"Các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỉ X - XIX" của tác giả Phạm Văn Hưng là công trình đầu tiên cung cấp một cái nhìn tổng thể và xuyên suốt về một vấn đề nằm ngoài văn bản nhưng thật sự cần thiết để hiểu rõ hơn về đời sống văn học dưới chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài tới mười thế kỉ ở nước ta.


Các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỉ X - XIX là chuyên khảo được xuất bản gần đây nhất của nhà nghiên cứu Phạm Văn Hưng, sau hai công trình Tự sự của Trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỉ X – XIX (2016) và Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỉ X - XIX (2018, 2019). Tuy nhiên, trên thực tế, đây là bản in lần thứ ba của chuyên khảo này, với một số chỉnh lí và bổ sung so với hai phiên bản mang nhan đề dài hơn (Lược khảo các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỉ X – XIX) được ấn hành vào các năm 2013 và 2015. Trên thị trường xuất bản cực kì sôi động như hiện nay, không phải đầu sách nào cũng được in tới ba lần trong vòng mười năm, nhất là khi đây lại là một công trình khoa học và cũng không thuộc dạng giáo trình được sử dụng trong các trường đại học, cao đẳng. Điều đó phần nào cho thấy chuyên khảo của Phạm Văn Hưng có sức hấp dẫn nhất định với công chúng và giới nghiên cứu. Sức hút của chuyên khảo này trước hết xuất phát từ vấn đề mà người viết đã lựa chọn để tìm hiểu: các vụ án văn chương ở Việt Nam thời kì trung đại.

Chuyên khảo dày 224 trang, do NXB Đại học Sư phạm ấn hành năm 2022. Nguồn: CC
Chuyên khảo dày 224 trang, do NXB Đại học Sư phạm ấn hành năm 2022. Nguồn: CC

“Vụ án văn chương”, theo định nghĩa của Phạm Văn Hưng, “là khái niệm dùng để chỉ các vụ án liên quan đến văn chương mà vì tác phẩm đó, tác giả, người in ấn, lưu hành, độc giả của nó phải chịu một sự trừng phạt nhất định về mặt thể chất, lên án về mặt tâm lí… do xã hội hoặc chính thể quy định” (tr.9). Do đặc thù của khái niệm “văn” thời trung đại, các vụ án văn chương được trình bày trong chuyên khảo không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn học mĩ thuật mà còn bao gồm cả những vụ việc liên quan đến văn học hành chính quan phương ở Việt Nam thế kỉ X - XIX.

Kì thực, vấn đề này trong lịch sử Trung Quốc đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc trình bày khá kĩ lưỡng với những thuật ngữ có nội hàm gần gũi với định nghĩa trên đây của Phạm Văn Hưng như “văn họa”, “bút họa”, “văn tự ngục”. Trong khi đó, tại Việt Nam, mới chỉ có một số cuốn như Việt Nam văn minh sử (Lê Văn Siêu), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX (Đặng Thai Mai), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX (Nguyễn Lộc), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa (Trần Nho Thìn)… đề cập đến các vụ án liên quan văn chương, chữ nghĩa ở nước ta thời trung đại, song phần lớn mang tính điểm xuyết, thoáng qua hay nhân thể bàn tới. Các vụ án văn chương của tác giả Phạm Văn Hưng là công trình đầu tiên cung cấp một cái nhìn tổng thể và xuyên suốt về vấn đề này.

Bên cạnh đó, chuyên khảo cũng gây ấn tượng cho độc giả ở sự dụng công của tác giả khi đọc hàng ngàn trang chính sử, dã sử và trước thuật của các văn nhân thời trung đại để lọc ra những vụ văn tự ngục mà đôi khi đã bị bỏ qua hoặc không được chú ý tới vì nằm rải rác trong các ghi chép hay bị khuất lấp sau những sự kiện lịch sử nổi bật hơn.

Phạm Văn Hưng tỏ ra là một người kể chuyện khéo léo và thu hút khi vừa phục dựng một cách sống động bối cảnh và diễn biến của các vụ án văn chương thế kỉ X – XIX, vừa bóc tách và phân tích một cách sắc sảo những căn nguyên thực sự ẩn giấu sau các vụ việc tưởng chừng chỉ xuất phát từ sự khác biệt trong cách tiếp nhận tác phẩm văn học, như mâu thuẫn về lập trường chính trị, mâu thuẫn lợi ích, mâu thuẫn vùng miền, mâu thuẫn văn – võ...

Qua ba chương sách được trình bày mạch lạc và hệ thống về các vụ án văn chương ở Việt Nam thế kỉ X – XVI, thế kỉ XVII – XVIII và thế kỉ XIX, người viết đã chỉ ra những mối đe dọa thường trực về cả sự nghiệp chính trị lẫn sinh mệnh mà người cầm bút thời trung đại phải đối mặt. Có thể thấy số phận bé mọn của kẻ sĩ và cả các võ tướng văn võ toàn tài dưới chế độ quân chủ chuyên chế - nơi mà văn chương có thể giúp họ vinh thân phì gia nhưng cũng có khả năng khiến họ thân bại danh liệt trong thoáng chốc. Ở đó, thành công trong cuộc đời những người “có chữ” không chỉ phụ thuộc vào sự “năng văn” của họ mà còn bị chi phối bởi chế độ khoa cử nghiêm minh hay hủ bại, mối quan hệ êm đẹp hay xung khắc với đồng liêu, toan tính chính trị của các bè phái và hơn tất cả là biểu đồ tình cảm lúc thăng lúc giáng của đấng quân vương. Thậm chí khi những người đứng đầu bộ máy cầm quyền ở các triều đại xuống chiếu cầu lời nói thẳng, thì như nhận định của tác giả Các vụ án văn chương, sẽ là ngây thơ nếu bề tôi hoàn toàn tin vào những động thái “làm duyên” đó, vì “trung ngôn” bao giờ cũng “nghịch nhĩ”, “lời nói” có khi phải trả giá bằng “đọi máu” và minh quân/ thánh quân mãi mãi là một hình dung không tưởng.

Sau khi khảo sát các vụ án văn chương ở Việt Nam trong thời kì từ thế kỉ X – XVI, tác giả đưa ra nhiều kết luận đáng chú ý, chẳng hạn: văn tự ngục xảy ra nhiều hơn ở thời kì giáp ranh giữa thời loạn và thời bình hoặc trong những năm đầu của mỗi triều đại; cùng một thời gian thì số vụ án văn chương ở Đàng Trong ít hơn ở Đàng Ngoài; số lượng vụ án văn chương liên quan đến văn học chữ Hán nhiều hơn số vụ liên quan đến văn học chữ Nôm; những vi phạm về mặt phong hóa thường bị xử lí nhẹ hơn những vi phạm về mặt chính trị; phần lớn tội nhân/ nạn nhân của các vụ án đều là đàn ông; và phụ nữ đôi khi bị các tác giả nam giới mượn giọng để phát ngôn và kí thác những thông điệp nhạy cảm… (tr.200). Những nhận xét này đã gợi mở nhiều vấn đề của văn hóa chính trị Việt Nam thời trung đại và có thể là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Không dừng lại ở việc tìm tư liệu từ nguồn đầu tiên và giúp bạn đọc hiện đại hình dung cụ thể về các sự kiện đã xảy ra ở Việt Nam thời quá khứ, tác giả chuyên khảo còn đưa ra những so sánh thú vị với các vụ án văn chương ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, trong đó tập trung hơn cả vào những vụ văn tự ngục tiêu biểu trong hàng nghìn năm lịch sử của Trung Quốc – cha đẻ của nền quân chủ chuyên chế phương Đông.

Dù không hoàn toàn tương đồng về số lượng và mức độ của các vụ việc, nhưng bản chất trấn áp văn hóa của chính thể là mẫu số chung của các vụ án văn chương thời trung đại ở bốn quốc gia đồng văn này. Những so sánh đó là căn cứ để Phạm Văn Hưng đặt ra vấn đề tự do sáng tạo của người cầm bút trong khuôn khổ ngặt nghèo và tiềm tàng nhiều rủi ro. Tác giả chỉ ra những cố gắng xoay sở của người cầm bút nhằm né tránh, đối phó với các cấm kị và cả sự chủ động của họ trong việc tìm kiếm một địa hạt đủ lớn để bay nhảy và phát triển, chẳng hạn vận dụng hình thức văn chương “sấm truyền” hoặc các motif vẽ tranh dâng vua, lấy thơ làm biểu tấu lên triều đình; dùng chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay (như trong thơ vịnh sử); vay mượn tích truyện nước ngoài để ngụ ý về các vấn đề của triều đại/ đất nước mình; ẩn danh; mượn giọng, vượt rào giới tính…

Có điều, như người viết đã chỉ ra, “không phải ai trong số họ cũng thành công” (tr.201) trong nền phê bình quyền uy và mang tính chất “kiểm dịch” sát sao như thế, bởi “thi dĩ ngôn chí” (thơ để nói chí) đã có lúc không còn là quan niệm sáng tác nữa mà trở thành một căn cứ để suy diễn và luận tội các tác giả, tác phẩm có khả năng gây nguy hại cho chính thể hoặc phong hóa. Do vậy, không phải là ngẫu nhiên mà “trong lịch sử khoa cử Việt Nam có rất nhiều vị đại khoa nhưng không có nhiều danh gia văn học” (tr.183).

Những lược thuật trên đây cho thấy các vụ án văn chương tuy là một vấn đề nằm ngoài văn bản nhưng kì thực rất đáng chú ý và thật sự cần thiết để hiểu rõ hơn về đời sống văn học dưới chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài tới mười thế kỉ ở Việt Nam. Qua cách nhìn nhận, đánh giá, thậm chí là định tội, trừng phạt một số tác giả, tác phẩm, độc giả hiện đại không chỉ hiểu hơn về lí luận và phê bình văn học Việt Nam thời trung đại, mà còn lí giải được một số hiện tượng của văn học sử.

Chẳng hạn, bên cạnh những hình thức đối phó với cấm kị của văn nhân mà Phạm Văn Hưng đã chỉ ra trong chuyên khảo, những lời bình, lời tựa, lời bạt trong các tác phẩm chứa đựng nội dung phi lễ, nhạy cảm cũng có thể được xem như những chiến lược tạo vỏ bọc tồn tại hợp pháp cho tác phẩm nhằm né tránh sự quy chụp từ chính thể. Một hiện tượng nữa trong văn học trung đại Việt Nam cũng có thể được soi chiếu từ những thiết chế của bộ máy cầm quyền, đó là lối nói vòng vo và cách lập ý cầu kì của nhà nho, thay vì gọi thẳng sự vật theo tên của nó.

Hiểu biết sâu rộng, khả năng xử lí và phân tích tư liệu sắc sảo, hành văn hấp dẫn với những liên hệ, bình luận dí dỏm là những ưu điểm nổi bật đã làm nên “thương hiệu” của Phạm Văn Hưng, như đã được thể hiện trong chuyên khảo này cũng như các công trình khác đã được công bố của tác giả. Có điều, Các vụ án văn chương sẽ trở nên hoàn thiện hơn khi một số lỗi đánh máy được khắc phục1, một nhầm lẫn trong ghi chép của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút về Phạm Nguyễn Du được đính chính lại2 và việc sử dụng cùng lúc hai tên gọi “Võ Trinh” và “Vũ Trinh” cho một nhân vật lịch sử được chú thích rõ ràng để tránh gây nhầm lẫn cho độc giả. Danh mục 129 tài liệu tham khảo (cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc) và bản thân những gì được trình bày ở phần nội dung đã cho thấy nỗ lực của Phạm Văn Hưng trong việc xới xáo kho tàng thư tịch cổ, nhưng chúng tôi tin rằng, trong tương lai, khi những trước tác Hán – Nôm còn lại của nền văn hiến dân tộc được dịch và giới thiệu đầy đủ, tác giả Các vụ án văn chương sẽ có thêm nhiều tư liệu để bổ cứu cho chuyên khảo này và phục dựng thành công diện mạo của “trường văn học” Việt Nam trung đại.

-------

(1) Chẳng hạn, “những đều thiết thực cốt yếu” (tr.77, đúng ra là “điều”), “có dấn ấn nhà Mạc” (tr.121, đúng ra là “dấu”), “Năm 1790, Lê Văn Quân và…” (tr.131, đúng ra là “Duyệt”).

(2) Theo Vũ trung tùy bút, “khoa thi năm Kỉ Hợi (1779), ông [tức Phạm Vĩ Khiêm] đổi tên là Phạm Nguyễn Du”. Tuy nhiên, chính Phạm Nguyễn Du trong bài “Tự thuyết” (Thuyết về tên tự) ở tập Thạch Động văn sao (kí hiệu VHv.84/2, Viện nghiên cứu Hán Nôm, tờ 56b) đã cho biết: “Ta hồi đầu tên là Vĩ Khiêm, tự là Tôn (Tông) Nhi. Năm Ất Mùi (1775), 36 tuổi, đổi tên là Du, tự là Hiếu Đức”.


Đăng số 1314 (số 42/2024)KH&PT