Bản đồ 3D hoàn chỉnh về bầu trời sẽ hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu vật chất tối và năng lượng tối, vốn chiếm 96% vũ trụ nhưng đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Euclid là kính viễn vọng góc rộng do Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA xây dựng và vận hành, được phóng vào không gian trên tên lửa SpaceX Falcon 9 vào ngày 1/7/2023. Nhiệm vụ tối thượng của nó là tạo ra bản đồ 3D của 1/3 bầu trời với máy ảnh 600 megapixel trongsáu năm quan sát hàng tỷ thiên hà cách xa chúng ta tới mười tỷ năm ánh sáng. Đây sẽ là bản đồ vũ trụ lớn nhất từng được thực hiện.
Vào tháng 11 năm ngoái và tháng Năm năm nay, chúng ta lần đầu tiên có cơ hội chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp do Euclid chụp được. Và ngày 15/10 vừa qua, tại Đại hội Du hành vũ trụ quốc tế tại Milan (Ý), ESA đã chính thức công bố phần đầu tiên của bản đồ vũ trụ, ghép từ 260 bức ảnh bầu trời phương nam do Euclid chụp từ ngày 25/3 – 8/4/2024. Sản phẩm cuối cùng là hình ảnh 208 gigapixel, cho thấy hàng chục triệu ngôi sao trong dải Ngân hà, cũng như 14 triệu thiên hà khác với độ chi tiết đáng kinh ngạc.
“Đây chỉ là 1% của tấm bản đồ [hoàn chỉnh], tuy nhiên nó cung cấp nhiều thông tin giúp các nhà khoa học khám phá ra những cách mới để mô tả vũ trụ,” theo Valeria Pettorino, nhà khoa học trong dự án Euclid tại ESA.
Euclid có biệt danh là “thám tử vũ trụ tối” bởi nhiệm vụ của nó là khám phá sự thật về những hiện tượng ít được biết tới như năng lượng tối và vật chất tối. Các nhà khoa học giả thuyết rằng năng lượng tối là nguyên nhân đằng sau sự giãn nở ngày càng tăng của vũ trụ, nhưng chi tiết về các thành phần “tối” của vũ trụ vẫn còn là điều bí ẩn.
Cuộc khảo sát của Euclid. Nguồn: ESA
Nhằm làm sáng tỏ những khái niệm này, Euclid sẽ chụp ảnh hàng loạt thiên hà. Vật chất tối sẽ bẻ cong ánh sáng từ những thiên hà xa xôi nhất theo thời gian, do đó các nhà khoa học có thể truy ngược từ các quan sát của Euclid để tìm ra vật chất tối nằm ở đâu. Bằng cách theo dõi sự phân bố của các thiên hà trong suốt lịch sử vũ trụ, kính Euclid cũng có thể hé lộ nhiều thông tin hơn về năng lượng tối.
Các nhà thiên văn học có thể phóng to bức ảnh ghép lên 600 lần so với bức ảnh gốc mà vẫn nhìn thấy các thiên thể chi tiết một cách kinh ngạc. Euclid đã làm rõ cấu trúc của thiên hà xoắn ốc ESO 364-G036, cách Trái đất khoảng 420 triệu năm ánh sáng và chiếm chưa đến 0,0003% phần vũ trụ được lập bản đồ.
Không chỉ vậy, Euclid còn lần đầu tiên chụp được một hiện tượng ngoạn mục khác là “mây ti thiên hà” hay hỗn hợp khí và bụi thiên hà hình thành nên những đám mây mờ giữa các ngôi sao trong dải Ngân hà và phản chiếu ánh sáng quang học từ dải Ngân hà. Giống như những đám mây ti mỏng manh trên Trái đất, hiện tượng này xuất hiện như các vệt màu xanh dương nhạt trong bức ảnh.
Nguồn:
Phương Anh