Chúng ta đều biết lối sống lành mạnh đem lại lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần. Mới đây, các nhà khoa học đã liệt kê cụ thể 7 yếu tố trong lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ trong khoảng 20 người trưởng thành thì có 1 người trải qua trầm cảm. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự khởi phát trầm cảm khá phức tạp và bao gồm sự kết hợp của yếu tố sinh học và lối sống.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã tiến hành xem xét sự kết hợp của các yếu tố: lối sống, di truyền, cấu trúc não, hệ thống miễn dịch và trao đổi chất, để xác định những cơ chế cơ bản có thể giải thích mối quan hệ giữa những yếu tố này và trầm cảm.
Bằng cách kiểm tra dữ liệu từ gần 290.000 người - trong đó 13.000 người mắc trầm cảm - được theo dõi trong khoảng thời gian 9 năm, nhóm nghiên cứu đã xác định được 7 yếu tố trong lối sống lành mạnh liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm, cụ thể:
- Uống rượu ở mức độ vừa phải: làm giảm 11%
- Chế độ ăn lành mạnh: làm giảm 6%
- Hoạt động thể chất thường xuyên: làm giảm 14%
- Giấc ngủ lành mạnh: làm giảm 22%
- Không bao giờ hút thuốc: làm giảm 20%
- Hành vi ít vận động ở mức thấp đến trung bình: làm giảm 13%
- Thường xuyên kết nối xã hội: làm giảm 18%
Trong 7 yếu tố trên, việc có một giấc ngủ ngon - từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm - tạo ra sự khác biệt lớn nhất, làm giảm đến 22% nguy cơ mắc trầm cảm, bao gồm các giai đoạn trầm cảm đơn lẻ và trầm cảm kháng trị.
Kết nối xã hội thường xuyên làm giảm 18% nguy cơ trầm cảm, đồng thời là biện pháp bảo vệ tốt nhất trước sự tái phát chứng rối loạn trầm cảm.
Dựa trên số lượng các yếu tố lối sống lành mạnh mà một cá nhân tuân thủ, họ sẽ được xếp vào một trong ba nhóm lối sống: bất lợi, trung bình và có lợi. Những người thuộc nhóm trung bình có nguy cơ mắc trầm cảm thấp hơn khoảng 41% so với những người thuộc nhóm bất lợi, trong khi những người ở nhóm có lợi có khả năng thấp hơn 57%.
Sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra ADN của những người tham gia, chấm mức điểm rủi ro di truyền cho từng người. Điểm số này được xét dựa trên số lượng biến thể di truyền mà một cá nhân mang trong mình, với điều kiện biến thể di truyền đó có sẵn một mối liên hệ với nguy cơ mắc trầm cảm. Với những người có mức điểm rủi ro di truyền thấp nhất, nguy cơ mắc trầm cảm ở họ thấp hơn 25% so với những người có mức điểm cao nhất; tác động này nhỏ hơn nhiều so với yếu tố lối sống.
Ở những người có nguy cơ trầm cảm do di truyền, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm rằng lối sống lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm của họ. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa trầm cảm, kể cả khi người đó có nguy cơ bị trầm cảm do di truyền.
Giáo sư Barbara Sahakian, Khoa Tâm thần học tại Đại học Cambridge, cho biết: "Mặc dù ADN của chúng ta có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, nhưng chúng tôi đã chứng minh được rằng một lối sống lành mạnh vẫn đóng vai trò quan trọng hơn".
"Trong số 7 yếu tố lối sống, có vài yếu tố chúng ta có thể tự kiểm soát được mức độ, vậy nên hãy cố gắng tìm cách cải thiện chúng - chẳng hạn như việc ngủ đủ giấc và ra ngoài gặp gỡ bạn bè cũng đã có thể tạo ra sự khác biệt trông thấy trong cuộc sống của mọi người".
Lối sống tác động đến hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất
Để hiểu tại sao lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu một số yếu tố khác.
Trước tiên, họ kiểm tra các bản quét não thông qua chụp cộng hưởng từ (MRI) của gần 33.000 người tham gia và phát hiện một số vùng não có nhiềuhơn các tế bào thần kinh và các kết nối liên quan đến lối sống lành mạnh. Chúng bao gồm pallidum (cầu nhạt), thalamus (đồi thị), amygdala (hạch hạnh nhân), hippocampus (hồi hải mã).
Tiếp đó, nhóm tìm kiếm những dấu hiệu trong máu có thể chỉ ra các vấn đề về hệ thống miễn dịch hoặc trao đổi chất (cách chúng ta xử lý thức ăn và sản sinh năng lượng). Hai dấu hiệu được tìm thấy có liên quan đến lối sống là protein phản ứng C - một phân tử được sản xuất trong cơ thể để phản ứng với sự căng thẳng, và chất béo trung tính - một trong những dạng chất béo chính mà cơ thể sử dụng để dự trữ năng lượng về sau.
Những mối liên hệ này đã được củng cố bởi một số nghiên cứu trước đây. Ví dụ, căng thẳng trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến khả năng chúng ta điều chỉnh lượng đường huyết, dẫn đến nguy cơ suy giảm chức năng miễn dịch, đồng thời thúc đẩy sự hư tổn do lão hóa ở các tế bào và phân tử trong cơ thể. Hoặc, hoạt động thể chất ít ỏi và việc thiếu ngủ có thể làm cơ thể mất khả năng phản ứng với căng thẳng. Sự cô đơn và thiếu các hỗ trợ từ xã hội cũng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng các dấu hiệu suy giảm miễn dịch.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện, mối liên hệ từ lối sống đến các chức năng miễn dịch và trao đổi chất là quan trọng nhất. Nói cách khác, một lối sống kém lành mạnh sẽ tác động đến hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất của chúng ta, từ đó làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Tiến sĩ Christelle Langley, cũng ở Khoa Tâm thần học của Đại học Cambridge, cho biết: "Một lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với cả thể chất lẫn tinh thần. Chúng tốt cho sức khỏe não bộ và nhận thức của chúng ta, gián tiếp thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn và trao đổi chất tốt hơn".
Giáo sư Jianfeng Feng, từ Đại học Phúc Đán và Đại học Warwick, nói thêm: "Chúng ta cũng biết rằng trầm cảm có thể khởi phát sớm ở độ tuổi thiếu niên hoặc thanh niên, vậy nên việc giáo dục các bạn trẻ về tầm quan trọng của lối sống lành mạnh và tác động của nó đối với tinh thần cũng nên được thực hiện ngay từ trong các trường học".
Nguồn: