Theo các nhà nghiên cứu, những người muốn tối ưu sức khỏe thể chất và tinh thần chỉ nên ăn thịt đỏ một lần mỗi tuần.

Công trình này do các nhà nghiên cứu ở Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan School thuộc ĐH Harvard thực hiện và đã được công bố ngày 19/10 The American Journal of Clinical Nutrition. Theo đó, những người ăn hai khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần có thể bị tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, và nguy cơ này còn tăng cao hơn nếu như họ tiêu thụ nhiều hơn.

"Phát hiện của chúng càng củng cố mạnh mẽcác hướng dẫn về chế độ ăn uống khuyến nghị hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, áp dụng cho cả thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến" - Xiao Gu, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang tăng nhanh trên toàn thế giới; và điều này gây lo ngại không chỉ vì nó là một căn bệnh nghiêm trọng, mà còn vì nó là một tác nhân nguy hiểm dẫn đến bệnh tim mạch, ung thư và sa sút trí tuệ.

Trước đây, các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu mới bổ sung thêm một mức độ chắc chắn cho mối liên hệ này - thông qua việc phân tích một số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở những người tham gia được theo dõi trong nhiều năm.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe từ 216.695 người tham gia. Cứ hai đến bốn năm một lần trong 36 năm liền, họ được yêu cầu trả lời bảng hỏi về tần suất tiêu thụ thịt bò. Trong thời gian đó, hơn 22.000 người tham gia đã mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu phát hiện việc tiêu thụ thịt đỏ - đã qua chế biến và chưa qua chế biến - liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những người tham gia ăn nhiều thịt đỏ nhất có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn 62% so với những người ăn ít nhất. Mỗi ngày ăn thêm một khẩu phần thịt đỏ đã qua chế biến làm tăng 46% nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, đối với thịt đỏ chưa qua chế biến thì tăng 24%.

Các loại thịt đỏ là một phần khó có thể thiếu trong bữa ăn của mọi người. Ảnh: Epicurious
Ngày nay, từ bình dị đến "xa xỉ", các loại thịt đỏ là một phần khó có thể thiếu trong bữa ăn của mọi người. Ảnh: Epicurious

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá những tác động tiềm năng của việc thay thế thịt đỏ trong khẩu phần ăn một ngày bằng các nguồn protein khác. Họ phát hiện, nếu thay thế một khẩu phần thịt đỏ bằng các loại hạt và đậu có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, và nếu thay thế bằng các sản phẩm từ sữa thì có thể làm nguy cơ mắc bệnh giảm 22%.

"Dựa trên những phát hiện của chúng tôi cùng với những nghiên cứu trước đây của các tác giả khác, giới hạn khoảng một khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần sẽ phù hợp cho những người muốn tối ưu sức khỏe thể chất lẫn tinh thần" - Walter Willett, Giáo sư Dịch tễ học & Dinh dưỡng, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra, ngoài lợi ích sức khỏe, việc thay thế thịt đỏ bằng những nguồn protein thực vật còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại nhiều lợi ích khác cho môi trường.

Một chế độ ăn giảm thịt đỏ - tăng rau xanh sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe và môi trường. Ảnh: Omnivore's Cookbook
Một số loại thực phẩm thuần chay có thể cung cấp protein thay cho thịt đỏ. Ảnh: EatingWell


Nguồn: