Các nhà khoa học Úc đã tiến hành một nghiên cứu nhằm góp phần cải thiện tính an toàn và hiệu quả của các vaccine mRNA, bao gồm giảm các tác dụng phụ thường gặp như đau đầu, sốt và mệt mỏi.

Sau khi vaccine mRNA COVID-19 đầu tiên ra đời, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ này để phát triển các vaccine và phương pháp điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, bao gồm ung thư. Vaccine mRNA sử dụng vật chất di truyền, thay vì virus bất hoạt, để giúp cơ thể sản xuất một protein kích thích tạo đáp ứng miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu từ Trường Khoa học thuộc Đại học RMIT và Viện Doherty của Úc đã tiến hành một nghiên cứu nhằm góp phần cải thiện tính an toàn và hiệu quả của các vaccine mRNA, bao gồm giảm các tác dụng phụ thường gặp như đau đầu, sốt và mệt mỏi.

Cụ thể, nghiên cứu đã phân tích 156 mẫu máu từ 19 người trong 28 ngày sau khi họ được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA phòng COVID-19 của Moderna có tên SPIKEVAX. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã thu được những hiểu biết mới về sự di chuyển và phân hủy của các thành phần vaccine trong máu.

Các vaccine mRNA được thiết kế để lưu lại trong hạch bạch huyết, nhằm sản sinh kháng thể chống lại nhiễm trùng, song nhóm nghiên cứu cho biết một lượng vô cùng nhỏ vaccine vẫn đi vào máu. Điều này có thể kích thích phản ứng viêm, dẫn tới một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi sau khi tiêm.

Nhà nghiên cứu xử lý các mẫu máu để lấy huyết tương và nghiên cứu các thành phần mRNA trong huyết tương. Nguồn: RMIT

Nghiên cứu cho thấy mRNA và lớp vỏ làm bằng các hạt nano béo của nó đạt đỉnh trong máu trong vòng hai ngày sau khi tiêm. Trong một số trường hợp, có thể phát hiện mRNA trong vòng một tháng.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng các kháng thể được hình thành để kháng lại polyethylene glycol (PEG) - một thành phần thông dụng trong vaccine - sẽ quyết định vaccine ở lại trong máu bao lâu. (Về mặt sinh học, khi chúng ta nạp quá nhiều một dược chất vào cơ thể thì cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể để kháng lại nó.) Tuy nhiên, họ phát hiện kháng thể kháng PEG không phải yếu tố duy nhất tác động đến quá trình này, mặc dù kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nồng độ mRNA và hạt nano béo cao hơn trong máu liên quan đến lượng kháng thể kháng PEG tăng mạnh hơn, cho thấy một số cá nhân có thể sản sinh nhiều kháng thể kháng PEG hơn. Theo nhóm tác giả, sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố riêng lẻ khác cũng góp phần tác động đến thời gian vaccine ở lại trong máu.

Nếu cơ thể người được tiêm vaccine mRNA sản sinh ra mức kháng thể kháng PEG cao thì điều này sẽ làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị bằng mRNA trong tương lai đối với các căn bệnh bao gồm ung thư, vì cơ thể người bệnh sẽ đào thải thuốc nhanh hơn.

Hiểu được sự phân bố sinh học của các thành phần trong vaccine, các nhà khoa học có thể tối ưu hóa các công thức hạt nano béo nhằm tăng cường độ ổn định của mRNA, giúp kéo dài phản ứng miễn dịch và giảm khả năng đào thải nhanh khỏi cơ thể. Các nghiên cứu sâu hơn cũng có thể tìm ra cách ngăn các thành phần của vaccine đi vào máu.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí ACS Nano.


Đăng số 1315( số43/2024) KH&PT