Ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết Viện đang khẩn trương xây dựng đề án hợp tác mới, phù hợp với những quy định hiện hành để trình Bộ KH&CN phê duyệt chủ trương, giúp khôi phục sản xuất thuốc phóng xạ, phục vụ nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân.

Khu vực vận hành máy gia tốc cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ FDG tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Khu vực vận hành máy gia tốc cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ FDG tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thời gian qua, báo chí phản ánh về việc nhiều bệnh viện tại TPHCM gặp tình trạng cạn thuốc phóng xạ, gây khó khăn trong việc chụp Pet-CT chẩn đoán ung thư.

Qua phân tích, Sở Y tế TPHCM nhận thấy có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, đó là nguồn cung cấp dược chất phóng xạ cho thành phố là từ Bệnh viện Chợ Rẫy không đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bệnh viện do lò cyclotron của bệnh viện đã lâu năm, cho năng suất thấp; trong khi đó, Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông - đơn vị sản xuất, cung ứng thuốc phóng xạ 18F-FDG (sử dụng trong chụp Pet-CT) - ngừng sản xuất do thủ tục sử dụng tài sản công. Tại Hà Nội, còn hai cơ sở khác đã được cấp phép sản xuất phóng xạ. Tuy nhiên, thuốc phóng xạ này có thời gian bán rã rất nhanh, khoảng hai tiếng. Do đó, việc sử dụng thuốc phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất và phương án vận chuyển thuốc từ cơ sở ở Hà Nội về TPHCM là không khả thi.

“Đây là vấn đề liên quan tới lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, phải đảm bảo an toàn khi vận hành thiết bị sản xuất thuốc 18F-FDG, nên cần có thời gian. Trong thời gian sớm nhất, Viện và Vinagamma sẽ trình Bộ KH&CN đề án mới này,” ông Phạm Quang Minh nói.


Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT