Một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga và Việt Nam làm việc tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học Trung ương Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Viện Sốt rét-ký sinh trùng quốc gia đã phát hiện về một ổ chứa mầm bệnh Leptospira mới.

Trang trại nuôi dơi ở Long An. Ảnh: Báo Long An
Trang trại nuôi dơi ở Long An. Ảnh: Báo Long An

Để thực hiện nghiên cứu này, họ đã thu thập mẫu dơi ở Lai Châu, Sơn La và Đồng Tháp để kiểm tra xem có sự hiện diện của mầm bệnh Leptospira, nguyên nhân gây bệnh xoắn khuẩn vàng da, trên dơi hay không. Lý do là ở Việt Nam, dơi sống gần với người - ở mái nhà, trong các hang, khe núi mà người vẫn thường hay lui tới hoặc trên các cây ăn quả do người trồng. Thông thường, dơi có thể là một nguồn lây nhiễm tiềm năng leptospirosis cho người.

Các mẫu đã được họ kiểm tra bằng kỹ thuật PCR, ELISA và MAT. Các mẫu mô từ 298 con dơi thuộc về 11 loài được phân tích để nhận diện mầm bệnh leptospires trên các loài cụ thể. Cuối cùng, họ đã nhận diện được DNA Leptospira trên 40 con dơi ở các loài dơi ngựa đuôi lớn (Rousettus amplexicaudatus), dơi ngựa nâu (Rousettus leschenaultii), Myotis hasseltii (thuộc họ dơi muỗi), Taphozous longimanus (thuộc họ dơi bao) và dơi quả lưỡi dài (Eonycteris spelaea), trong đó tỉ lệ xuất hiện cao nhất là dơi ngựa đuôi lớn.

Dù nghiên cứu đã phát hiện ra mầm bệnh Leptospira trên dơi nhưng nhóm huyết thanh trong nghiên cứu lại không tương đồng với một số nghiên cứu khác. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị cần có những nghiên cứu thêm nữa để xác định vai trò của dơi trong việc lây truyền bệnh xoắn khuẩn vàng da cho người.