Phụ nữ Tây Ban Nha đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chinh phục và thuộc địa hóa châu Mỹ, từ việc tài trợ cho các cuộc thám hiểm đến việc thành lập các bệnh viện và trường học, cho tới việc trực tiếp khai phá những vùng đất mới, hoặc tham gia chiến đấu như một chiến binh dũng cảm để chống lại những cuộc nổi dậy của người dân bản địa.

Ảnh: Bing AI.
Ảnh: Bing AI.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi nữ hoàng đầu tiên của Tây Ban Nha, Isabella I, tài trợ cho chuyến thám hiểm của Christopher Columbus vào năm 1492, dẫn đến việc phát hiện ra châu Mỹ. Không lâu sau, hàng nghìn phụ nữ Tây Ban Nha đã rời bỏ quê hương ở châu Âu để thực hiện những chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương đến Tân Thế giới.

Những phụ nữ tiên phong


Trong khi tên của những người đàn ông khởi hành từ Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 và 17 khá dễ tìm, thì tên của những phụ nữ đi cùng họ rất khó tra cứu trong các tài liệu lịch sử. Theo hồ sơ từ Phòng Thương mại Seville (Tây Ban Nha) – nơi xử lý mọi công việc hành chính liên quan đến các chuyến thám hiểm đến châu Mỹ – có bốn du khách nữ trong số 1.500 người trong chuyến thám hiểm thứ hai của Columbus vào tháng 9/1493 bao gồm: María Fernández (người hầu gái của Đô đốc Columbus), María de Granada (không có thông tin chi tiết được ghi chép lại), cùng với hai nữ thương nhân Catalina Rodríguez và Catalina Vázquez.

Trong chuyến hải trình thứ ba của Columbus, khởi hành từ Sanlúcar de Barrameda ở miền Nam Tây Ban Nha vào tháng 5/1498, có tổng cộng 30 phụ nữ tham gia. Nhiều phụ nữ là vợ của các nhà thám hiểm nam, chẳng hạn như Catalina de Sevilla. Tuy nhiên, hành khách trên tàu cũng có một số nhân vật khá đặc biệt, trong đó bao gồm Gracia de Segovia (một gái mại dâm) và hai phụ nữ Digan (Catalina và María).

Điều đáng ngạc nhiên là phụ nữ Digan nằm trong số những người đầu tiên từ Tây Ban Nha đến châu Mỹ, bởi vì người Digan đã bị đàn áp ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Catalina và María là những tội phạm đã bị kết án. Để đổi lấy việc giảm án, họ chấp nhận làm thợ giặt trên tàu và phải hoàn thành 10 năm lao động không lương ở châu Mỹ.

Chính quyền Tây Ban Nha cũng mong muốn phụ nữ độc thân ở quê nhà tham gia các chuyến thám hiểm với hy vọng họ kết hôn với những người đàn ông đang chuẩn bị xây dựng cuộc sống mới ở Tân Thế giới.

Một ví dụ về điều này là chuyến đi của Mencía Calderón de Sanabria, một phụ nữ quý tộc đến từ Badajoz, phía Tây Nam Tây Ban Nha. Tháng 4/1550, bà dẫn đầu một đoàn thám hiểm gồm 60 phụ nữ và hàng trăm người đàn ông đến thành phố Asunción mới thành lập ở Paraguay. Họ di chuyển trên ba chiếc thuyền lớn. Ban đầu, chuyến đi này là nhiệm vụ của chồng bà, người được chỉ định làm thống đốc khu vực Río de la Plata ở Nam Mỹ. Nhưng sau khi chồng bà qua đời, Sanabria đã kế nhiệm vai trò lãnh đạo đoàn thám hiểm. Chuyến đi kéo dài hơn sáu năm với vô số khó khăn: từ bão tố, cướp biển, bệnh tật, nạn đói, cho đến các cuộc tấn công của thổ dân bản địa. Sau khi vượt qua nhiều thử thách, cuối cùng Sanabria và những người sống sót (21 phụ nữ và 22 đàn ông) đã đến thành phố Asunción vào năm 1556.

Francisco de Orellana là một nhà thám hiểm Tây Ban Nha nổi tiếng với chuyến đi dọc theo sông Amazon. Vào năm 1545, ông khởi hành từ Tây Ban Nha cùng khoảng 400 người, trong đó có vợ ông, Ana de Ayala, và một nhóm phụ nữ đến từ Trujillo, miền Tây Tây Ban Nha. Cuộc hành trình trải qua nhiều biến cố khi thiếu lương thực, nhiều người bỏ trốn, và một số tàu bị đắm. Sau 11 tháng khám phá các nhánh sông Amazon, đoàn thám hiểm liên tục phải đối mặt với bệnh tật, và xung đột với người dân bản địa.Khi họ quay trở lại cửa sông, tiến vào một ngôi làng để tìm kiếm thức ăn, Orellana đã bị một cư dân địa phương dùng cung tên bắn chết. Tháng 11/1546, Ana de Ayala và 43 người sống sót đã đóng một chiếc thuyền và trốn thoát đến đảo Margarita, Venezuela. Dù đóng vai trò quan trọng trong cuộc hành trình cùng với chồng, nhưng Ana de Ayala ít được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử.

Những nữ chiến binh dũng cảm

Phụ nữ Tây Ban Nha còn thể hiện vai trò chiến binh trong quá trình chinh phục và bảo vệ các thuộc địa mới ở châu Mỹ. Nổi bật trong số đó là nữ chiến binh María de Estrada trong cuộc chiến chinh phục vùng đất Mexico. Cùng với Hernán Cortés và Pedro de Alvarado, bà tiến vào thành phố Tenochtitlán vào năm 1519. Nhà sử học Fray Juan de Torquemadatừng viết rằng: “Estrada với tay cầm kiếm và khiên đã làm nên những chiến công phi thường, chiến đấu chống lại kẻ thù với lòng dũng cảm và tinh thần mạnh mẽ như một người đàn ông dũng cảm nhất thế giới”.

Beatriz Hernández là một phụ nữ được ca ngợi vì sự can đảm trong việc bảo vệ thành phố Guadalajara, Mexico. Khi người Chichimec bản địa bao vây thành phố vào năm 1541, Beatriz đã đưa những người phụ nữ khác đến nơi an toàn, sau đó cùng các chiến binh nam chiến đấu để bảo vệ cộng đồng người Tây Ban Nha tại khu vực này.

Một câu chuyện khác không kém phần thú vị liên quan đến Catalina de Erauso, người có biệt danh là “Trung úy Nữ tu”. Khi còn là thiếu nữ, Erauso đã trốn khỏi một tu viện ở San Sebastián và cải trang thành đàn ông. Năm 1603, khi đó Erauso chỉ mới 18 tuổi, cô đã lên một con tàu đến châu Mỹ. Tại đây, cô sử dụng tên giả Alonso Díaz và gia nhập quân đội Tây Ban Nha, tham gia vào các trận chiến khốc liệt chống lại người bản địa Araucanian ở Chile. Trong một trận đánh, cô đã thể hiện sự dũng cảm phi thường khi truy đuổi kẻ thù để giành lại lá cờ Tây Ban Nha, dù bị trọng thương. Thậm chí cô còn được phong lên cấp bậc trung úy.

Lãnh đạo và xây dựng cộng đồng

Không chỉ tham gia vào những cuộc thám hiểm và chiến đấu, phụ nữ Tây Ban Nha còn đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và xây dựng các thuộc địa.

Isabel Barreto là ví dụ điển hình về một người phụ nữ lãnh đạo tài năng. Vào năm 1595, Barreto cùng chồng là Álvaro de Mendaña khởi hành từ Peru cùng với bốn con tàu để khám phá quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương. Khi Mendaña qua đời giữa cuộc hành trình, Barreto đã không lùi bước và mạnh mẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo. Bà chỉ huy bốn con tàu với hàng trăm người, vượt qua biển cả hiểm nguy, tiếp tục tìm kiếm vàng và ngọc trai trên các đảo ở gần đó.

Tại châu Mỹ, do sự thiếu hụt nam giới trong các thuộc địa mới, phụ nữ thường phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc quản lý các trang trại, mỏ khoáng sản, tham gia xây dựng bệnh viện, trường học và nhà thờ, góp phần duy trì sự ổn định cho các vùng đất thuộc địa. Họ có thể sở hữu đất đai, thậm chí giữ các chức vụ lãnh đạo trong chính quyền địa phương. Họ tham gia vào nhiều ngành nghề như thương nhân, y tá, nữ hộ sinh, giáo viên, và thậm chí là nhà văn. Nhiều người trong số họ đảm nhận các vai trò thường dành cho nam giới như thuyền trưởng, chiến binh, ủy viên quản lý thuộc địa và thống đốc.

Sự linh hoạt này đã giúp nhiều phụ nữ Tây Ban Nha tại Tân Thế giới thoát khỏi các giới hạn truyền thống mà xã hội đặt ra cho họ ở châu Âu. Họ đã tham gia xây dựng nền kinh tế và xã hội mới, góp phần định hình tương lai của các thuộc địa Tây Ban Nha tại châu Mỹ.

Theo: National Geographic

Bài đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT