình thành từ nỗ lực gần năm năm học hỏi và soạn thảo các văn bản quản lý các nhiệm vụ KH&CN, các quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN…

Nỗ lực của những người làm chính sách và thực thi chính sách đã giúp hình thành một bộ khung giám sát, quản lý các hoạt động tài trợ/hỗ trợ, các hạng mục tài trợ/hỗ trợ nâng cao năng lực ở NAFOSTED mà thể hiện ở bên ngoài là một môi trường tương đối minh bạch và thuận lợi cho những người làm khoa học. Hai trụ cột của bộ khung giám sát ấy là các hội đồng khoa học chuyên ngành và hệ thống thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện tài trợ/hỗ trợ.

Ở đây, các hội đồng khoa học theo nhiệm kỳ được hình thành dựa trên kết quả bầu chọn của cộng đồng khoa học từng chuyên ngành và việc bầu chọn từng thành viên dựa trên uy tín khoa học của từng cá nhân. Các hội đồng khoa học là nơi ra quyết định sẽ tài trợ hay không tài trợ cho một đề xuất nghiên cứu và ban điều hành NAFOSTED tôn trọng kết quả của hội đồng và thực hiện theo kết quả xét duyệt của hội đồng chứ không thể tham gia chỉ đạo hoặc thao túng kết quả. Nhiệm vụ chính của các hội đồng khoa học chuyên ngành NAFOSTED là xác định các định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên của Quỹ; xét chọn các đề tài nghiên cứu để Quỹ tài trợ; đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu do Quỹ tài trợ.

Với việc dựa vào quan điểm của các hội đồng khoa học, vốn đươc bình chọn theo nhiệm kỳ ba năm một lần, NAFOSTED đã “tách việc tài trợ cho khoa học khỏi cơ chế hành chính, quyết định tài trợ không phải do một ông vụ trưởng, thứ trưởng nào đó mà do nội dung khoa học” như nhận xét của giáo sư Trần Xuân Hoài.

.
Giữa cơn bão của những nghi ngờ về hành vi sai trái, phi liêm chính của khoa học Việt Nam, những trao đổi nhiều chiều về vấn đề xét duyệt tài trợ của NAFOSTED đã được bàn tán cả online lẫn offline. Chỉ cần một nỗi nghi ngờ dấy lên là người ta có thể nghĩ đến rất nhiều tình huống và khả năng có thể xảy ra, tới những vùng xám mà sự chồng lấn của nó ngày càng lan rộng. Và chỉ cần như vậy là một trong những tổ chức công hiếm hoi tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu cơ bản dựa trên một bộ khung đánh giá tương đối tiệp cận với tiêu chuẩn quốc tế như NAFOSTED có bị ngờ vực rơi vào vùng xám này.


Sự tồn tại của một hội đồng khoa học theo nhiệm kỳ ở NAFOSTED khác hẳn với sự tồn tại của các hội đồng được thành lập một cách “linh động” dựa trên phạm vi chuyên môn của từng đề xuất xin tài trợ như ở các chương trình KH&CN cấp quốc gia khác mà Bộ KH&CN hay các bộ, ngành, địa phương khác quản lý. TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, đã giải thích việc hình thành hội đồng theo cách này “giúp cho việc đôn đốc, theo dõi tiến trình thực hiện đề tài và đánh giá sản phẩm đầu ra để nghiệm thu đề tài trong khi theo cách quản lý cũ dù khi nghiệm thu cũng quan tâm đến sản phẩm đầu ra nhưng mang tính định tính, nếu có một chút định lượng thì cũng không phải tiêu chí cứng. Nhiều đề tài khi làm xong, nếu sản phẩm không đạt mức đăng ký ban đầu thì cũng được cho nợ hoặc để đấy vì các hội đồng khoa học đánh giá đã ‘tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ’, không còn ai đôn đốc theo dõi, không ai quan tâm đến việc áp dụng kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm hoặc cấp thêm kinh phí để thực hiện việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu đó nữa. Vì vậy có xu hướng chấp nhận sản phẩm hình thức là chính. Trong khi đó, Quỹ yêu cầu định lượng là nghiên cứu cơ bản phải có công bố quốc tế và phải được hội đồng khoa học chuyên ngành theo dõi nhiệm vụ đó suốt thời gian thực hiện hợp đồng”.

Để các hội đồng khoa học có thể thực thi tốt những nhiệm vụ của mình, trụ cột thứ hai của bộ khung giám sát là hệ thống thông tư, văn bản hướng dẫn, trong đó, Thông tư 37/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý đề tài nghiên cứu do NAFOSTED tài trợ đóng vai trò nòng cốt cho các hoạt động xét duyệt với các quy định rất rõ ràng và minh bạch về nguyên tắc đánh giá, chuyên gia đánh giá và hội đồng khoa học đánh giá. Theo Thông tư 37, có bốn yếu tố liên quan đến đánh giá tài trợ là 1) đánh giá từ các chuyên gia cùng ngành, liên ngành thông qua hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập (khi cần thiết); 2) đánh giá dựa trên hồ sơ; 3) đảm bảo tính khách quan, dân chủ, bình đẳng; 4) tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Quá trình xét duyệt đề tài, hay các hồ sơ đề xuất tài trợ từ các nhà khoa học gửi tới NAFOSTED sau mỗi đợt mở tài trợ hằng năm là một quá trình mà theo giáo sư Phạm Đức Chính (Hội đồng ngành Cơ học và kỹ thuật NAFOSTED), một người gắn bó với Quỹ nhiều năm, “cách làm từ trước đến nay vẫn thế, không thay đổi, nếu có thì chỉ là trong cách điều hành có điều chỉnh chỗ này chỗ kia”.

Phương thức đánh giá một ý tưởng đề xuất “qua cửa” hội đồng khoa học chủ yếu là việc nó phải hội tụ đủ các yếu tố quan trọng: sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu và sự phù hợp với hướng nghiên cứu cơ bản được Quỹ tài trợ; tính mới, tính sáng tạo của vấn đề nghiên cứu được đề xuất; mục tiêu, nội dung rõ ràng; phương pháp và kế hoạch nghiên cứu phù hợp để đạt được mục tiêu; năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu, điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức chủ trì phục vụ nghiên cứu; kết quả dự kiến, khả năng thành công của đề tài, ý nghĩa khoa học và triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu; đóng góp đào tạo sau đại học; dự toán kinh phí nghiên cứu hợp lý. Có lẽ, ai cũng hiểu rằng, tất cả các tiêu chí này được đặt ra là để một hội đồng khoa học xác định một đề xuất có thực sự hướng đến nghiên cứu một vấn đề thực sự có ý nghĩa với lĩnh vực nghiên cứu của nó hay không, có trùng lặp với những đề tài đã có hay không và hơn thế, việc theo đuổi nó có khả thi.

Cần làm gì để minh bạch hơn?

Giữa cơn bão của những nghi ngờ về hành vi sai trái, phi liêm chính của khoa học Việt Nam, những trao đổi nhiều chiều về vấn đề xét duyệt tài trợ của NAFOSTED đã được bàn tán cả online lẫn offline. Chỉ cần một nỗi nghi ngờ dấy lên là người ta có thể nghĩ đến rất nhiều tình huống và khả năng có thể xảy ra, tới những vùng xám mà sự chồng lấn của nó ngày càng lan rộng. Và chỉ cần như vậy là một trong những tổ chức công hiếm hoi tài trợ trực tiếp cho nghiên cứu cơ bản dựa trên một bộ khung đánh giá tương đối tiệp cận với tiêu chuẩn quốc tế như NAFOSTED bị ngờ vực rơi vào vùng xám này.

Dĩ nhiên, thật không thể tránh hết những nhận định khác nhau, “có thể người ta nhìn thấy ngay cả những hội đồng khoa học cũng có nhiều chỗ nó không ổn. Nhiều ý kiến lắm, người ta nói cũng có lý”, một nhà khoa học kỳ cựu ở Viện Hàn lâm KH&CN cho biết.

Có lẽ, ở một nền khoa học vẫn còn đang hội nhập và một quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản còn đang chật vật để tồn tại thì có vô số vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung để tiệm cận hơn nữa với thông lệ quốc tế về mọi yếu tố: sự độc lập trong hoạt động, gia tăng kinh phí tài trợ, hạng mục tài trợ, chương trình tài trợ… Dẫu cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến “giờ có thể người ta đã ít tin vào Quỹ, những chuyện đó cũng khó nói lắm, không tránh khỏi việc này việc kia” nhưng nhà khoa học này cũng công nhận “phải nói là ở Việt Nam, Quỹ NAFOSTED vẫn minh bạch, các đề tài do Quỹ tài trợ vẫn có chất lượng tốt”.

