Rồng là một sinh vật huyền thoại hay xuất hiện trong các truyền thuyết từ Đông sang Tây. Đúng là chưa từng có ai nhìn thấy một con rồng bằng xương bằng thịt, nhưng những sinh vật giống thằn lằn biết bay lại tồn tại trong các mẫu hóa thạch. Một số loài vẫn sống ngoài tự nhiên ngày nay.

Chúng ta hãy cùng xem xét khoa học về khả năng dùng cánh bay và các cơ chế khiến rồng có thể phun lửa nhé.

Rồng phương Đông với rồng phương Tây. Nguồn: sdctnews
Rồng phương Đông với rồng phương Tây. Nguồn: sdctnews

Một con rồng bay có thể lớn tới mức nào?

Các nhà khoa học nhìn chung nhất trí rằng loài chim hiện đại có nguồn gốc từ khủng long bay, vậy nên không có gì bàn cãi về khả năng bay của rồng. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có đủ lớn để săn bắt người và gia súc hay không. Đáp án là có.

Khủng long bay Quetzlcoatlus northropi thuộc kỷ Phấn trắng muộn là một trong những loài động vật biết bay lớn nhất mà chúng ta biết tới. Các nhà khoa học đưa ra nhiều suy đoán về kích thước của nó, nhưng ngay cả những ước tính thận trọng nhất cũng cho rằng sải cánh của nó dài 11m, nặng khoảng 200-259kg. Nói cách khác, nó nặng xấp xỉ một con hổ hiện đại, chắc chắn có thể hạ gục con người hoặc con dê.

Có một vài giả thuyết về lý do vì sao các loài chim hiện đại không lớn như khủng long thời tiền sử. Một số nhà khoa học tin rằng năng lượng tiêu hao để duy trì bộ lông quyết định kích thước. Còn những người khác chỉ ra khí hậu và thành phần khí quyển của Trái đất đã có những thay đổi đáng kể.

Rồng bay ngoài đời thực

Rồng thời xưa có thể đủ lớn để quắp con mồi là cừu hay người, còn rồng hiện đại lại ăn côn trùng, đôi khi là chim và động vật có vú nhỏ. Đó chính là loài thằn lằn Iguana, thuộc họ Agamidae. Họ này bao gồm rồng râu đã thuần hóa (hay còn gọi là rồng Úc), rồng đất Trung Quốc (hay còn gọi là kỳ tôm) và cả chi Draco hoang dã.

Draco spp. là rồng bay, hay còn gọi là thằn lằn bay hoặc thằn lằn lượn. Loài thằn lằn này có thể bay vút qua khoảng cách xa tới 60m bằng cách duỗi thẳng các chi và mở rộng phần da xếp nếp giống như cánh. Con thằn lằn này sử dụng đuôi và màng cổ để ổn định và kiểm soát quá trình hạ cánh. Bạn có thể gặp những con thằn lằn bay này trong các khu rừng ở Nam Á, nơi chúng sinh sống phổ biến. Con lớn nhất chỉ dài tới 20cm, vì vậy bạn không không cần lo sẽ bị chúng ăn thịt đâu.

Rồng bay không cần cánh


Theo mô tả trong các truyền thuyết, truyện thần thoại và cổ tích, rồng châu Âu là loài thú có cánh khổng lồ, còn rồng châu Á lại giống rắn mọc chân hơn. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rắn là loài bò trên trên mặt đất, nhưng có những loài rắn biết “bay” theo nghĩa chúng có thể lướt qua không khí ở khoảng cách xa.

Khoảng cách này xa cỡ nào? Về cơ bản, những con rắn này có thể lơ lửng trên không trung với chiều dài của một sân bóng đá hoặc gấp đôi chiều dài của bể bơi Olympic! Rắn Chrysopelea spp. châu Á có thể “bay” đến 100m bằng cách duỗi thẳng cơ thể và xoắn lại để tối ưu hóa lực nâng. Các nhà khoa học đã tìm ra góc tối ưu để lướt là 25o, với đầu rắn hướng lên trên còn đuôi hướng xuống dưới.

Tuy đúng là những con rồng không cánh này đúng là không thể bay, nhưng chúng có thể lướt qua một khoảng cách rất xa. Nếu bằng cách nào đó, loài vật này trữ được khí nhẹ hơn không khí thì chúng có thể làm chủ được khả năng bay lượn.

Làm sao rồng phun lửa?

Cho đến nay, chúng ta chưa tìm được loài động vật nào phun lửa. Tuy vậy, trong tự nhiên có tồn tại loài động vật từa tựa thế. Đó chính là bọ cánh cứng bombardier (họ Carabidae), còn được gọi là bọ “đánh bom”, chúng tồn tại ở mọi châu lục trừ Nam Cực.

Trong bụng chúng có hai khoang tách biệt chứa hydroquinone và hydrogen peroxide (nước oxy già). Khi nào bị đe dọa, chúng sẽ trộn hỗn hợp này với enzyme catalase và peroxidase, khiến hydron peroxide phân hủy thành nước và hơi nước trong khi hydroquinone bị oxy hóa, tạo ra một chất độc có tên là benzoquinone. Phản ứng hóa học này sẽ tỏa nhiệt rất cao và khiến nhiệt độ của hỗn hợp lên tới gần 100oC. Áp suất tích tụ khiến chúng phun chất lỏng sôi bỏng gây kích ứng từ các tuyến nằm gần hậu môn vào mắt kẻ thù. Sự kết hợp giữa nhiệt độ gần sôi và hydroquinone bị oxy hóa, một loại hóa chất đặc biệt gây kích ứng cho mắt và hệ thần kinh, có thể được bọ cánh cứng bắn ra hai mươi lần trong một loạt các luồng phun độc hại. Tuyến phun hóa chất này xoay được 270o để chúng có thể dễ dàng bắn vào động vật ăn thịt hơn.

Khi dừng lại suy nghĩ, ta sẽ thấy các sinh vật sống có thể tạo ra các hợp chất, chất phản ứng và chất xúc tác dễ cháy. Ngay cả con người cũng hít vào nhiều oxy hơn mức chúng ta sử dụng. Hydro peroxide là một sản phẩm phụ phổ biến trong quá trình trao đổi chất. Axit được dùng để tiêu hóa thức ăn. Metan là một sản phẩm phụ dễ cháy của quá trình tiêu hóa. Catalase là enzyme phổ biến cải thiện hiệu quả của các phản ứng hóa học.

Một con rồng có thể chứa trong người các hóa chất cần thiết cho tới lúc sử dụng, đẩy mạnh hỗn hợp ra ngoài rồi đốt cháy chúng bằng phương pháp hóa học hoặc cơ học. Cơ chế đánh lửa cơ học có thể đơn giản tạo ra tia lửa bằng cách chà xát mạnh các tinh thể áp điện lại với nhau. Cũng như các hóa chất dễ cháy, các tinh thể này có tồn tại ở động vật, ví dụ như men răng và ngà răng, xương khô và gân.

Henry Gee, nhà sinh vật học tiến hóa và là tác giả của cuốn sách A (Very) Short History Of Life On Earth, nêu ra một giả thuyết đầy thuyết phục về cách một con rồng có thể khạc lửa thiêu sống kẻ thù. “Giả thuyết của tôi là tổng hợp sinh học các chất tự bốc cháy khi đẩy mạnh ra ngoài không khí. Và có một chất như vậy: diethyl ether”.

Như Gee chỉ ra, ether là một chất dễ tạo ra, chỉ cần trộn ethanol với acid sulfuric là được. “Cồn được sản xuất trong tất cả các loại sinh vật, và các sinh vật sống sản xuất ra sulfat, vì vậy không quá lời khi nói rằng chúng có thể sản xuất ra acid sulfuric”, ông nói. “Tôi có thể tưởng tượng sẽ có các tuyến nước bọt biến đổi trong miệng rồng chứa các cụm vi khuẩn có thể làm điều này”.

Ether cũng có nhiệt độ bắt cháy tương đối thấp là 45°C. “Nó dễ bắt lửa đến mức con rồng có thể phun ether lỏng qua răng và nó sẽ bùng thành ngọn lửa”. Dĩ nhiên, da của rồng phải có tính chống cháy. “Không có lý do gì mà vảy rồng không chứa thứ gì như borax”, Gee nói. Borax là chất được sử dụng trong nhiều vật liệu chống cháy.

Tuy thế, ý tưởng phun lửa từ miệng có một số vấn đề tiềm ẩn. “Các tuyến [trong miệng] phải có lớp lót để ngăn rồng tự đầu độc mình”. Gee cho biết có nhiều loại động vật chứa chất độc mà không tự đầu độc chính nó. Ngoài ra, ông cũng nhận định rằng rồng phải có cơ chế nào đó để giải quyết sulfat không hòa tan tích tụ lại, vì chúng có thể gây tắc nghẽn các tuyến, cũng như đau đớn và bệnh tật.

Từ đây, ta thấy rằng việc thở ra lửa chắc chắn là điều khả thi. Chúng ta chưa quan sát thấy điều này diễn ra, nhưng như vậy không có nghĩa là không có loài nào từng phát triển ra khả năng này.

Nguồn: Thoughtco, Sciencefocus, blog.rsb.org.uk

Bài đăng số 1314( số 42/2024) KH&PT