Nhờ được canh tác theo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGAP, và chế biến thành các sản phẩm mới phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, tỏi Lý Sơn đang có cơ hỗi phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích gần 10km2, trong đó 1/3 diện tích được trồng hành và tỏi. Tỏi Lý Sơn là một loại đặc sản nổi tiếng và đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tỏi Lý Sơn có hình dạng bé, mùi vị thơm dịu đặc trưng, không nồng hắc, ít cay, vị ngọt đầu lưỡi, tốt cho sức khỏe bởi chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng như flavonoid, axit amin, selen, vitamin, khoáng chất,…
Hiện nay, việc sản xuất cây tỏi ở huyện Lý Sơn vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống. Theo đó, cứ qua một đến hai năm, người dân sẽ tiến hành bổ sung đất và thay cát trên đồng ruộng một lần. Nguồn đất để sản xuất cây tỏi chủ yếu là đất đỏ bazan ở địa phương và cát san hô hút lên từ dưới đáy biển.
Đất bazan sẽ được bổ sung bằng việc đào xới xuống sâu hoặc khai thác từ những vùng chân đồi. Lớp đất này có tác dụng cung cấp dinh dưỡng, giữ nước, hạn chế sâu bệnh hại. Cát san hô phủ lên bề mặt sẽ giữ ẩm, làm sạch lá khi trời mưa và mát củ khi trời nắng, hạn chế sâu bệnh hại, tạo độ xốp để củ phát triển, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng của cây tỏi.
Với diện tích sản xuất tỏi hiện nay ở huyện Lý Sơn khoảng 330ha, mỗi năm vùng đất đảo này có đến hàng trăm nghìn m3 đất, cát để thay thế cũng như loại bỏ. Điều này dẫn đến môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng, bởi sự xâm thực đang diễn ra với cường độ lớn và tốc độ nhanh. Ngoài ra, cách làm này cũng phát sinh chi phí khá cao.
Canh tác tỏi theo cách truyền thống cũng khiến tỏi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, sản phẩm chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa có nhiều mô hình liên kết có hiệu quả, bảo vệ thương hiệu chưa tốt, vụ tỏi nằm trong mùa mưa bão dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị gia tăng cho cây tỏi Lý Sơn, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín (Quảng Ngãi), đã chủ trì thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp KH&CN phục vụ, sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị”, với sự phối hợp của Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Viện Nghiên cứu Rau quả, và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm không bổ sung đất đỏ bazan và không thay cát san hô mới, giữ lại toàn bộ lớp cát san hô cũ. Sau đó cày xới lẫn với lớp đất thịt bazan xuống độ sâu khoảng 20cm, để tạo thành lớp đất cát pha có độ tơi xốp. Nhờ đó, bộ rễ của cây tỏi phát triển mạnh, ăn sâu và rộng nên có khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh hại cũng như điều kiện bất thuận của thời tiết tốt; phạm vi lấy nước và chất dinh dưỡng được cải thiện.
Dự án đã xây dựng được 10 ha mô hình liên kết tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và bao tiêu toàn bộ sản phẩm tỏi Lý Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bằng các giải pháp kỹ thuật canh tác mới, tăng cường bón phân hữu cơ, trong vụ sản xuất 2022-2023, năng suất tỏi đạt trên 6 tấn/ha, trong khi ruộng đại trà trung bình chỉ đạt 4,23 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 15%, so với phương thức canh tác truyền thống.
Nhóm thực hiện dự án cũng khuyến cáo người dân luân canh giữa vụ tỏi với vụ hành bằng các loại cây trồng khác như lạc, vừng, ngô,… để giảm sâu bệnh, cải tạo đất; và sử dụng các loại cây trồng được luân canh làm vật liệu che phủ và bổ sung nguồn phân hữu cơ vào đất.
Ngoài việc xây dựng mô hình canh tác tỏi theo quy trình kỹ thuật mới, đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhóm thực hiện dự án còn xây dựng đươc quy trình chế biến tỏi Lý Sơn, thành bốn sản phẩm như tỏi đen, đồ uống chức năng tỏi đen mật ong, bột tỏi, sốt tỏi để nâng cao giá trị của tỏi Lý Sơn. Dự án cũng đã tổ chức đào tạo được 10 kỹ thuật viên, tập huấn cho hơn 200 lượt nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật canh tác tỏi Lý Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, có thể nhân rộng mô hình vào sản xuất.
Dự án đã được Sở KH&CN Quảng Ngãi nghiệm thu, kết quả đạt.