Bài kiểm tra nhận dạng mùi cho người Việt VSIT cho kết quả chẩn đoán Parkinson trên bệnh nhân người Việt chính xác hơn so với bài kiểm tra nhận dạng mùi của Mỹ.

Parkinson là một căn bệnh trong đó hệ thần kinh trung ương bị thoái hóa, gây ảnh hưởng chủ yếu lên khả năng vận động. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Việt Nam năm 2023, Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh phổ biến nhất chỉ sau Alzheimer.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10 đến 15 ca/100.000 người/năm nhưng tỷ lệ này tăng theo độ tuổi. Ở độ tuổi 50-59, tỷ lệ mắc bệnh là 17,4 ca/100.000 người/ năm; ở độ tuổi 70-79 là 93,1 ca. Trong điều kiện già hóa dân số đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson được dự đoán có thể tăng trong tương lai gần. Vì vậy, các nhà khoa học đang tích cực thực hiện các nghiên cứu để góp phần chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

Những biểu hiện bệnh lý của Parkinson có thể kể đến như run, cứng cơ, vận động chậm chạp và khó giữ thăng bằng. Giảm khứu giác cũng là một trong những triệu chứng của bệnh; tuy nhiên, triệu chứng này khó nhận biết hơn các triệu chứng khác, nhiều người bệnh không hề biết mình bị suy giảm khứu giác do mắc bệnh Parkinson cho đến khi làm bài kiểm tra khứu giác.

Nhiều bệnh nhân Parkinson không biết mình bị suy giảm khứu giác. Ảnh: vienyhocungdung.vn

Nhiều bài kiểm tra khứu giác đã được xây dựng trên thế giới như bài kiểm tra nhận dạng mùi của Đại học Pennsylvania (UPSIT); bài kiểm tra nhận dạng mùi rút gọn (BSIT) - phiên bản thương mại hóa của UPSIT; bài kiểm tra SIT (Bài kiểm tra Sniffin’ Sticks)… Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khả năng nhận biết mùi bị ảnh hưởng bởi văn hóa. Do vậy, một nhóm nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đồng nghiệp Mỹ thực hiện một nghiên cứu kiểm tra khả năng chẩn đoán bệnh Parkinson qua bài Bài kiểm tra nhận dạng mùi dành cho người Việt (VSIT).

VSIT gồm 12 câu hỏi, được phát triển bằng cách sử dụng các mùi quen thuộc, dễ nhận biết và dễ chịu đối với người Việt Nam.

Dù bải kiểm tra VSIT đã chứng minh được khả năng xác định rối loạn khứu giác ở người Việt Nam nhưng giá trị trong chẩn đoán bệnh Parkinson vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm điều tra giá trị chẩn đoán bệnh Parkinson của VSIT và so sánh với BSIT trong việc phân biệt bệnh nhân Parkinson và nhóm đối chứng khỏe mạnh

Nghiên cứu chia người tham gia thành hai nhóm. Nhóm đầu gồm 218 bệnh nhân Parkinson, không bị mất trí nhớ theo đánh giá từ bài kiểm tra đánh giá nhận thức MMSE đến từ Phòng khám Parkinson và Rối loạn vận động tại Trung tâm Trường Đại học Y Dược TP HCM. Họ cũng chưa từng trải qua phẫu thuật thần kinh chức năng dành cho người bệnh Parkinson. Nhóm thứ hai gồm 218 người đối chứng khỏe mạnh. Cả hai nhóm đều thực hiện bài kiểm tra VSIT và BSIT.

Trong bài kiểm tra VSIT, chất tạo mùi được thấm vào các tăm bông bao gồm các mùi cam, chuối, nước tương, nước mắm, tỏi, cà phê, chanh, táo, ổi, xoài, cá và dưa hấu. Những tăm bông này được đóng trong túi vô trùng, không bay hơi. Các nhà nghiên cứu xé vỏ túi và đặt đầu tăm bông cách lỗ mũi khoảng 2 cm của người tham gia trong 2–3 giây. Người tham gia được yêu cầu xác định mùi bằng cách chọn từ bốn mô tả cho sẵn. Mỗi câu trả lời đúng được tính 1 điểm.

Các chất tạo mùi trong BSIT bao gồm quế, nhựa thông, chanh, khói, sô cô la, hoa hồng, chất pha loãng, chuối, dứa, hành tây, xăng và xà phòng. Chất tạo mùi được bọc trong các vi nang trên giấy và mùi sẽ thoát ra khi dùng bút chì làm xước lớp phủ vi nang. Chất tạo mùi được đặt cách cả hai lỗ mũi 2 cm và người tham gia được yêu cầu chọn mùi chính xác từ bốn câu trả lời cho sẵn đối với mỗi chất tạo mùi. Mỗi câu trả lời đúng được tính một điểm, tổng số điểm dao động từ 0 đến 12.

Kết quả cho thấy sự khác nhau đáng kể về điểm kiểm tra của hai nhóm ở cả hai bài kiểm tra. Với BSIT, điểm trung bình của nhóm Parkinson là 6, trong khi điểm trung bình ở nhóm đối chứng là 8. Với VSIT, nhóm Parkinson đạt trung bình 5 điểm trong khi nhóm đối chứng đạt trung bình 9 điểm.

Sự khác biệt trong khả năng nhận biết mùi của nhóm Parkinson và nhóm đối chứng thể hiện ở gần như tất cả các chất tạo mùi, chỉ trừ mùi khói, sô cô la, hoa hồng và xăng trong bài kiểm tra BSIT. Các mùi có tỷ lệ giúp phát hiện bệnh Parkinson cao nhất là chuối (72%), ổi (71%), xoài (70%) ở VSIT. Hai mùi có tỷ lệ giúp phát hiện bệnh cao nhất ở bài kiểm tra BSIT là quế (67%) và dứa (66,5%).

Như vậy, cả bài kiểm tra VSIT và BSIT đều có thể góp phần chẩn đoán bệnh Parkinson, tuy nhiên, nhìn chung, bài kiểm tra VSIT có độ nhạy cao hơn và có thể chẩn đoán chính xác hơn căn bệnh này so với BSIT. Điều này được lý giải do việc nhận biết mùi có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa, vì vậy, Bài kiểm tra nhận dạng mùi dành cho người Việt (VSIT) sẽ đem lại kết quả chẩn đoán hiệu quả hơn và có thể trở thành một phương pháp đơn giản, ít tốn kém để chẩn đoán bệnh Parkinson trong tương lai.

Nguồn: