Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đặt hàng nghiên cứu, thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo,… với kinh phí tối đa 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 4895/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2024, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định DNNVV; các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có nhu cầu phát triển chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.

Sở KH&CN Bình Dương được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong ba lĩnh vực chính:

Hỗ trợ công nghệ: Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn, thuê và mua giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ hợp đồng tư vấn liên quan đến sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Các DNNVV sẽ được hỗ trợ chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, cũng như tư vấn phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và mô hình kinh doanh sáng tạo;

Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn về sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật, và hỗ trợ thực hiện các thủ tục sản xuất thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng.

n
Một doanh nghiệp sản xuất ống nhựa ở Bình Dương. Ảnh: Internet

Cụ thể, mức hỗ trợ công nghệ về tư vấn giải pháp chuyển đổi số tối đa 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ, 100 triệu đối với doanh nghiệp vừa; hỗ trợ thuê, mua giải pháp chuyển đổi số, tối đa 20 triệu đồng/doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/doanh nghiệp vừa; hỗ trợ hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tư vấn quản lý và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ tối đa 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ 5 – 100 triệu/doanh nghiệp cho việc thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung; hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển sản phẩm; thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ;…

DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ từ 10 – 50 triệu đồng/doanh nghiệp về chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ; thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa; đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ;…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, tám tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký mới, nâng tổng số doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh lên hơn 71.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 68.000 DNNVV. Tất cả các DNNVV đều có cơ hội nhận hỗ trợ từ chương trình của tỉnh.

Theo kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển KH&CN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân. Tỉnh tập trung tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.