Các nhà nghiên cứu phát hiện mối liên hệ giữa nhịp thở và sự xuất hiện của một số kiểu hoạt động não bộ trong giấc ngủ có liên quan đến việc tái kích hoạt nội dung ký ức.
Ký ức được củng cố như thế nào trong khi ngủ? Năm 2021, nhóm nghiên cứu Emmy Noether trẻ ở Khoa Tâm lý học Đại học Ludwig Maximilian München (LMU), đã chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa sự xuất hiện của một số kiểu hoạt động não bộ liên quan đến giấc ngủ và việc tái kích hoạt nội dung ký ức trong lúc ngủ.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những phản ứng này có được điều phối bởi một “bộ máy” trung tâm nào hay không.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck và Đại học Oxford để phân tích lại dữ liệu.
Kết quả đã xác minh sự hô hấp có khả năng chính là máy điều hoà trung tâm đó.
Tiến sĩ Thomas Schreiner, trưởng nhóm nghiên cứu,cho biết: “Điều đó có nghĩa là nhịp thở của chúng ta ảnh hưởng đến cách ký ức được củng cố trong giấc ngủ”.
Trong phòng thí nghiệm
Đối với nghiên cứu ban đầu, các nhà nghiên cứu đã cho 20 người tham gia xem 120 hình ảnh trong suốt hai buổi học. Tất cả các hình ảnh đều được liên kết với một số từ nhất định.
Sau đó, người tham gia ngủ khoảng hai giờ trong phòng thí nghiệm giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, họ được hỏi về những liên kết mà họ đã học.
Trong toàn bộ thời gian học và ngủ, hoạt động não của nhóm được ghi lại bằng sóng điện não đồ (EEG) cùng với nhịp thở.
Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện những nội dung đã học trước đó được tái kích hoạt một cách tự nhiên bởi bộ não trong khi ngủ, nhờ sự hiện diện của các sóng não chậm và các đợt sóng não nhanh tự phát (thỉnh thoảng xuất hiện khi hoạt động não bộ tăng lên).
Schreiner cho biết: “Độ chính xác của sự kết hợp giữa các nhịp điệu sóng não liên quan đến giấc ngủ này tăng dần từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên và sau đó lại giảm xuống khi già đi”.
Mối liên hệ giữa nhịp thở và hoạt động não bộ
Vì tần suất hô hấp cũng thay đổi theo độ tuổi nên sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu liên quan đến nhịp thở được ghi lại và tìm ra mối liên hệ giữa chúng.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy có mối liên hệ giữa nhịp thở và sự xuất hiện của các sóng não chậm và các đợt sóng não nhanh tự phát”, Schreiner nói, “Mặc dù các nghiên cứu khác đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhịp thở và nhận thức khi chúng ta tỉnh táo, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng nhịp thở cũng quan trọng đối với quá trình xử lý trí nhớ trong khi ngủ”.
Người lớn tuổi thường bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hô hấp và suy giảm chức năng trí nhớ. Schreiner dự định tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa những triệu chứng này, và liệu các biện pháp can thiệp - chẳng hạn như sử dụng mặt nạ CPAP, vốn đã được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ - có ý nghĩa gì từ góc độ nhận thức hay không.
Nguồn: