Trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam đã có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp, đổi mới công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng cần phải được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để góp phần giải bài toán năng suất lao động của Việt Nam.

Nhà máy gỗ ở Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Shutterstock
Nhà máy gỗ ở Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Shutterstock

Những giải pháp cụ thể đã được thảo luận tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động được tổ chức vào đầu tháng sáu vừa qua tại Bộ KH&CN.

Hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ


Thách thức đặt ra với ngành dệt may trong một vài năm gần đây buộc nhiều công ty may mặc phải tìm đến những giải pháp đổi mới sáng tạo, trang bị máy móc hiện đại để tự động hóa một số công đoạn sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng hàng hóa, giảm thời gian thực hiện các đơn hàng… Ví dụ, Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Công ty Cổ phần May Hưng Việt và một số công ty may khác đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu chuẩn bị sản xuất của doanh nghiệp may mặc, đi kèm với việc đầu tư các hệ thống thiết bị hiện đại hỗ trợ công việc chuẩn bị may như máy nhồi lông vũ tự động, máy trần vải tự động, máy cắt vải tự động, máy dán đường may tự động... Kết quả là giảm 30%-45% thời gian và lao động trong quá trình chuẩn bị may ở Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Công ty Cổ phần May Hưng Việt.

Những gì diễn ra ở các công ty may mặc này là một ví dụ sống động về tăng năng suất lao động mà Bộ KH&CN đang hỗ trợ các doanh nghiệp qua nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCL), thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng áp dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất MES (Manufacturing Execution System) cho doanh nghiệp vừa và lớn; hỗ trợ hơn 150 doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trọng điểm trong cả nước áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất; ứng dụng công cụ LEAN tích hợp với số hóa trong dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú, chế biến sản phẩm từ cao su tự nhiên và gỗ; hỗ trợ hơn 200 doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ISO 45001 về an toàn sức khỏe và nghề nghiệp, ISO 27001 an toàn thông tin, ISO 31000 về quản lý rủi ro; ISO 17025 cho phòng thử nghiệp. Một số bộ ngành, địa phương dẫu hạn chế nguồn lực cũng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ hơn 1.896 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương. “Đến nay, đã có 43 địa phương đã ban hành, thực hiện Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo”, ông Hà Minh Hiệp cho biết.

Tuy nhiên, bài toán nâng cao năng suất là một bài toán rất rộng mà “KHCN và đổi mới sáng tạo mới chỉ là một mảng trong các giải pháp” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định thẳng thắn nhìn nhận. Những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện các chương trình nâng cao năng suất theo Quyết định 1322 (về Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030) và kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất theo Quyết định 36 (Kế hoạch Tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030) đã phần nào cho thấy hiệu quả của việc đưa các giải pháp KHCN và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp.

Hiện vẫn tồn tại một số vướng mắc mà đến nay vẫn đang cản trở việc nâng cao hiệu quả của các hoạt động này. Phân tích trong Tờ trình về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cương giải pháp KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động chỉ ra: nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Quyết định 1322 và Quyết định 36 tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai. Việc phối hợp, lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ của Quyết định 1322 với các chương trình, đề án khác khó triển khai trong thực tế do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính ở các chương trình có sự khác nhau. “Mạng lưới chuyên gia năng suất chất lượng chỉ mới phát triển theo bề rộng, chưa phát triển theo chiều sâu, chưa tạo lập được nhiều chuyên gia năng suất chất lượng tiếp cận trình độ quốc tế và số lượng hiện nay đang tập trung tại hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM”, tờ trình phân tích. Đó là lý do khiến việc thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng tại các địa phương cũng chưa được nhân rộng hiệu quả.

Cần cách tiếp cận toàn diện hơn

Qua quá trình nghiên cứu với chuyên gia của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), có bốn trụ cột liên quan đến năng suất mà Việt Nam còn yếu và cần phải tăng cường thúc đẩy, đó là: KH&CN và đổi mới sáng tạo; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hệ thống giáo dục và đào tạo; và mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa. Theo đó, về KH&CN, các giải pháp không thể chỉ dừng lại ở các hệ thống quản lý mà phải đi sâu vào vấn đề hấp thụ công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực tăng trưởng mới về năng suất, ông Hà Minh Hiệp từng chia sẻ tại Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án về giải pháp Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động” do Tổng cục TCĐLCL tổ chức vào tháng 4/2023.

Đó cũng là lý do mà tờ trình Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đề xuất các giải pháp: Tăng cường nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ; làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, triển khai hoạt động hỗ trợ như phân tích, đánh giá, giám định, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; phân tích thông tin về sáng chế và công nghệ để thúc đẩy hoạt động năng suất.

Tờ trình cũng đề xuất: Bộ KH&CN cần rà soát, hoàn thiện thể chế; phối hợp nghiên cứu chuyển đổi xanh bằng các giải pháp năng suất xanh thông qua đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiêu chuẩn theo hướng Môi trường - Xã hội - Quản trị, tính toán kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, triển khai thực hành thế chế, quy định tốt GRP thông qua rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định để loại bỏ rào cản giúp tăng năng suất cho doanh nghiệp.

Góp ý tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhìn nhận, việc đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt và cốt lõi. Do đó, những giải pháp tới đây cần gắn với chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, tìm kiếm chuyển giao công nghệ; gắn với Quỹ NATIF,... “Một nội dung quan trọng nhất đó là sử dụng quỹ phát triển KH&CN cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng cho biết. Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN cũng đề nghị, hoạt động nâng cao năng suất không chỉ nên gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nên gắn với Hiệp hội ngành hàng, chẳng hạn như Hiệp hội Thủy sản; Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Và một điều quan trọng là, “phải đo lường, lượng hóa được các đóng góp của giải pháp KHCN vào tăng năng suất vào các nhiệm vụ của địa phương”, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh. Thực tế, nội dung này cũng đã được GS. Phan Trí Anh - Trưởng nhóm Nghiên cứu về năng suất chất lượng tại ĐHQGHN - góp ý tại Hội thảo năm 2023. Nếu như chỉ áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất mà không đánh giá được tác động sau đó thì sẽ khó có thể lượng hóa được hiệu quả của giải pháp. Do đó, theo GS. Phan Trí Anh, đề án cần có một phần tập trung vào việc nghiên cứu về các mô hình mới của người Việt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt, và nghiên cứu về hiệu quả của các phương thức, cách thức áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn, công cụ vào trong hoạt động của doanh nghiệp. “Nếu chỉ thực hiện một cuộc khảo sát điều tra ngắn thì sẽ không thể giải quyết được, mà ở đây phải kết hợp cả số liệu sơ cấp và số liệu thứ cấp, nghiên cứu sự cải thiện về năng suất lao động và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua cả các số liệu kế toán nằm trong hệ thống kế toán quốc gia, đồng thời phải tiến hành quan sát các doanh nghiệp đó trong cả một chuỗi thời gian dài thì mới phản ánh rõ được hiệu quả”, GS. Phan Trí Anh nhận định.


Hiệu quả trong sản xuất của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào hệ thống cơ sở vật chất hay chất lượng của lao động mà còn phụ thuộc vào cả cách thức quản lý của công ty. Theo chia sẻ của ông Đặng Quang Vinh (đại diện Ngân hàng Thế giới) tại Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án về giải pháp Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động” năm 2023, chúng ta cũng cần quan tâm đến cách thức quản lý của công ty để góp phần tăng năng suất. “Nhà quản trị doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cũng cần phải biết là hiện nay có công nghệ gì có thể giúp họ nâng cao năng suất, mua ở đâu, giá cả như thế nào, lập dự toán kinh tế ra sao, vay tiền ở đâu để đầu tư. Tất cả những kiến thức này tôi cho rằng các chủ doanh nghiệp hiện nay đang thiếu. Khi người ta quyết định mua một công nghệ thì lúc đấy mới nảy sinh nhu cầu đào tạo để người lao động dùng công nghệ đó. Khi người ta chưa nghĩ đến mua một công nghệ thì việc đào tạo lao động không giúp ích gì cả”, ông Đặng Quang Vinh nhận định.


Đăng số 1298 (số 26/2024) KH&PT