Nhằm góp kiểm soát bệnh dại và tăng cường an toàn cộng đồng, nhóm đối tác Một sức khỏe (One Health) đã kêu gọi nguồn lực để triển khai một vài mô hình thí điểm không buôn bán, ăn thịt chó, mèo tại một số tỉnh thành thu hút du lịch.
Ngày 2/10, trong khuôn khổ khung Đối tác Một sức khỏe Việt Nam về phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws tổ chức cuộc họp Nhóm công tác Động vật đồng hành lần thứ hai.
Cuộc họp do Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cùng bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chiến dịch về Động vật đồng hành tại Đông Nam Á, đồng chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết, các cuộc họp là diễn đàn chung để các bên liên quan thảo luận về phúc lợi và sức khỏe động vật, tình hình bệnh dại từ nạn giết mổ, kiểm soát an toàn thực phẩm động vật, và các dự thảo chính sách mới liên quan đến động vật trong khuôn khổ Một sức khỏe.
Tại cuộc họp lần thứ nhất diễn ra đầu năm nay, nhóm công tác đã thống nhất các nội dung cơ bản về quản lý nhà nước và những vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Cuộc họp lần này đi sâu hơn về lộ trình triển khai một số dự án thí điểm tại một vài tỉnh thành ở Việt Nam.
Trong số các dự án, đáng chú ý có dự án về mô hình thí điểm không buôn bán, tiêu thụ thịt chó mèo tại một số tỉnh thành có thu hút về du lịch cao. Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã triển khai thành công ở Hàn Quốc và Campuchia.
Bác sĩ Karan Kukreja nhìn nhận, muốn loại trừ bệnh dại ở Việt Nam, phải giải quyết tất cả các rào cản, bao gồm cả việc giảm thiểu buôn bán thịt chó và mèo, bởi đây vốn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
“Một sức khỏe” là một khái niệm y tế công cộng, nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe của con người, động vật và môi trường trong hệ sinh thái. Nghĩa là, thay vì xem xét sức khỏe của từng yếu tố một cách độc lập, người ta sẽ coi chúng như một hệ thống liên kết, có sự tác động lẫn nhau, bảo vệ sức khỏe của một đối tượng đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe của tất cả các đối tượng còn lại trong hệ sinh thái.
|
Nguy cơ bệnh dại từ động vật
Tại sao việc tiêu thụ thịt chó, mèo lại liên quan đến bệnh dại? Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi con vật bị bệnh dại cắn hoặc liếm vết trầy xước trên người hoặc động vật khác, nó có thể truyền mần bệnh. Nếu quá trình giết mổ, chế biến không đảm bảo vệ sinh, virus dại cũng có thể xâm nhập vào người giết mổ thông qua các vết nứt trên da. Mặc dù ăn thịt động vật được nấu chín kỹ sẽ gần như không có khả năng bị mắc bệnh dại, nhưng trong suốt quá trình vận chuyển và giết mổ, nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao.
Một khảo sát
tại hơn 400 lò giết mổ chó ở miền Bắc năm 2016 cho thấy, gần 85% người giết mổ không có kháng thể trung hòa bệnh dại trong cơ thể, đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ nhiễm virus dại cao.
Mỗi năm, Việt Nam ước tính giết mổ
5 triệu con chó và 1 triệu con mèo làm thực phẩm, theo số liệu được trích dẫn bởi Four Paws
hồi tháng 2/2020. Văn hóa ăn thịt chó mèo phổ biến ở miền Bắc hơn miền Nam, với hơn 60% người dân ở thủ đô Hà Nội cho biết đã ăn thịt chó ít nhất một lần trong đời, trong đó có 11% cho biết ăn thường xuyên. Còn ở TPHCM, có 14% dân số đã từng ăn thịt chó ít nhất một lần và 1,5% ăn thường xuyên, theo khảo sát của Four Paws.
Một nghiên cứu khác cho biết,
có khoảng 2% chó trong các lò mổ tại Việt Nam bị nhiễm bệnh dại.
Dự phòng bệnh dại bằng vaccine
Theo WHO, thời gian ủ bệnh dại thường kéo dài 2-3 tháng nhưng cũng có thể thay đổi từ một tuần đến một năm, tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập của virus và tải lượng virus.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm các dấu hiệu chung như sốt, đau và ngứa ran bất thường hoặc không rõ nguyên nhân, châm chích hoặc cảm giác nóng rát tại vị trí vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thống thần kinh trung ương, bệnh nhân sẽ nhanh chóng phát triển thành viêm não và viêm tủy sống.
Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.
Trên thế giới, bệnh dại phổ biến nhất ở động vật hoang dã - như dơi, chồn, cáo - và ở các động vật nuôi làm cảnh như chó, mèo. Chó mèo khá gần gũi với con người nên nguy cơ lây nhiễm các loại virus nói chung là không nhỏ.
Hiện không có công cụ chẩn đoán bệnh dại nào đủ tiêu chuẩn, nhưng người ta có thể đối phó với bệnh dại bằng các biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm (ví dụ, tiêm vaccine cho người và động vật) hoặc áp dụng các biện pháp dự phòng kịp thời ngay khi phơi nhiễm (như rửa vết thương, tiêm vaccine, tiêm globulin miễn dịch hoặc kháng thể đơn dòng) để ngăn virus xâm nhập vào não bộ.
Trước đây, vaccine dại ở Việt Nam có nguồn gốc từ não chuột, còn được gọi là vaccine Fuenzalida do nhà khoa học người Chile, Eduardo Fuenzalida, phát triển. Vaccine này có tính sinh miễn dịch cao, tương đối kinh tế và dễ sản xuất. Tuy nhiên, chúng có thể có một số tác dụng phụ, bao gồm các phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm, dị ứng toàn thân, ảnh hưởng đến trí nhớ và các biến chứng thần kinh khác.
Kết quả là, vaccine Fuenzalida đã bị ngừng vào năm 2007 và được thay thế bằng vaccine mới có nguồn gốc từ nuôi cấy tế bào an toàn hơn, như vaccine từ tế bào lưỡng bội ở người (HDCV), vaccine từ phôi gà (PCEV) hoặc vaccine từ tế bảo vero tinh khiết (PVRV). Các loại vaccine này tương đối giống nhau về độ an toàn và tính sinh kháng thể. Tác dụng bảo vệ tối đa của vaccine dại là một năm.
Mặc dù được khuyến khích tiêm chủng vaccine dại trong cộng đồng nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn e ngại việc sử dụng vaccine và vẫn còn nỗi sợ về tác dụng phụ của vaccine. Ngoài ra, kiến thức và thực hành phòng chống bệnh dại ở nhân viên y tế và bác sĩ thú y ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam
vẫn còn tương đối thấp.
Tại cuộc họp ngày 2/10, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, các khu vực giam giữ, lò mổ và chợ buôn bán và giết mổ chó và mèo có các điều kiện tương tự như tại các địa điểm xuất hiện mầm bệnh mới trước đó.
Ông tổng kết, việc kiểm soát bệnh dại của Việt Nam vào năm 2030 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của việc quản lý nhân đạo đàn chó mèo, giải quyết nạn buôn bán thịt chó mèo, các chiến lược tiêm phòng cho chó mèo, cũng như một số yếu tố khác, bao gồm giáo dục cộng đồng và khả năng tiếp cận vaccine cho người dân.
Đối tác Một sức khỏe Việt Nam (One Health Partnership) là sáng kiến hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và ngành liên quan - bao gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hơn 30 tổ chức trong và ngoài nước - nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc phối hợp phòng ngừa, phát hiện và đối phó với các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Đối tác Một sức khỏe sẽ tổ chức các diễn đàn lớn thường niên và các diễn đàn nhỏ thường kỳ của mỗi nhóm kỹ thuật (như nhóm Kháng kháng sinh, Động vật đồng hành, An toàn thực phẩm...) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Mô hình đối tác Một sức khỏe đã hoành thành giai đoạn đầu từ năm 2016-2020, và đang bước vào giai đoạn hai từ năm 2021-2025.
|