Việc chiếu sự nghi ngờ vào chất lượng đánh giá và quy trình đánh giá của NAFOSTED khiến nhiều người đặt vấn đề “có nên đặt hết niềm tin vào các hội đồng khoa học?”, “nên chăng cần dựa vào các phản biện bên ngoài?”… Thực ra, câu chuyện mời chuyên gia bên ngoài hội đồng, cả quốc tế và trong nước, là điều không mới của Quỹ, ngay trong Thông tư 37 cũng đã nêu rõ có thể mời chuyên gia độc lập ngoài Quỹ để tham gia đánh giá. Trong các thực hành xét duyệt, không chỉ với việc lựa chọn các đề tài nghiên cứu để xét tài trợ hằng năm mà cả với các cuộc xét duyệt đề xuất giải thưởng Tạ Quang Bửu, NAFOSTED đã gửi thư mời nhà nghiên cứu bên ngoài hội đồng chuyên ngành.

Dẫu vậy, đây không hẳn là một phương án hoàn hảo. Một nhà nghiên cứu cho biết, việc mời phản biện ngoài cũng chỉ là một trong những yếu tố để đi đến quyết định có hay không tài trợ cho một đề tài. Bởi có những phản biện ngoài lại đánh giá quá thấp đề tài chẳng hạn, hoặc họ đánh giá theo hướng khen nhiều hơn trong khi việc xét duyệt của hội đồng thường có cái nhìn tổng thể các đề xuất, so sánh với những đề tài khác để cuối cùng xếp hạng, lựa chọn các đề tài tốt nhất.

Mặt khác, cũng có một vấn đề là việc lựa chọn các đề xuất này còn phụ thuộc vào lượng kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động tài trợ. “Từ năm ngoái đến năm nay, kinh phí rót về quỹ nó cũng căng nên khoản dành cho nghiên cứu cơ bản bị thắt lại, dẫn đến chuyện cũng có hồ sơ được đánh giá là khá về ý tưởng nhưng lại không được chọn. Việc lựa chọn trở nên cực kỳ khó. Đó là vấn đề đáng suy nghĩ vì việc lựa chọn dựa vào các tiêu chí trên nó phải công bằng”, giáo sư Phạm Đức Chính nhận xét.

Việc áp dụng khung tài chính mới và quy tắc cấp phát tài chính mới khiến cả NAFOSTED lẫn các hội đồng khoa học đều cảm thấy khổ tâm. Giáo sư Phạm Đức Chính nói “Thực ra bây giờ khoa học Việt Nam đã phát triển so với trước đây, nguồn nhân lực KH&CN cũng tốt hơn trước và công bố tốt hơn so với 10 năm trước nhưng đồng tiền tài trợ lại bị eo hẹp đi. Giá mà nguồn tài chính rộng rãi thì sẽ tài trợ nhiều đề tài hơn, tuy nhiên khi tiền ít quá thì ngay cả những đề tài mà hội đồng thấy cũng khá vẫn bị loại”. Trên thực tế thì khi thực hiện đề tài do Quỹ tài trợ, nhà khoa học phải chấp nhận cảnh vừa nhận được ít kinh phí thực hiện so với nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp bộ lại vừa phải đáp ứng yêu cầu về công bố quốc tế trong khi đề tài các bộ, tỉnh kinh phí thực hiện cao hơn và yêu cầu sản phẩm đầu ra lại thoải mái hơn.

Trong bối cảnh ngay một lúc không thể giải quyết được những khung tài chính không phù hợp với bản chất khoa học thì có cách nào có thể cứu vãn tình thế? Theo đề xuất của giáo sư Phạm Đức Chính, chỉ có một cách là minh bạch và công khai, trong đó, mỗi khi ra mắt hội đồng khoa học chuyên ngành, Quỹ cần công khai hồ sơ ORCID của mỗi thành viên, một dạng lý lịch khoa học mà thế giới vẫn sử dụng, trong đó có đầy đủ thông tin về đóng góp khoa học “Minh bạch là quan trọng, đánh giá về nhà khoa học phải dựa trên lý lịch khoa học thì mới đáng tin cậy. Cần phải công khai hóa cả hội đồng và người nhận tài trợ bởi hội đồng thật nghiêm chỉnh và tin cậy cùng người được hưởng tài trợ cũng thật nghiêm chỉnh thì mới xứng đáng nhận được tài trợ của nhà nước. Đây cũng là cách thức quan trọng để nâng cao uy tín của Quỹ”, GS. Phạm Đức Chính nói.

Không có giải pháp nào hoàn hảo ở thời điểm này song rõ ràng, NAFOSTED cần duy trì một nỗ lực hoàn thiện mình, chắc chắn từng bước một như nhiều năm trước và gần nhất là đảm trách vai trò tiên phong ở Việt Nam ban hành văn bản quy định liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Bài đăng số 1276 (số 4/2024) KH&PT