Hệ sinh thái này tập hợp các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng thông minh, được kết nối và tương tác với nhau trên nền tảng công nghệ 4.0, mang đến những giải pháp chiếu sáng toàn diện cho gia đình, đô thị và nông nghiệp.
Ngày 5/10, nhân dịp 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ và năm năm thực hiện chuyển đổi số (2020 – 2024), Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tổ chức Ngày hội Techday 10.
Tại đây, ý tưởng mở rộng liên kết của Rạng Đông với các đối tác, từ trường đại học cho đến doanh nghiệp công nghệ, đã được tập trung thảo luận và phân tích.
Rạng Đông cho biết, năm 2024, công ty đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị, như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm ứng dụng khoa học máy tính vào việc dự báo và điều hành quá trình sản xuất; hay với Đại học Ngoại thương nhằm đẩy mạnh các dự án khởi nghiệp, phát triển cộng đồng, kết nối doanh nghiệp, tri thức của đôi bên... Ngoài ra, còn có các đối tác là các đơn vị công nghệ như Tổng Công ty giải pháp Doanh nghiệp Viettel, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate)…
Chưa kể, từ những năm về trước, Rạng Đông đã sớm liên kết với Trường Đại học Bách Khoa hay Tập đoàn công nghệ FPT để nghiên cứu, phát triển các thiết bị chiếu sáng thông minh, xây dựng nhà máy thông minh Make in VietNam.
Tính đến nay, Rạng Đông đã và đang hợp tác với 30 đối tác. Những mối liên hệ như vậy đã tạo điều kiện để Rạng Đông và các đối tác có thể tận dụng tri thức, công nghệ, nguồn nhân lực của đôi bên để nghiên cứu tối ưu các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, thích ứng với thời đại.
Ông Trương Duy Khánh, Trưởng phòng sản phẩm IoT, Tổng công ty viễn thông Viettel, một đối tác của Rạng Đông, cho biết, Viettel đã hợp tác với Rạng Đông để cung cấp ra thị trường những thiết bị chiếu sáng thông minh như bóng đèn, ổ cắm... cùng với dịch vụ camera giám sát của mình. Trong một năm qua, hai đơn vị đã đưa các sản phẩm của Rạng Đông vào để hoàn thiện hệ sinh thái của Viettel Home. Và như vậy, khách hàng có thể dùng ứng dụng Viettel Home để điều khiển tất cả các thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh của Rạng Đông trong nhà của mình.
Một trường hợp khác là sự liên kết giữa Rạng Đông và SafeGate. Rallismart vốn là giải pháp nhà thông minh dựa trên công nghệ chiếu sáng và IoT của Rạng Đông, ra mắt vào năm 2019. Nó không chỉ bao gồm các thiết bị chiếu sáng thông minh mà còn có thiết bị cảm biến khói từ sớm, ổ cắm thông minh tự ngắt khi quá tải, thiết bị cảm biến nhiệt độ ẩm cao bất thường... Các thiết bị được điều khiển thông qua điện thoại thông minh hoặc giọng nói.
Theo chia sẻ từ ông Ngô Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP An ninh mạng SCS, nhà thông minh Rallismart hiện nay của Rạng Đông đã tích hợp AI trên thiết bị IoT và các cảm biến công nghệ khác. Khi tất cả những thiết bị này kết nối với nhau, kéo theo mối nguy cơ mất an toàn an ninh. Nếu kẻ xấu xâm nhập vào hệ thống smarthome, chúng có thể quan sát, lắng nghe khách hàng qua camera và cảm biến âm thanh như thể đang ngồi trong nhà. Vì vậy, Rạng Đông và Safegate đã triển khai tích hợp công nghệ bảo vệ an toàn trên gateway cho hệ thống Rallismart – “cửa ngõ” của ngôi nhà để đảm bảo an toàn cho toàn bộ thiết bị trong gia đình, đồng thời chặn lọc các dữ liệu độc hại.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, đánh giá rất cao ý tưởng kết hợp với các doanh nghiệp và tổ chức khoa học - công nghệ để xây dựng hệ sinh thái Rạng Đông. Hệ sinh thái 4.0 của Rạng Đông có thể hiểu là một tập hợp các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng thông minh, được kết nối và tương tác với nhau trên nền tảng công nghệ 4.0, mang đến những giải pháp chiếu sáng toàn diện cho gia đình, đô thị và nông nghiệp (Smart Home, Smart City và Smart Farm). Một trong năm thuộc tính mà đơn vị đặt ra cho hệ sinh thái này là đồng sáng tạo, cùng gia tăng giá trị với đối tác và khách hàng trong Hệ sinh thái kinh doanh mở.
Theo TS. Nguyễn Quân, bên cạnh ý nghĩa cùng làm, cùng phát triển để có được các nền tảng công nghệ hoàn thiện thì sự liên kết hợp tác này còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ban hành quy chuẩn quốc gia về dữ liệu mà theo ông là cái gốc của chuyển đổi số.
“Quy mô của nó có thể còn nhỏ nhưng trong phạm vi hệ sinh thái Rạng Đông, chắc chắn chúng ta có thể thống nhất với nhau được về cấu trúc của cơ sở dữ liệu để có thể tích hợp cơ sở dữ liệu của nhau. Và trên cơ sở đó, chúng ta khai thác tốt nhất cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái và nếu như tất cả các doanh nghiệp, tất cả các tổ chức của chúng ta mà làm theo phương pháp này thì cũng giúp cho Chính phủ có thể ban hành sớm quy chuẩn quốc gia về cơ sở dữ liệu”, TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng đề cao tư duy hợp tác của Rạng Đông. Theo bà, trong những lĩnh vực mới, "không thầy đố mày làm nên". Doanh nghiệp tự mình xoay xở thì sẽ khó giải quyết các bài toán trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi về hệ thống quản trị, và cách tiếp cận thị trường.
Trong khuôn khổ Ngày hội Techday 10, các khách mời còn có cơ hội trải nghiệm showroom về sản phẩm, dây chuyền sản xuất và các giải pháp, mô hình mới như full AI&Smarthome, đèn đường IoT, smart farm, điện năng lượng mặt trời áp mái…
Rạng Đông đang tham vọng đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, vươn tầm khu vực và quốc tế, thành công tiên phong chuyển đổi kép (số và xanh), dẫn đầu các không gian tăng trưởng mới Smart Home, Smart Farm, Smart City tại Việt Nam và đặc biệt là vào top 120 doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh thu tầm tỷ USD, lợi nhuận trên một 100 triệu USD.
|