Đề tài này liên quan tới việc hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh của Việt Nam.
Chương trình hợp tác song phương NAFOSTED – DFG đã chọn được duy nhất một hồ sơ để tài trợ trong năm 2024, đó là “Nghiên cứu hệ vi sinh vật nội sinh trong sâm Việt Nam (Panax vietnamensis) và khả năng ứng dụng trong trồng sâm hữu cơ”, TS. Phạm Thị Thúy Vân (Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, ĐHQGHN).
Kể từ năm 2017, cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia. Hiện nay, một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã được chứng minh có một số tác dụng dược lý chính như bổ dưỡng, chống suy nhược và tăng cường sức khỏe; tác dụng trên thần kinh trung ương; chống ung thư; bảo vệ gan…
Tuy nhiên để phát triển nguồn dược liệu quý của tự nhiên này, cần phải có nhiều nghiên cứu quan trọng khác về giống, canh tác, thu hoạch.v.v. Là một trong số đó, đề tài của TS. Phạm Thị Thúy Vân tập trung vào hệ vi sinh vật sống trong mô ở vùng rễ, rễ có khả năng xúc tiến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Nếu thành công, đề tài sẽ cung cấp cứ liệu để các nhà phát triển sâm Ngọc Linh từng bước xây dựng quy trình trồng hữu cơ.
Với ý nghĩa này và một đề cương thuyết phục, đề tài đã thuyết phục được các chuyên gia phản biện của NAFOSTED – DFG và trở thành đề tài duy nhất trong số 22 hồ sơ được phê duyệt tài trợ.
Năm 2023, cũng có duy nhất một hồ sơ được phê duyệt, “Nghiên cứu xây dựng mô hình tính toán hiệu năng cao cho đường hầm đô thị” của PGS. TS Đỗ Ngọc Anh, ĐH Mỏ địa chất.
Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT
Anh Vũ