Điều đó có thể cho thấy cần cải thiện nhiều vấn đề trong văn hóa làm việc ở môi trường học thuật.
Rời bỏ phòng thí nghiệmMột nghiên cứu gần đây khảo sát dữ liệu 400.000 nhà khoa học ở 38 quốc gia thì một phần ba trong số đó dừng sự nghiệp học thuật trong vòng 5 năm sau khi viết bài báo đầu tiên và gần một nửa bỏ nghề trong vòng 10 năm sau khi bắt đầu sự nghiệp.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Higher Education, đã sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu trích dẫn Scopus để theo dõi sự nghiệp xuất bản học thuật của các nhà khoa học.
Nghiên cứu cũng phát hiện thấy phụ nữ có nhiều khả năng ngừng việc hơn nam giới, và có khác nhau giữa các ngành học.
Theo Marek Kwiek, đồng tác giả nghiên cứu, một nhà nghiên cứu sự nghiệp học thuật tại Đại học Adam Mickiewicz ở Poznań, Ba Lan, "Trước đó, chúng ta luôn nghĩ và biết rằng có nhiều nhà khoa học bỏ nghề, nhưng vẫn chưa biết rõ quy mô bỏ nghề ở mức nào. Nghiên cứu này là nỗ lực lớn nhất nhằm định lượng số nhà khoa học bỏ nghề - các nghiên cứu trước đây có phạm vi hạn chế và chủ yếu tập trung vào khoa học ở Mỹ."
Với dữ liệu về các nhà khoa học đến từ các nước phát triển, bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các quốc gia trên khắp châu Âu đến từ 16 ngành khoa học, nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong vòng 5 năm, một phần ba số nhà khoa học trong nhóm bắt đầu xuất bản bài báo vào năm 2000 đã ngừng xuất bản. Con số nhà khoa học bỏ nghề tăng lên một nửa trong vòng mười năm.
Phụ nữ có khả năng bỏ nghề khoa học cao hơn nam giới khoảng 12% sau năm hoặc mười năm. Đến năm 2019, chỉ có 29% phụ nữ trong nhóm vẫn tiếp tục xuất bản, so với gần 34% nam giới.
Nhóm bắt đầu xuất bản vào năm 2010 cho thấy khoảng cách giới hẹp hơn: khoảng 41% phụ nữ và 42% nam giới vẫn tiếp tục xuất bản vào chín năm sau bài báo đầu tiên.
Damani White-Lewis, một nhà nghiên cứu giáo dục đại học và sự nghiệp học thuật tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cho biết sự cải thiện này rất hứa hẹn, cho thấy có sự tiến bộ trong môi trường học thuật phù hợp hơn cho giới nữ.
Nhưng trong một số ngành khoa học - đặc biệt là khoa học sự sống - có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ. Ví dụ, đối với phụ nữ trong ngành sinh học, khả năng bỏ nghề sau mười năm là 58%; đối với nam giới, con số này là gần 49%. Còn những ngành như Vật Lý, khả năng bỏ nghề sau mười năm của nữ (khoảng 48%) cũng gần tương đương với nam giới (47%).
Cũng có sự khác biệt về giới đối với các lĩnh vực như toán học, kỹ thuật và khoa học máy tính - tất cả các lĩnh vực mà phụ nữ có xu hướng ít tham gia nghiên cứu từ trước.
Lý do bỏ nghề
Cho đến giờ, thông qua một vài nghiên cứu gần đây, giới nghiên cứu cũng chỉ mới bắt đầu biết được lý do các nhà khoa học bỏ nghề ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, ngoài ra chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về lý do rời bỏ môi trường học thuật ở các nước khác, nhất là các nước đang phát triển.
Chẳng hạn, trong một nghiên cứu năm 2023, cũng của White-Lewis và các cộng sự, đã phân tích quyết định rời đi của 773 giảng viên tại các cơ quan nghiên cứu của Mỹ từ năm 2015 đến năm 2019 và phát hiện ra rằng lý do gia đình, tình trạng công tác và mức lương là những động lực quan trọng thúc đẩy quyết định rời bỏ môi trường học thuật.
Trong một nghiên cứu vào tháng 10 năm ngoái, đăng trên tạp chí Science Advances, để tìm hiểu tỷ lệ nghỉ việc tại các cơ sở nghiên cứu của Mỹ, phân tích hồ sơ việc làm của 245.270 người giữ các vị trí chính thức (bao gồm giáo sư và phó giáo sư) hoặc vị trí theo hợp đồng có thời hạn, từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả, phụ nữ có nguy cơ bỏ nghề khoa học cao hơn nam giới ở tất cả các giai đoạn sự nghiệp cũng như ít được cất nhắc thăng tiến hơn.
Còn ở Úc, một nghiên cứu trên 658 nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp, đăng tin trên tạp chí Nature vào năm 2020 cho thấy với những nhà nghiên cứu quyết định rời bỏ công việc, đam mê cũng không cứu vãn được những vấn đề liên quan đến môi trường công việc đảm bảo và kinh phí nghiên cứu.
Dù các nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc khảo sát cho biết họ yêu thích công việc của mình nhưng cũng có 31.9% cảm thấy không hài lòng với văn hóa làm việc. Một nửa các nhà nghiên cứu tham gia khảo sát cho biết họ muốn nghỉ vì thấy thiếu sự đảm bảo trong công việc. Trong khi đó, 28% nhà nghiên cứu trả lời rằng thiếu kinh phí cho nghiên cứu là căn nguyên chính.
Trước đó nữa, một khảo sát ở Anh do Quỹ Wellcome, một cơ quan tài trợ nghiên cứu lớn, thực hiện trên 4000 nhà nghiên cứu cũng cho thấy dù các nhà nghiên cứu rất đam mê và tự hào về công việc của mình nhưng cảm thấy công việc không được đảm bảo. Văn hóa nghiên cứu còn chưa tốt, mức độ cạnh tranh trong môi trường học thuật quá cao khiến cho điều kiện làm việc gây căng thẳng, còn có hiện tượng bắt nạt trong môi trường nghiên cứu và một nửa số nhà nghiên cứu từng lo âu, trầm cảm hoặc muốn được trợ giúp tâm lý.
Trên thực tế, các số liệu này có thể chưa cho biết hết bức tranh môi trường học thuật. Đơn cử, khoảng cách giới trong nghiên cứu có thể lớn hơn dữ liệu xuất bản mà nhóm nghiên cứu thu thập được vì lịch sử giới học thuật cũng đã cho thấy nhiều khi phụ nữ không được công nhận là cộng tác viên, không xuất hiện tên trong xuất bản phẩm của các công trình nghiên cứu.
“Chúng ta chưa thể biết chính xác điều gì đã xảy ra, nếu không có các cuộc phỏng vấn”, Kwiek nói. Do đó, Kwiek dự kiến tới đây sẽ tiến hành các cuộc khảo sát quy mô lớn và sử dụng cả trí tuệ nhân tạo để tiến hành các cuộc phỏng vấn nhằm tìm hiểu lý do tại sao các nhà nghiên cứu rời bỏ nghề.
Dẫu sao, những kết quả này cũng cho thấy nhiều điều phải cải thiện trong mô trường học thuật. “Kết quả [nghiên cứu của Wellcome] vẽ nên một bức tranh gây sốc về môi trường nghiên cứu – và tất cả chúng ta phải chung tay thay đổi. Áp lực khi làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu phải được tất cả các bên, từ các nhà tài trợ, đến các nhà lãnh đạo nghiên cứu và đến các hiệu trưởng trường đại học và tổ chức, công nhận và hành động”, Jeremy Farrar, Giám đốc Quỹ Wellcome từng phát biểu sau khi công bố kết quả nghiên cứu này.
Nguồn: nature.com,wellcome.org
Đăng số 1313 (số 41/2024) KH&PT