Những người không gặp gỡ bạn bè hay gia đình có nguy cơ qua đời - vì bất kỳ nguyên nhân nào - cao hơn 77%. Ngay cả những cuộc gặp gỡ mỗi tháng một lần cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Glasgow tính toán rằng việc sống một mình và không gặp người thân ít nhất một lần mỗi tháng sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong của con người.
Sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu UK Biobank - một nghiên cứu dài hạn theo dõi sức khỏe và di truyền của người trưởng thành trên khắp Vương quốc Anh, các tác giả đã xem xét 5 loại kết nối xã hội khác nhau được báo cáo bởi 458.146 người, với độ tuổi trung bình là 57, và sau đó theo dõi họ trong trung bình 12,6 năm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện mỗi hình thức sống tách biệt xã hội, chẳng hạn như sống một mình, thường cảm thấy cô đơn hoặc ít được bạn bè/gia đình đến thăm, đều liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Những người không bao giờ được bạn bè hoặc gia đình đến thăm có khả năng qua đời vì bệnh tim mạch cao hơn 53% và có nguy cơ tử vong cao hơn 39% so với những người được thăm hỏi hằng ngày. Những người sống một mình có khả năng qua đời vì bệnh tim mạch cao hơn 48%, trong khi việc không thể tâm sự với ai đó hoặc không tham gia các hoạt động (xã hội) cũng làm tăng nguy cơ tử vong.
Những người trải qua nhiều hơn một hình thức sống tách biệt xã hội có nguy cơ cao hơn. Nghiên cứu chỉ ra, người sống một mình và không bao giờ gặp bạn bè/gia đình có nguy cơ tử vong (vì bất kỳ nguyên nhân nào) cao hơn 77%, thậm chí còn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn so với những người sống cùng với người thường xuyên gặp bạn bè/gia đình.
Nghiên cứu cũng cho thấy, những người được bạn bè/gia đình đến thăm ít nhất một lần mỗi tháng có nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể - cho thấy tiềm năng hiệu quả của cách tương tác xã hội này.
Jason Gill, đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư về Sức khỏe tim mạch tại Đại học Glasgow, cho biết: “Rủi ro dường như nằm ở những người rất cô lập, không bao giờ gặp bạn bè và gia đình, hoặc gặp ít hơn một lần mỗi tháng”.
Được công bố trên tạp chí BMC Medicine, nghiên cứu không xem xét lý do tại sao sự cô đơn và tách biệt với xã hội làm tăng nguy cơ tử vong, nhưng tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Hamish Foster, nghiên cứu viên lâm sàng về Y học tổng quát và Chăm sóc ban đầu tại Đại học Glasgow, chia sẻ: "Có thể là những người sống tách biệt với xã hội thường có nhiều hoạt động thiếu lành mạnh hơn, ví dụ như hút thuốc hay uống rượu".
Ông cũng cho rằng việc không có ai đến đưa họ đi khám bệnh hoặc khuyến khích họ tìm đến các sự trợ giúp khi cần, cũng như những tác động sinh học trực tiếp lên hệ thống miễn dịch, có thể là nguyên nhân.
Phản hồi trước các phát hiện này, Tiến sĩ Roman Raczka, Chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Anh và Chủ tịch Khoa Tâm lý học Lâm sàng, cho biết: “Bằng cách nêu lên những tác hại của sự thiếu kết nối xã hội, nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc nhận thức những khía cạnh và nguyên nhân khác nhau của sự cô đơn và tách biệt xã hội, để nó được công nhận là một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng, từ đó các biện pháp can thiệp hiệu quả mới được phát triển ở mức độ xã hội.”
Caroline Abrahams, Giám đốc của tổ chức từ thiện Age UK, cho biết nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của những người bạn thân và các thành viên trong gia đình. Bà nói: "Tất cả chúng ta, ở bất cứ độ tuổi nào, cũng rất dễ dàng phớt lờ vấn đề sức khỏe của bản thân và không chịu làm gì để cải thiện nó. Nhưng chỉ cần có một người thân thiết để chia sẻ, chúng ta cũng đã có được sự cải thiện đáng kể."
“Đối với nhiều người lớn tuổi, những việc như đề nghị cùng họ đi khám bệnh, hay chí ít là đưa họ đi, cũng có thể tạo ra sự khác biệt so với việc để họ tự chủ động giải quyết vấn đề sức khỏe của mình (hoặc mặc kệ nó), cho đến khi họ trở ốm nặng."
Nguồn: