Mặc dù ngày càng lưu tâm đến khía cạnh rủi ro, lãnh đạo các trường đại học trên thế giới vẫn nhận ra rằng việc triển khai AI trong dạy và học không thể và không nên bị cấm, mà cần được áp dụng một cách chủ động, sáng tạo.


Từ ngày 13 đến15/10 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị Hiệp hội quốc tế của Các hiệu trưởng trường đại học (IAUP) - sự kiện được tổ chức ba năm một lần. Là một tổ chức phi chính phủ, IAUP nắm quyền tham vấn cao tại Liên hợp quốc và UNESCO. Năm nay, Hội nghị có chủ đề “AI và tương lai của giáo dục đại học” và quy tụ khoảng 700 đại biểu từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ưu tiên các nguyên tắc đạo đức


Giáo dục đại học trong kỷ nguyên AI được dự đoán sẽ vượt ra ngoài khuôn viên trường đại học, xuyên biên giới, theo nhu cầu, do công nghệ thúc đẩy và có sự cộng sinh giữa con người và máy móc. Tại Hội nghị, vấn đề khai thác sức mạnh của AI để đạt quyền tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục chất lượng được nhấn mạnh là ưu tiên hàng đầu. Các diễn giả cho rằng, công nghệ AI giúp mở rộng năng lực, nhưng chúng phải được áp dụng một cách cẩn trọng để tránh làm tăng thêm sự chênh lệch hiện nay về cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.

Trong kỷ nguyên số, các trường đại học cần chuyển sang đào tạo hướng tới kỹ năng hợp tác giữa con người với AI. Ảnh minh họa: shutterstock
Giáo dục đại học trong kỷ nguyên AI đòi hỏi sự hợp tác giữa con người và máy móc. Ảnh minh họa: shutterstock

Trong một thông điệp bằng văn bản gửi đến Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi giới lãnh đạo trường đại học đảm bảo rằng công nghệ AI mang lại lợi ích cho “mọi người, mọi nơi”. “Điều này có nghĩa là thu hẹp khoảng cách tiếp cận AI, tạo ra các tiêu chuẩn chung và cung cấp các công cụ và hoạt động đào tạo cho các khu vực còn thiếu thốn dịch vụ,” Guterres viết.

Bên cạnh đó, Hội nghị đưa ra cảnh báo về những tác động xã hội rộng hơn của AI trong tương lai. Trong đó, dấu chân sinh thái từ việc đào tạo các mô hình lớn đã được chứng minh là tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với các hoạt động của trung tâm dữ liệu truyền thống.

Hội nghị cũng nêu lên các vấn đề đạo đức nan giải khi việc sử dụng các công cụ AI trở nên phổ biến, bao gồm sự thiên vị trong dữ liệu đào tạo AI đe dọa làm suy yếu các giá trị cốt lõi của giáo dục là nuôi dưỡng sự hòa nhập và công bằng.

Hội nghị bày tỏ lo ngại nếu không có quy định phù hợp, AI có thể làm sâu sắc thêm sự thiên vị trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Một khi các tập dữ liệu đến từ các nhóm chính thống, trung lưu, giàu có, truyền thống được đưa vào thuật toán, thì đó sẽ trở thành tiêu chuẩn và các biến thể khác không còn quan trọng nữa.

Ngoài ra, Hội nghị lưu ý, mục đích thực sự của AI trong giáo dục không phải là bản thân AI, mà là mối quan hệ và sự tương tác được tạo ra và phát triển giữa con người và máy móc. Mặc dù AI giúp giảm bớt một số tác vụ tốn thời gian hoặc lặp đi lặp lại, nhưng điều quan trọng đối với giáo dục đại học là đảm bảo rằng sinh viên vẫn tích cực tham gia và phát triển các kỹ năng thiết yếu, như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào các công cụ AI. Để giải quyết những thách thức này, Hội nghị kêu gọi các nhà lãnh đạo trường đại học ưu tiên các nguyên tắc đạo đức để khai thác tốt nhất tiềm năng của AI trong việc nâng cao kết quả dạy và học.

Đặc biệt, Hội nghị nhấn mạnh rằng công nghệ AI được áp dụng để tăng cường trải nghiệm học tập, thay vì làm suy yếu hoặc thay thế những nỗ lực trí tuệ. Cần đảm bảo rằng sinh viên có thể phát huy hết khả năng đánh giá khi sử dụng AI để tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời hiểu rõ các rủi ro của nó.

Sử dụng sáng tạo


Mặc dù ngày càng lưu tâm đến khía cạnh rủi ro, các trường đại học vẫn cố gắng nhìn xa hơn và nhận ra rằng việc triển khai AI trong dạy và học không thể và không nên bị cấm, mà cần được áp dụng một cách chủ động.

Trong một phiên thảo luận về đổi mới AI, các lãnh đạo trường đại học đã đưa ra một số ví dụ về việc sử dụng AI nguồn mở để nâng cao trải nghiệm dạy và học, cũng như nơi AI có tiềm năng khuyến khích tính tự chủ và tư duy phản biện của sinh viên.

Zachary Pardos - phó giáo sư giáo dục tại Đại học California, Berkeley và là học giả hàng đầu về học tập thích ứng và AI, đã trình bày về hệ thống do ông và các cộng sự phát triển, cho phép giảng viên điều chỉnh giáo trình các môn học STEM theo nhu cầu của sinh viên ở các trình độ khác nhau. Giảng viên có thể mô tả trình độ của nhóm sinh viên và hướng dẫn hệ thống về nội dung và giọng điệu phù hợp để tương tác với sinh viên. Các hệ thống như vậy cho phép AI cá nhân hóa việc học ở quy mô lớn. PGS Pardos cho biết, nhóm của ông muốn triển khai nền tảng này trong một số hệ thống giáo dục đại học lớn.

Ki-Jeong Lee, hiệu trưởng Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ rằng trường đại học của ông đã áp dụng nền tảng “đào tạo, trợ giảng và tư vấn” dựa trên AI. Hệ thống này theo dõi sinh viên theo thời gian thực 24/7 để phát hiện khi sinh viên gặp khó khăn và can thiệp kịp thời. “Trong các giờ học trực tuyến, sinh viên có thể nhấp chuột vào nút màu đỏ để báo hiệu mình không hiểu bài và sau đó AI sẽ cung cấp nội dung tùy chỉnh để giải quyết các vấn đề cụ thể,” Lee giải thích. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu cân bằng giữa tự động hóa với tương tác của con người, đồng thời phải bảo đảm việc giám sát được thực hiện trong sự tôn trọng quyền riêng tư của sinh viên.

Ngược lại, Brent White, giám đốc Hợp tác toàn cầu của Đại học Hawai‘i, Manoa, Mỹ, đề xuất một cách tiếp cận cấp tiến hơn, trong đó các trường đại học không chỉ đơn giản là kết hợp các trợ giảng AI vào các lĩnh vực và cấu trúc hiện có mà phải dựa vào AI để thoát khỏi các cấu trúc và sự bó buộc. White giải thích, để bảo đảm chất lượng đào tạo, các giảng viên có thể phải xác định lại vai trò của mình giờ đây nằm ở việc giám sát các ứng dụng AI thay vì trực tiếp đứng lớp, khi AI có thể thay thế hoàn toàn việc giảng bài của họ. White tin rằng cách tiếp cận này có thể góp phần đem lại sự công bằng giáo dục trên quy mô toàn cầu.

GS Xi Youmin - chủ tịch điều hành của Đại học Giao thông Tây An - Liverpool (XJTLU), Tô Châu, Trung Quốc, và hiệu phó Đại học Liverpool, Anh quốc - cho biết XJTLU đã phát triển một hệ thống mà ông gọi là “hệ thống giáo dục quy mô lớn đầu tiên dựa trên mô hình AI”. XIPU AI (XIPU là từ viết tắt của XJTLU trong tiếng Trung) dựa trên mô hình Microsoft Azure OpenAI, có khả năng hỗ trợ giảng viên thiết kế khóa học và phân tích kết quả học tập của sinh viên để tối ưu hóa phương pháp giảng dạy, đồng thời hỗ trợ phụ đạo và ôn tập cho sinh viên sau giờ học chính khóa.

Thay đổi tư duy


Mặc dù sứ mệnh của giáo dục đại học trong thời đại AI cần được xác định lại trên toàn thế giới, nhưng GS Xi Youmin tin rằng điều này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Theo ông, các trường đại học Trung Quốc trước tiên phải thoát khỏi tâm lý trọng bằng cấp, nếu không muốn tụt hậu. Văn hóa Trung Quốc vốn đề cao trình độ học vấn và hệ thống giáo dục của Trung Quốc vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng thầy giảng kiến thức và trò lấy bằng cấp - ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị. “Những điều này trái ngược với logic của giáo dục trong kỷ nguyên kỹ thuật số và AI.”

Cách truyền đạt kiến thức “thụ động” có tác dụng giúp sinh viên nắm vững và ghi nhớ kiến thức, nhưng những thế mạnh này sẽ sớm bị máy móc thay thế, GS Xi nói. Do đó, các trường đại học cần chuyển sang đào tạo hướng tới kỹ năng hợp tác giữa con người với AI và kỹ năng tư duy sáng tạo.

Theo GS Xi, Trung Quốc hiện đã là một trung tâm giáo dục quan trọng của thế giới, xét về quy mô sinh viên và trường đại học. Nhưng ông cho rằng Trung Quốc chỉ thật sự trở thành một trung tâm giáo dục có ảnh hưởng mạnh mẽ bằng cách đi đầu trong quá trình chuyển đổi AI. Và ông lưu ý, đây là một thách thức lớn vì những nỗ lực hiện nay còn lẻ tẻ chứ chưa đều khắp.


Hai trong ba nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học năm 2024 đang làm việc ở công ty trí tuệ nhân tạo Google DeepMind. Từ trái qua: Demis Hassabis và John Jumper của Google DeepMind ngay sau khi nhận tin thắng giải Nobel Hóa học vào ngày 9/10 vừa qua. Nguồn: Getty Images
Hai trong ba nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học năm 2024 đang làm việc ở công ty trí tuệ nhân tạo Google DeepMind. Từ trái qua: Demis Hassabis và John Jumper của Google DeepMind ngay sau khi nhận tin thắng giải Nobel Hóa học vào ngày 9/10 vừa qua. Nguồn: Getty Images

Hội nghị IAUP năm 2024 cũng nhắc nhiều đến Giải Nobel Vật lý và Hóa học vừa được công bố vào đầu tháng 10, trong đó chiến thắng thuộc về những nhà khoa học AI tiên phong. GS Michael Levitt, nhà vật lý sinh học, giải Nobel Hóa học năm 2013, nhận định đây là một sự thay đổi đáng chú ý khi AI trở thành tiêu điểm của giải thưởng danh giá này. Và ông cho rằng giới lãnh đạo trường đại học toàn thế giới nên chủ động xem xét loại hình giáo dục dựa trên AI nào mà họ mong muốn cung cấp cho người học trong bối cảnh hiện nay.


Nguồn:

Đăng số 1315 (số 43/2024)KH&PT