Trí tưởng tượng táo bạoKhi nghiên cứu hiện tượng lên men, Louis Pasteur đã nghĩ ngay tới các sinh vật rất nhỏ gây ra sự phân giải các chất động vật và thực vật, tạo nên chu trình liên tục của sự sống và sự chết trên mặt đất. Ông đã rút ra kết luận rằng chính các vi sinh vật đó cũng có tác động phân giải các chất hữu cơ và gây bệnh truyền nhiễm.
Khi nghiên cứu bệnh tầm gai, ông cũng đã nghĩ ngay tới “thể địa”, tức là tình trạng cơ thể người trong các bệnh truyền nhiễm mà có thể tăng hay giảm độc tính của vi trùng. Ông là người đầu tiên có ý tưởng táo bạo dùng vi trùng giảm độc tính làm vaccine, giúp ngăn cản được sự truyền lây của các bệnh dịch, trong khi chưa một ai nghĩ đến lúc đó.
Trí tưởng tượng đã giúp ông tiến hành thí nghiệm về bệnh dại mặc dù chưa biết vi trùng gây bệnh này thế nào: ông đã dùng tủy sống của thỏ dại để chế vaccine và thử nghiệm ngay trên động vật.
Chính trí tưởng tượng táo bạo và phong phú đó đã đề xuất được nhiều vấn đề cơ bản liên quan tới vi trùng học mà Pasteur và cộng sự đã dần dần giải quyết làm cơ sở vững chắc cho ngành khoa học quan trọng này.
Trực giác nhạy bénTrí tưởng tượng táo bạo nói trên lại được chỉ đạo bằng một khả năng trực giác kỳ diệu. Khi Pasteur đặt một vấn đề, ông đã hình dung ngay được giải pháp và mục tiêu của thí nghiệm sẽ được tiến hành. Khác với nhiều bác học cùng thời thường bị lệ thuộc vào tiên kiến, ông chỉ lệ thuộc vào sự kiện: mặc dù có trí tưởng tượng dồi dào nhưng ông không hề viển vông.
Chính nhờ có trực giác tốt mà trước nhiều sự kiện, ông đã loại ngay được các yếu tố thứ yếu và bám ngay vào cái chủ yếu để triển khai nghiên cứu. Thí dụ, sau khi phát hiện ra vi trùng lao thì nhà bác học người Đức Robert Koch đã tập trung vảo nghĩ tới mô tả, phân loại nó thuộc giới thực vật hay động vật, trong khi Louis Pasteur đã nghĩ ngay tới tác dụng gây bệnh của vi trùng và vai trò sinh lý của nó.
Nhiệt tình bền bỉ
Ở Pasteur, trí tưởng tượng và trực giác luôn đi đôi với nhiệt tình bền bỉ. Ông đi từ phát kiến này sang phát kiến khác, không bao giờ thỏa mãn với óc tò mò tìm hiểu của mình. Pasteur đã sống với nghiên cứu khoa học và quên hẳn thú vui của đời thường. Ông đã biến đời sống hằng ngày của mình thành nơi cho các suy nghĩ nội tâm và dùng phòng thí nghiệm để xác nhận những suy tư khoa học.
Chính nhiệt tình này đã giúp ông dũng cảm đấu tranh với một số nhà bác học tên tuổi khác như Robert Koch, Justus von Liebig, Marcellin Berthelot… để khẳng định chân lý: Ông đã dũng cảm thử nghiệm tiêm liều vaccine chống dại đầu tiên cho một em bé chăn cừu và sau đó tiêm thẳng tủy có vi trùng dại cho bé để theo dõi hiệu quả.
Nhờ có sự nhiệt tình bền bỉ mà ông đã luôn kiên trì lao động, chuyên cần thí nghiệm từ lúc đặt vấn đề cho tới khi trí tuệ uyên bác của ông hoàn toàn được thỏa mãn.
Tính chính xác tuyệt đối
Pasteur xuất thân từ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tinh thể học. Suốt 10 năm, ông đã quan sát tỉ mỉ, mô tả và tính toán các cạnh, các góc của tinh thể… Khi chuyển sang làm nghiên cứu ở lĩnh vực sinh học, ông vẫn giữ tính chính xác tương tự và tin rằng một thí nghiệm sinh học phải cho một đáp số rõ ràng như một thí nghiệm lý hóa.
Tính chính xác của một nhà lý hóa đã xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông. Nếu chỉ là một bác sĩ hay thú y sĩ đơn thuần, ông vẫn có thể tìm thấy nguyên nhân vi trùng của một số bệnh, nhưng nhờ trí tưởng tượng, trực giác nhạy bén, nhiệt tình bền bỉ và tính chính xác, ông đã không dừng ở đó, mà đi sâu và mở rộng nghiên cứu đặt nền móng cho một lĩnh vực khoa học mới là vi trùng học.
Tính trung thực
Toàn thân Pasteur luôn là chân lý. Một nhà văn nổi tiếng đã nói về ông: Một người vĩ đại như vậy không thể là cái gì đó khác sự thật. Pasteur luôn trung thực, trung thực với chính mình, trung thực với người khác, trung thực trong mọi ý nghĩ và hành động của mình.
Trong khi đang tìm tòi nghiên cứu vaccine, Pasteur đã thường bị Robert Koch chế giễu trên tạp chí như một người viển vông và không ít đồng nghiệp, vì ghen ghét tiếng tăm của Pasteur, đã phụ họa theo lời chế giễu này. Ông cũng khó chịu nhưng chỉ trao đổi với học trò, cộng sự của mình rằng chúng ta làm việc không phải vì lời khen chê đương thời mà vì lời khen chê hàng trăm năm sau này. Khi bác sĩ Koch thông báo với thế giới về phát minh ra vi trùng lao của mình, Louis Pasteur vẫn gửi điện tín chào mừng người “đồng nghiệp” khó chịu đó.
Trong các thiên tài khoa học trên thế giới, Louis Pasteur là một trong số ít người đã để lại dấu ấn đậm nét nhất cho nhân loại, xây dựng được một ngành khoa học mới phục vụ cho loài người ngay khi ông còn sống.
Nhà bác học lỗi lạc Louis Pasteur (1822-1895) đã tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Khoa học Paris năm 1842 và sau đó là bằng tiến sĩ vào năm 1847. Ông là người:
• Sáng lập ngành vi sinh vật học và giải thích mô tả chính xác vi khuẩn.
• Phát hiện ra vi khuẩn gây ra nhiều bệnh tật và phát triển phương pháp tiêm chủng phòng bệnh. • Là người đầu tiên phát triển thành công vaccine phòng bệnh dại và bệnh than.
• Đã nghiên cứu quá trình lên men và phát triển phương pháp tiệt trùng (pasteurization) giúp bảo quản thực phẩm và đồ uống.
Louis Pasteur đã có ảnh hưởng lớn đến y học và khoa học, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng và cứu sống nhiều triệu người. Ông được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
|