Khả năng kháng oxy hóa của dịch chiết từ hoa hẹ cao hơn nhiều so với của một số loại dược liệu khác, mở ra hướng ứng dụng mới trong phát triển sản phẩm thực phẩm chức năng và dược phẩm từ loại hoa này - theo kết quả từ một nghiên cứu mới.

Cây hẹ - một loài thực vật được sử dụng nhiều trong y học dân gian - có tên khoa học là Allium ramosum L. hoặc Allium tuberosum Roxb., Allium odorum L. thuộc họ hành tỏi Alliaceae. Ngoài ra, cây còn có các tên gọi khác như Cửu thái, Cửu thái tử, Khởi dương thảo,…

Trong đông y, hẹ được dùng ăn sống, nấu chín cùng thực phẩm khác và nấu nước uống để chữa bệnh đau dạ dày, tiêu chảy, cảm lạnh, hen suyễn,...

Theo nhiều nghiên cứu, trong lá, rễ, hạt hẹ có chứa các hợp chất như sunfua, saponin, chất đắng, alkaloid, sapoin, polysaccharide, protein, chlorophyll-a, chlorophyll-b, chất xơ, giúp giảm cholesterol, đường huyết, kháng khuẩn, kháng oxy hóa,… Đặc biệt, củ hẹ chứa hoạt chất odorin có khả năng kháng khuẩn Staphylococus aureus và Bacillus coli.

Ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về lá hẹ như trích ly tinh dầu, khảo sát hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, trích ly và phân tích polyphenol tổng, flavonoid, hoạt tính kháng oxy hoá,…. Tuy nhiên, gần như chưa có nghiên cứu nào về hoa hẹ được công bố.

H
Hoa hẹ. Ảnh: Internet

Trong nghiên cứu mới đây, nhóm tác giả đến từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Y Dược TPHCM đã khảo sát quy trình trích ly dịch chiết ethanol từ hoa hẹ, đồng thời khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của dịch đã chiết được.

Hoa hẹ tươi, thu mua tại thị trường TPHCM, được rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn, thêm ethanol và chiết xuất bằng phương pháp ngâm chiết trong hai điều kiện: sử dụng bể ổn nhiệt ở 50oC trong 30 phút; sử dụng bể siêu âm với công suất siêu âm 150 W ở 50oC, 30 phút. Sau đó ly tâm với vận tốc 3.000 vòng/phút thu dịch chiết.

Nhóm đã tiến hành nhận danh một số nhóm hợp chất chính trong dịch chiết từ hoa hẹ, theo đó dịch chiết gồm các nhóm chất chính như polyphenol, flavonoid, alkaloid,...

tr
Trích ly dịch chiết từ hoa hẹ. Ảnh: NNC

Phân tích tiếp theo cho thấy hàm lượng polyphenol - chất có đặc tính chống oxy hóa, có thể vô hiệu hóa những gốc tự do gây hại cho tế bào - trong dịch chiết từ hoa hẹ là 51,30g/mL, cao nhất khi dùng dung môi ethanol 75%.

Hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết hoa hẹ cũng đã được đánh giá bằng phương pháp DPPH (thay đổi màu sắc của thuốc thử), với kết quả IC50 (nồng độ ức chế tối đa một nửa, một thước đo trong việc ức chế một chức năng sinh học hoặc hóa sinh đặc biệt), tính theo lượng chất chiết được trong dịch chiết là 0,383 mg/mL. Như vậy, khả năng kháng oxy hóa của dịch chiết ethanol từ hoa hẹ cao hơn nhiều so với của một số loại dược liệu khác, cụ thể lớn hơn 4,5 lần rễ cây nhàu, gần hai lần cà gai leo và gần bảy lần hà thủ ô.

Theo nhóm tác giả, kết quả nghiên cứu có thể mở ra hướng mới ứng dụng hoa hẹ trong các lĩnh vực thực phẩm chức năng và dược phẩm. Chẳng hạn, có thể phát triển thành các sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa, giảm cân an toàn, hỗ trợ tim mạch, tăng chức năng phổi và giảm nguy cơ ung thư, ....

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí KH&CN Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, số 1/2024.


Nguồn: