Theo số liệu mới nhất, từ năm 2019 đến năm 2023, tổng giá trị thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi - từ 15 tỷ USD lên 29 tỷ USD. Đây là kết quả của quá trình gần 40 năm áp dụng các cơ chế theo định hướng thị trường.

Trong phòng nghiên cứu về vật lý của ĐH Thanh Hoa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong phòng nghiên cứu về vật lý của ĐH Thanh Hoa. Ảnh: Tân Hoa Xã

Mặc dù các phương pháp và tiêu chí đánh giá có thể khác nhau theo từng năm, nhưng xu hướng tăng mạnh được xác nhận trong báo cáo chuyển giao kết quả KH&CN của các trường đại học và viện nghiên cứu năm 2023 và năm 2024, do Trung tâm Đánh giá KH&CN Quốc gia thuộc Bộ KH&CN Trung Quốc công bố cùng lúc mới đây. Đây là báo cáo được công bố hằng năm kể từ năm 2018.

Một phần của mức tăng trưởng được lý giải bởi số lượng các trường đại học và viện nghiên cứu nộp báo cáo thường niên tăng từ 3.447 cơ sở vào năm 2019 lên 4.028 vào năm 2023.

Các báo cáo cho biết, năm 2023, các cơ sở được khảo sát đã ký tổng cộng khoảng 640.000 hợp đồng để đưa kết quả nghiên cứu của họ ra thị trường. Cách đây bốn năm, con số này mới là 334.000 hợp đồng.

Trong đó, gần 3/4 các hoạt động chuyển giao, cấp phép và đầu tư công nghệ trong năm 2023 thuộc các lĩnh vực “sản xuất”, “dịch vụ KH&CN” và “nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản”. Khoảng 60% các hoạt động chuyển giao nhắm vào các thị trường địa phương.

Đến cuối năm 2023, 1.038 trường đại học Trung Quốc đã thành lập các đơn vị chuyển giao công nghệ, với khoảng 17.881 nhân sự toàn thời gian.

Thương mại hóa nghiên cứu là một trọng tâm trong nỗ lực đổi mới của Trung Quốc. Gần đây, vấn đề này dường như càng được chú trọng hơn, thể hiện qua các chỉ đạo và hành động thực tế của chính phủ.

Tại Hội nghị toàn quốc về Giáo dục diễn ra vào đầu tháng Chín vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết phải “biến thêm nhiều thành tựu khoa học và công nghệ thành năng suất thực sự càng sớm càng tốt”.

Cuối tháng trước, tại một cuộc họp báo về mục tiêu trở thành “quốc gia có nền giáo dục mạnh”, Bộ trưởng Giáo dục Huai Jinpeng cho biết bộ này sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách đại học để tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu liên ngành.

Bộ trưởng Huai Jinpeng lưu ý rằng, kể từ năm 2012, khoảng “70% những người giành Giải thưởng Khoa học Tự nhiên Quốc gia và Giải thưởng Phát minh Công nghệ Quốc gia đến từ các trường đại học”. Trong số đó có tác giả của những thành tựu đột phá về y học phân tử, kỹ thuật hàng hải và công nghệ điện hạt nhân.

Trước đó, vào trung tuần tháng Chín, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khai trương trung tâm chuyển giao và thương mại hóa công nghệ vùng cấp quốc gia đầu tiên, đặt tại tỉnh Giang Tô, để hỗ trợ các trường đại học trong các lĩnh vực ‘có tầm quan trọng chiến lược’.

Khoảng 20 trường đại học - bao gồm ĐH Bắc Kinh, ĐH Nam Kinh, ĐH Đông Nam tại Nam Kinh và ĐH Westlake tại Hàng Châu - sẽ cùng nhau gây dựng các cơ sở của trung tâm tại TP Nam Kinh và TP Tô Châu ở tỉnh Giang Tô trong giai đoạn đầu, hướng đến chuyển giao nghiên cứu trong ba lĩnh vực: y sinh, thông tin và truyền thông, và vật liệu tiên tiến.

Trung tâm sẽ đóng vai trò là nền tảng mở ‘một cửa’ cho các trường đại học trên cả nước kết nối các nghiên cứu xuất sắc với nhu cầu của thị trường.

Bằng cách hội tụ các yếu tố nhân tài, công nghệ và vốn trong cùng một khuôn khổ tổ chức, Trung tâm có thể liên kết các giai đoạn chính của quá trình thương mại hóa như chứng minh khái niệm, thử nghiệm thí điểm, đầu tư và tài trợ, Shi Yigong, chủ tịch sáng lập của ĐH Westlake, cho biết.

GS. Cheng Heping, chuyên gia y sinh hàng đầu của Trung Quốc, cho rằng, việc đưa kết quả nghiên cứu từ trường đại học đến doanh nghiệp đòi hỏi phải vượt qua ‘thung lũng chết’. Trong ảnh: Cheng Heping làm việc trong văn phòng của ông tại Đại học Bắc Kinh, ngày 15/3/2023. Nguồn: Xinhua
GS. Cheng Heping, chuyên gia y sinh hàng đầu của Trung Quốc, cho rằng, việc đưa kết quả nghiên cứu từ trường đại học đến doanh nghiệp đòi hỏi phải vượt qua ‘thung lũng chết’. Trong ảnh: Cheng Heping làm việc trong văn phòng của ông tại Đại học Bắc Kinh, ngày 15/3/2023. Nguồn: Xinhua

Các trường đại học cũng sẽ được hưởng lợi từ các nguồn lực và lợi thế của Giang Tô, nơi tập trung đông nhất các công viên KH&CN, các tổ chức trình diễn chuyển giao công nghệ và các cơ sở chuyển giao và thương mại hóa KH&CN.

Wu Yan, Thứ trưởng Giáo dục Trung Quốc, cho biết tại lễ ra mắt Trung tâm vùng rằng trung tâm này sẽ giải quyết các vấn đề chung mà các trường đại học thường gặp. Ví dụ, nghiên cứu không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc chưa đủ độ chín, thiếu nhân lực chuyên nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, kết quả nghiên cứu bị định giá thấp hoặc bị hạn chế bởi các nút thắt cổ chai chính sách.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Huai Jinpeng, chính phủ đang tìm cách thành lập thêm nhiều trung tâm vùng để phát triển hệ sinh thái cho các kết quả nghiên cứu có tiềm năng đáp ứng các nhu cầu quan trọng của quốc gia.

Các chiến lược theo định hướng thị trường

Việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường thành công hay không phụ thuộc nhiều vào các chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng mạnh, có khả năng kết nối trường đại học với doanh nghiệp, doanh nhân và nhà đầu tư.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết mặc dù giờ đây mối quan hệ giữa họ với doanh nghiệp đã chặt chẽ hơn, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Việc đưa kết quả nghiên cứu từ trường đại học đến doanh nghiệp đòi hỏi phải vượt qua ‘thung lũng chết’ [hay giai đoạn chưa sinh lợi nhuận], theo Cheng Heping, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và giáo sư tại ĐH Bắc Kinh.

Là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực y học phân tử, Cheng chủ trì nghiên cứu về kính hiển vi hai photon chụp được hình ảnh động về các hoạt động của tế bào thần kinh và khớp thần kinh trong vỏ não, một thành tựu đột phá đã được ứng dụng để theo dõi sức khỏe của các phi hành gia trong sứ mệnh không gian Thần Châu 15.

Ông cũng dẫn dắt một nhóm nghiên cứu thuốc kháng thể đơn dòng hiện đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Cheng cho biết, ông mất hơn mười năm để theo đuổi công trình này và sau đó, nhóm của ông phải đi đến hơn chục thành phố trong suốt nửa năm mới tìm được bến đỗ cho nghiên cứu. “Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu đòi hỏi một ‘môi trường’ phù hợp với các khái niệm thị trường”, Cheng lưu ý.

Từ đầu những năm 1980, hệ thống KH&CN của Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các cơ chế theo định hướng thị trường. Năm 1985, Trung Quốc ban hành ‘Quyết định Cải cách Hệ thống Khoa học và Công nghệ’, khuyến khích các trường đại học huy động vốn thông qua thương mại hóa và công nghiệp hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời củng cố xu hướng phát triển theo tinh thần doanh nghiệp của các trường, trao quyền cho các trường ra quyết định về việc sử dụng kết quả R&D cho mục đích thương mại và được tự quyết việc phân phối thu nhập mà họ kiếm được.


Nhờ áp dụng các cơ chế theo định hướng thị trường, tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp trong tổng chi tiêu cho R&D đã tăng từ 30% vào năm 1994 lên 64% vào năm 2004 - theo con số của Cục Thống kê Quốc gia, và phần lớn được đầu tư vào các dự án ngang hàng do doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu cùng thực hiện. Những năm gần đây, con số này vẫn tiếp tục tăng và ngày càng vượt xa khoản chi cho R&D của nhà nước.


Quyết định năm 1985 đã được hiện thực hóa thông qua Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao Quốc gia, hay còn gọi là Chương trình 863, và Chương trình Bó đuốc, lần lượt được Bộ KH&CN khởi động vào năm 1986 và 1988. Nhiệm vụ chính của các chương trình này là tập trung vào việc ứng dụng các kết quả R&D đã hoàn thiện và thương mại hóa các công nghệ theo định hướng thị trường để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Trong đó, chương trình Bó đuốc xác định việc thành lập các công ty khởi nguồn (spin-off) là chiến lược được ưu tiên để thương mại hóa các nguồn lực công nghệ. Kết quả là, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc vào đầu những năm 1990 đều ra đời với sự hỗ trợ của các trường đại học công lập.

Khi các công ty khởi nguồn trưởng thành, các trường đại học lại ưu tiên nguồn lực để tái cấu trúc một số công ty tiềm năng nhất thành các công ty phát triển KH&CN. Nhiều công ty trong số đó về sau đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc vào cuối những năm 1990.

Các trường đại học cũng đóng vai trò hàng đầu trong việc cho ra đời các khu phát triển công nghệ cao (the high-tech development zones) trên khắp Trung Quốc vào cuối những năm 1980. Các khu phát triển công nghệ cao ban đầu hoạt động như các tổ chức bán hành chính, bán doanh nghiệp, bản chất của chúng gần giống với một đơn vị có chức năng kết nối giới học thuật và giới kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ chính của các khu này là hướng dẫn và hỗ trợ các nhà nghiên cứu từ trường đại học và viện nghiên cứu thương mại hóa các kết quả của họ. Hầu hết các khu được thành lập tại các vùng tập trung nhiều trường đại học và được vận hành bởi đội ngũ có kinh nghiệm và nền tảng về đại học.

Sự phát triển của các công ty khởi nguồn của trường đại học, công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng do trường đại học kiểm soát, và các khu phát triển công nghệ cao thể hiện sự đổi mới cơ bản của các trường đại học Trung Quốc, làm biến đổi mối quan hệ giữa khối đại học và khối doanh nghiệp.


Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 đã sử dụng dữ liệu từ 65 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thương mại hóa các bằng sáng chế học thuật. Kết quả cho thấy tỷ lệ phó giáo sư có mối tương quan tích cực với tỷ lệ thương mại hóa bằng sáng chế học thuật tại trường đại học, trong khi tỷ lệ giáo sư không có tác động đáng kể. Điều này được lý giải là do so với các giáo sư, các phó giáo sư có động cơ cạnh tranh quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, quy mô đội ngũ nhân viên dịch vụ chuyển giao kết quả R&D cũng ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ thương mại hóa bằng sáng chế học thuật, trong khi số lượng giảng viên làm R&D không có ảnh hưởng đáng kể.

Kể từ khi xu hướng thương mại hóa bằng sáng chế của các trường đại học trên thế giới bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1980, một số học giả lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nghiên cứu cơ bản do các trường, vì lợi ích ngắn hạn, có thể từ bỏ hoặc giảm đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu này cho thấy những lo ngại như vậy không có cơ sở khi chỉ ra rằng tỷ lệ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong các trường đại học ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ thương mại hóa bằng sáng chế của họ, trong khi tỷ lệ tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng không thể hiện mối tương quan nào. Quan điểm tương tự cũng đã được báo cáo trong các nghiên cứu khác.

Ngoài ra, nghiên cứu này còn cho thấy việc một trường đại học thúc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và thương mại hóa có thể tạo ra tác động lan tỏa đến các trường lân cận. Do đó, có thể tận dụng các nguồn lực và kinh nghiệm thương mại hóa giữa các trường đại học lân cận, thiết lập cơ chế hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau thúc đẩy hoạt động này.




Nguồn tham khảo:


Đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT