Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phát triển nhiều mô hình nuôi tảo lam mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để tạo ra các sản phẩm đặc thù, có giá trị cao như thức ăn thủy sản, phân bón hay thực phẩm chức năng.
Tảo lam được chia thành hai loại, tảo Chlorella và Spirulina. Trong đó, tảo Chlorella có màu xanh lá cây đặc trưng nhờ sắc tố quang hợp chlorophyll a và b trong lục lạp. Tảo chlorella chứa nhiều chất đạm, vitamin, phốt pho, canxi, magie, kẽm,… Chlorellin, auxin, cytokinin, gibberellin, carotenoids có trong Chlorella giúp kháng bệnh, kích thích rễ, chồi, ra hoa, kết trái, tăng năng suất. Vì vậy, tảo Chlorella được sử dụng trong thực phẩm, y học, thức ăn thủy sản, sản xuất phân bón, nhiên liệu sinh học,…
Tảo Spirulina (tảo xoắn) được biết đến như một loại thực vật siêu dưỡng chất do có hàm lượng protein và vitamin dồi dào và một lượng lớn kali, magie, đồng, sắt, lysin, threonin,… Tảo xoắn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống ung thư, giảm nguy cơ tăng huyết áp, phòng ngừa đột quỵ, kiểm soát đường huyết, tăng cường hệ miễn dịch,…
Tại Việt Nam, mô hình nuôi trồng tảo đã xuất hiện hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do điều kiện nuôi trồng có nhiều yêu cầu khắt khe, chi phí đầu tư cao, nên đa số các mô hình nuôi tảo đều nhỏ lẻ và tự phát. Phần lớn các sản phẩm từ tảo trên thị trường đều được nhập khẩu với giá thành cao (khoảng 35 USD/kg tảo xoắn khô).
Tại sự kiện “Kết nối ý tưởng” với chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất tảo lam”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM (thuộc Sở KH&CN TPHCM) tổ chức ngày 22/10, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tìm kiếm công nghệ sản xuất tảo lam phù hợp để áp dụng, tạo ra thêm các sản phẩm đặc thù, giá trị cao như thức ăn cho thủy sản hay thực phẩm chức năng.
Đáp lại, một số trường đại học và viện nghiên cứu đã giới thiệu những mô hình nuôi tảo lam mới của mình để các doanh nghiệp tham khảo.
Cụ thể, PGS. TS Trịnh Văn Dũng, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết, ông và cộng sự đã phát triển một thiết bị nuôi tảo kiểu Bioreactor (lò phản ứng sinh học) dạng ống nhiều tầng, gồm nhiều mô-đun giống nhau được kết nối thành hệ thống. Giải pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Trong khi đó, đại diện của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, chia sẻ, Trung tâm đã xây dựng được quy trình trồng tảo xoắn Spirulina platensis trong hệ thống ống kín vận hành tự động và đảm bảo tiêu chuẩn để chế biến thực phẩm chức năng. Hệ thống đo và giám sát tự động các thông số công nghệ như nhiệt độ, pH…, có thể nối ghép thành hệ thống nhiều mô-đun tùy theo nhu cầu sản xuất, do đó tiết kiệm chi phí nhân công lao động.
Viện Công nghệ xuất nhập khẩu ASEAN thì nuôi tảo trong những bể composite ngoài trời, có nắp đậy, với hệ thống bơm nước, sục khí, kiểm tra đảm bảo nguồn sáng, độ pH,… trong suốt quá trình nuôi. Đại diện của Viện cho biết, Viện thực hiện một quy trình khép kín từ nuôi trồng đến thu hoạch, chế biến, đóng gói thành các sản phẩm cuối cùng (tảo xoắn bột, nước uống từ tảo, tảo mật ong).
Đăng số 1315( số43/2024) KH&PT