Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra, với những người không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, cho con bú nhiều nhất có thể vẫn vô cùng có lợi cho bé.
Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Sức khỏe và Bệnh Chuyển hóa (một tạp chí đối tác của Nature). Theo đó, nghiên cứu xác định các chất chuyển hóa cụ thể mà các nhà sản xuất nên xem xét bổ sung vào sữa công thức để tối ưu hóa sự phát triển khoẻ mạnh của não bộ, cũng như các hợp chất nên được loại bỏ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ngay cả ở hàm lượng thấp, một số chất gây ô nhiễm trong sữa công thức vẫn có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của trẻ sau này” - theo Bridget Chalifour, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường Đại học Colorado tại Boulder (CU Boulder).
Báo cáo sức khỏe đường tiêu hóa
Trong nghiên cứu, nhóm đã kiểm tra các chất chuyển hóa được tìm thấy trong ruột và thải ra trong phân. Các chất chuyển hóa là những phân tử nhỏ được vi khuẩn đường ruột tạo ra như một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa thức ăn. Những phân tử này đi vào máu, tác động đến não và các cơ quan khác.
Sữa mẹ, sữa công thức và thức ăn đặc cũng chứa các chất chuyển hóa.
Từ lâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ sinh thái vi khuẩn trong cơ thể để hiểu rõ hơn về sức khỏe con người, và bây giờ lĩnh vực “chuyển hóa” còn tiến thêm một bước nữa.
“Quan sát hệ vi sinh vật đường ruột cho chúng ta biết vi khuẩn nào ở đó, còn quan sát các chất chuyển hóa trong phân giúp ta biết chúng đang làm gì” - Chalifour cho biết, “Nó giống như một bản báo cáo sức khỏe đường tiêu hoá.”
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu phân của 112 trẻ sơ sinh một và sáu tháng tuổi và tiến hành phân tích hóa học xem trong các mẫu có những chất chuyển hóa nào. Họ phân nhóm trẻ sơ sinh dựa trên lượng sữa mẹ và sữa công thức trẻ được cho ăn. Lúc 2 tuổi, trẻ làm bài kiểm tra nhận thức, vận động và ngôn ngữ.
Kết quả, các mẫu từ trẻ sơ sinh ở các nhóm khác nhau chứa hàm lượng chất chuyển hóa khác nhau đáng kể.
Ví dụ, lúc một tháng tuổi, có nhiều hơn 17 chất chuyển hóa này khi trẻ được bú mẹ nhiều hơn, và nhiều hơn 40 chất chuyển hóa kia khi trẻ được cho uống sữa công thức nhiều hơn.
Khi xem xét kỹ hơn các chất chuyển hóa cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xác định được 14 chất cũng có liên quan đến sự khác biệt về điểm kiểm tra khi trẻ 2 tuổi.
Chỉ với một ngoại lệ nổi bật là caffeine, bé nào càng có nhiều chất chuyển hóa liên quan đến sữa mẹ trong phân thì càng làm tốt các bài kiểm tra nhận thức khi còn nhỏ (sẽ nói thêm về caffeine sau). Càng có nhiều chất chuyển hóa liên quan đến sữa công thức, bé càng làm bài kém hơn.
“Tính nhất quán của những kết quả này rất đáng chú ý và chứng minh rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ càng nhiều càng tốt trong giai đoạn đầu đời sẽ mang tới nhiều lợi ích” - Phó Giáo sư Sinh lý học Tích hợp Tanya Alderete, đồng tác giả của nghiên cứu, nói.
Một số chất chuyển hóa liên quan đến sữa công thức
Một chất chuyển hóa đặc biệt có lợi là cholesterol: Ở cả trẻ 1 và 6 tháng tuổi, trẻ càng uống sữa mẹ nhiều thì lượng cholesterol trong phân càng cao. Và trẻ càng có nhiều cholesterol trong phân thì kết quả bài kiểm tra nhận thức càng tốt. Điều này hợp lý vì đây là một axit béo quan trọng trong việc hình thành các mạch liên kết khoẻ mạnh giữa các tế bào não. Tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng, 80% đến 90% thể tích của não phát triển trong hai năm đầu đời.
Ngược lại, trẻ càng uống nhiều sữa công thức thì nồng độ chất chuyển hóa cadaverine càng cao. Được biết, đây là một chất ô nhiễm hình thành qua quá trình lên men.
Trong nghiên cứu, trẻ càng được cho uống nhiều sữa công thức thì nồng độ cadaverine càng cao và điểm kiểm tra khi 2 tuổi càng thấp. Mặc dù ở hàm lượng cao hơn, hợp chất này được coi là độc, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho phép sử dụng hàm lượng cadaverine thấp trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
“Có thể các nhà sản xuất sữa công thức nên thận trọng hơn trong việc giảm nồng độ hợp chất này xuống mức 0” - Chalifour nói.
Điều thú vị là, những em bé được cho bú sữa mẹ có lượng caffeine trong phân cao hơn - có lẽ các bà mẹ vừa cho con bú vừa uống cà phê chăng.
Không có gì ngạc nhiên khi lượng caffeine - một chất kích thích - cao sẽ dẫn đến điểm nhận thức kém. Trước đây, việc tiếp xúc với caffeine trước khi sinh đã được phát hiện là có liên quan đến điểm phát triển thần kinh thấp. Các chuyên gia khuyến nghị không nên uống quá 360 ml hoặc một tách rưỡi cà phê mỗi ngày đối với phụ nữ mang thai.
Nuôi con bằng sữa mẹ không phải là tất cả
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, song Alderete thừa nhận rằng một số người mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Cô hy vọng nghiên cứu của mình có thể giúp các nhà sản xuất cải tiến sữa công thức để có sản phẩm giống với sữa mẹ nhất có thể. Và cô cũng nhấn mạnh rằng, không được bú sữa mẹ không có nghĩa là đứa trẻ sẽ bị thiếu hụt về phát triển thần kinh. Cho trẻ ăn toàn sữa mẹ từ khi sinh ra chỉ là một trong nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của não.
Lời khuyên của cô dành cho những người mới làm mẹ đang gặp khó khăn khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ: Đừng bi quan. Nuôi con bằng sữa mẹ không phải là tất cả.
“Chỉ cần tăng tỷ lệ sữa mẹ so với sữa công thức đã có thể tác động tích cực đến sự phát triển của con bạn rồi” - cô nói.
Nguồn: