Những thứ được coi là “thuận tự nhiên”, “phản tự nhiên” đều tồn tại trong y học và trong tất cả các mặt của đời sống xã hội hằng ngày. Vậy chúng ta phải tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào để có thể tận dụng được cái lợi và hạn chế cái hại trong từng việc cụ thể?

Thảo dược tự nhiên là an toàn?

Sinh nở không cần hỗ trợ hay để nguyên bánh nhau gắn với trẻ sơ sinh có thể là chuyện cực đoan hiếm gặp, nhưng việc không tiêm phòng hay dùng thảo dược “tự nhiên” bừa bãi vẫn được rất nhiều người tin theo chỉ vì logic “thuận tự nhiên” như trên.

Tự nhiên từ xưa đến nay vẫn là nguồn cung cấp dược liệu vô tận cho con người. Những dược chất này nên được gọi chính xác hơn là những chất “có hoạt tính sinh học”: tốt, xấu, mạnh, yếu, có tác dụng đơn lẻ hay kết hợp là tùy điều kiện dùng, thể trạng người dùng, nồng độ và độ tinh sạch của chất được dùng.

Nhiều người tin theo ngay các bài thuốc thảo dược trôi nổi mà không cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hay kết quả nghiên cứu khoa học nào vì họ cho rằng thảo dược là từ “tự nhiên”, không bổ chỗ này thì cũng bổ chỗ kia, thậm chí nếu không tốt thì cũng không hại. Nhưng thực tế thì thảo dược nào cũng có nhiều tác dụng khác nhau như nhân sâm (Panax ginseng) làm giảm hiệu quả thuốc ức chế miễn dịch (để cấy ghép tạng) và góp phần làm hạ đường huyết; còn tỏi (Allium sativum) kháng khuẩn nhưng cũng có khả năng làm tăng tính độc đối với gan của paracetamol hay tăng nguy cơ xuất huyết ở người đang dùng thuốc chống đông máu, v.v…. Câu chuyện dân gian “phúc thống phục nhân sâm … tắc tử” (“đau bụng uống nhân sâm… thì chết”) tuy chỉ là tiếu lâm nhưng cho thấy những người bốc thuốc từ xưa đã hiểu những thứ dù là đại bổ cũng có tác dụng không mong muốn.

Thảo dược nào cũng có nhiều tác dụng khác nhau như nhân sâm cũng sẽ có những tác dụng không mong muốn nếu không dùng đúng lúc, đúng bệnh, đúng liều lượng.
Nguồn: thrivous.com

Tóm lại, bất kỳ chất nào có hoạt tính sinh học dù có nguồn gốc “tự nhiên” hay tổng hợp đều có tác dụng nào đó lên cơ thể, cả tốt lẫn xấu. Các dược chất khi được xem xét sử dụng đều phải được đánh giá đầy đủ. Nói cách khác, ta chấp nhận chịu đựng cái hại để được cái lợi của thuốc, không có cách dùng thuốc hay bài thuốc nào, kể cả từ “tự nhiên”, mà lại không có tác dụng phụ cả.

Thực phẩm từ tự nhiên như tổ tiên ta từng ăn mới hợp với cơ thể?

“Phản tự nhiên” còn là lý do để phản đối sinh vật biến đổi di truyền (GMO). Nhiều người tin rằng cây trồng chuyển gene là thứ nhân tạo, độc hại, thậm chí gây ung thư (so với cây thường), v.v… Do vậy, họ tin rằng chúng ta nên quay về tiêu thụ những loại cây trồng do tự nhiên ban tặng.

Vấn đề ở đây là “tự nhiên” nào? Trải qua hơn 10.000 năm làm nông, con người đã biến đổi các loại cây mọc tự nhiên thành cây lương thực bằng cách lai tạo và chọn lọc, tức là biến đổi di truyền nhưng không bằng kỹ thuật hiện đại. Cây chuyển gene hiện đại chỉ đẩy nhanh và hoàn thiện quy trình biến đổi di truyền này, và độ an toàn của nó liên tục được thẩm định. Cho dù các công ty công nghệ sinh học có thu hồi mọi sản phẩm biến đổi di truyền ngay bây giờ thì hầu hết những thứ lương thực con người tiêu thụ cũng vẫn sẽ là sản phẩm biến đổi di truyền bằng cách này hay cách khác. Sản phẩm cây chuyển gene chỉ là tiếp nối một cách bài bản và khoa học hơn truyền thống cây trồng “phản tự nhiên” đã có từ rất lâu.

(Nói như thế cũng không có nghĩa là mọi loại cây biến đổi di truyền hiện đại bằng chuyển gene đều tốt đẹp hơn cây từ lai tạo truyền thống hay cây từ “tự nhiên”. Những mặt tốt, mặt xấu của các loại cây trồng mới vẫn được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để dần hoàn thiện hay loại bỏ.)

Không chỉ cây lương thực biến đổi di truyền, mà việc chế biến thực phẩm cũng được chia ra thành “thuận tự nhiên” và “phản tự nhiên”. Người ta cho rằng béo phì, tiểu đường, các bệnh tim mạch… đều do thói quen ăn uống “phản tự nhiên” của thời hiện đại gây ra. Hay nhiều người tin rằng người uống sữa bò là không tốt, và sữa bò chỉ dành cho bò mới “thuận tự nhiên”.

Tiêm vaccine, uống sữa bò, làm nông nghiệp, đi máy bay, tạo ra điện, v.v… đều có thể coi là những việc làm “phản tự nhiên”. Nguồn: Infonet

Nếu không có bằng chứng thuyết phục đi kèm thì lập luận “sữa bò dành cho bò” chỉ là ngụy khoa học (theo lập luận đó thì nước dừa chỉ dành cho dừa ?!). Trên thực tế, sữa bò cũng có một số mặt hại, nhưng cái lợi còn nhiều hơn nên luôn được khuyến cáo sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho con người.

Tương tự, thói quen ăn uống nhiều đường, béo cùng lối sống ít vận động gần đây đúng là góp phần đưa đến các vấn đề sức khỏe nêu trên, nhưng từ đó kêu gọi mọi người quay về lối ăn uống “thuận tự nhiên” của tổ tiên không phải là chuyện hoàn toàn hợp lý. Lý do là vì dù có những bệnh tật mà thời hiện đại mới nhiều, nhưng nhìn chung đời sống của chúng ta hiện nay tốt hơn của tổ tiên (mức độ dinh dưỡng của thức ăn, tuổi thọ trung bình của con người, khả năng chống chọi bệnh tật, v.v…).

Ngoài ra, chúng ta cũng không rõ tổ tiên ta ăn uống “thuận tự nhiên” tới mức nào nên khó có thể biết phải nên theo thế kỷ XVIII, thế kỷ V, hay trước Công nguyên, theo thời đồ đá ở bình nguyên châu Phi hay duyên hải Đông Á?! Thực tế rất có thể là tổ tiên của chúng ta phải ăn những gì mà các cụ tìm được, và ẩm thực xa xưa chẳng có tiêu chuẩn vàng nào giúp vừa ngon, vừa khỏe.

Học tập hay sao chép “tự nhiên”?

Không chỉ chuyện chữa bệnh hay ẩm thực, mà mọi vấn đề của nhân loại từ chủ thuyết phát triển kinh tế - xã hội (chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, v.v…), cho đến những việc trong mỗi gia đình (chồng vợ có cần phải ngủ chung hằng ngày, mỗi cặp vợ chồng sinh mấy con, có nên cho phép thi hành cái chết nhân đạo v.v…) đều có những tiếng nói ủng hộ hay chỉ trích chỉ dựa vào “thuận” hay “phản tự nhiên”.

Ví dụ năm 2015, Toà án tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng tất cả 50 bang của Hợp chúng quốc phải cho phép người đồng tính kết hôn. Trước Mỹ, đã có gần 20 nước cho phép người đồng tính cưới nhau. Khi bàn tới chủ đề này, một luận điểm thường gặp cho rằng đây là hành vi “phản tự nhiên”, rằng đực và cái phải kết hợp mới duy trì dân số.

Trên thực tế, như Bảo tàng lịch sử tự nhiên của Đại học Oslo (Na Uy) đã từng giới thiệu năm 2006, người ta đã ghi nhận hơn 1.500 loài động vật có hành vi đồng tính. Như vậy, tự nhiên cho phép cả hành vi tình dục đồng giới lẫn khác giới tồn tại. Nhưng cho dù hành vi này có tồn tại trong “tự nhiên” hay không thì cũng không nên lấy đó là lý do tiên quyết để kết luận chúng ta nên chấp nhận hay bác bỏ.

Thực tế thì trong suốt chiều dài lịch sử, có rất nhiều thứ con người làm có vẻ như “phản tự nhiên” ngõ hầu cải thiện đời sống của bản thân và cộng đồng. Không chỉ sinh con trong bệnh viện, tiêm vaccine hay uống sữa bò, mà làm nông nghiệp, đi máy bay, tạo ra điện, mổ ruột thừa, dùng bao cao su, xây buồng vệ sinh trong nhà, đeo kính cận, đưa trẻ sinh non vào lồng ấp, duy trì chế độ bảo hiểm y tế, công ty trách nhiệm hữu hạn, v.v… đều có thể coi là những việc làm “phản tự nhiên”. Có những thứ đưa đến hậu quả xấu, nhưng cũng có quá nhiều thứ cải thiện chất lượng sống của chúng ta rõ rệt.

Tóm lại, tự nhiên tồn tại không phải để phục vụ con người, những thứ có sẵn trong tự nhiên không phải là khuôn vàng thước ngọc hay câu trả lời đơn giản cho những vấn đề của con người. Mọi hiện tượng, hành động cần được đánh giá, phân tích thấu đáo với bằng chứng và lập luận khoa học rõ ràng, cụ thể chứ không nên chỉ dựa vào cái nhãn “thuận tự nhiên” hay “phản tự nhiên”.

Hãy học tập nhưng đừng sao chép “tự nhiên”!