Những người trẻ tuổi mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng gặp phải tình trạng gián đoạn trong giao tiếp giữa các vùng não, theo một nghiên cứu mới. Phát hiện nay có thể được sử dụng để xác định các mục tiêu tiềm năng cho các liệu pháp kích thích não điều trị trầm cảm.


Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Nghiên cứu đã phân tích các bản quét não của 810 người ở độ tuổi từ 12 đến 25, trong đó 440 người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng (MDD) và 370 người khỏe mạnh để so sánh.

Đây là "quy mô mẫu lớn nhất về những người trẻ mắc chứng trầm cảm có nhóm đối chứng", với dữ liệu từ các nghiên cứu độc lập trước đây từ Úc, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Mỹ - theo các nhà ngiên cứu.

Nghiên cứu do Đại học Melbourne dẫn đầu đã phát hiện ra rằng ở những người mắc chứng MDD, một số vùng não có kết nối mạnh hơn và một số vùng não lại có kết nối yếu hơn so với những người trẻ tuổi không bị trầm cảm.

Giáo sư Andrew Zalesky, đồng tác giả, cho biết họ phát hiện các kết nối đặc biệt mạnh ở phần não liên quan đến những suy nghĩ nội tâm và ngẫm ngợi. “Chúng tôi thấy rằng ở những người trẻ mắc chứng trầm cảm, trạng thái tự nhiên của não là được kết nối mạnh mẽ hơn, được kích hoạt nhiều hơn, điều này cho thấy họ tập trung nhiều hơn vào suy nghĩ tự thân và tự phản ánh”, Zalesky nói.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mức độ khác biệt này có thể giúp dự đoán mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm của một người.

Các liệu pháp kích thích não có thể được sử dụng để sửa chữa các mạch thần kinhcụ thể trong não, khi một người không đáp ứng với các phương pháp điều trị ban đầu chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, Zalesky cho biết. Trước đây, giải pháp này được dùng để điều trị cho người lớn vì các nhà nghiên cứu biết mạch thần kinh nào bị gián đoạn.

Khi sử dụng cho thanh thiếu niên, các liệu pháp này trước đây giả định rằng ở thanh thiếu niên, các vùng tương tự bị ảnh hưởng như ở người lớn, và nghiên cứu mới cho thấy điều này chưa chắc đúng, theo Zalesky. "Mặc dù bệnh nhân thanh thiếu niên có sự trùng lặp với người lớn, nhưng cũng có những vấn đề gián đoạn mạch thần kinh riêng và cụ thể mà chúng ta chỉ thấy ở thanh thiếu niên."

Cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra hiệu quả và tính an toàn của liệu pháp kích thích nãoở thanh thiếu niên, để phương pháp này có thể được áp dụng rộng rãi hơn trong điều trị. "Nhưng đây là bước đầu tiên - chỉ ra mục tiêu điều trị", Zalesky cho biết.

Tiến sĩ Hollie Byrne - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe tâm thần và sử dụng chất gây nghiện Matilda thuộc Đại học Sydney, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết mặc dù nghiên cứu này cung cấp "bằng chứng thiết yếu để xác định các mục tiêu điều trị" cho các liệu pháp kích thích não, "điều quan trọng cần nhớ là không có phương pháp nào là phù hợp với tất cả bệnh nhân trong điều trị chứng trầm cảm".

"Hiện nay, các liệu pháp kích thích não được khuyến nghị sử dụng kết hợp với các lựa chọn điều trị khác như một phần của kế hoạch điều trị toàn diện, được cá nhân hóa hoặc trong trường hợp không còn các lựa chọn điều trị khác", Byrne nói.

Tiến sĩ Stevan Nikolin - nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Viện nghiên cứu tâm thần Black Dog, cho biết "công trình mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về chứng rối loạn ở những người trẻ tuổi, và với sự hiểu biết đó, các biện pháp can thiệp trong tương lai có thể được hình thành."

Các tác giả cũng thừa nhận những hạn chế của nghiên cứu, bao gồm chỉ xem xét từng thanh thiếu niên bị trầm cảm tại một thời điểm. Zalesky nói, nếu không tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng, bất kỳ suy luận nào về kích thích não vẫn cần được tiến hành một cách thận trọng.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Mental Health.

Nguồn: