Charles Darwin nằm trong số những người đánh giá thấp khả năng khứu giác của con người, cho rằng nó khá chậm chạp và không đem lại nhiều lợi ích. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy khứu giác của chúng ta không hề tầm thường.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Một thách thức lớn trong việc nghiên cứu khứu giác, theo TS Wen Zhou - đồng tác giả của nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, là rất khó tạo ra một hệ thống thí nghiệm cho phép các chất có mùi khác nhau được cung cấp theo một trình tự chính xác trong cùng một lần hít thở.
Tuy nhiên, trong bài báo đăng trên tạp chí Nature Human Behaviour, Zhou và các đồng nghiệp đã mô tả cách họ tạo ra một thí nghiệm như vậy. Cụ thể, hai chai chứa các mùi khác nhau được nối với mũi người tham gia thông qua các ống có độ dài khác nhau, cho phép hai mùi hương lan đến mũi họ tại những thời điểm khác nhau trong một lần hít thở, với độ chính xác lên tới 18 ms (1 ms = 1 phần nghìn của giây.) Những ống này có các van nhỏ tự động mở ra khi người tham gia hít thở.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm với 229 người tham gia.
Trong một thí nghiệm, người tham gia được tiếp xúc với một mùi giống như táo và một mùi hoa, một mùi đi qua ống ngắn hơn và sẽ đến mũi khoảng 120-180ms trước mùi còn lại. Người tham gia sau đó được yêu cầu hít thở vào thiết bị hai lần và cho biết liệu thứ tự của các mùi có giống nhau hay đã bị đảo ngược.
Nhóm nghiên cứu phát hiện người tham gia trả lời đúng trong 597 trên tổng số 952 lần thử nghiệm (khoảng 63%), và kết quả tương tự khi 70 người tham gia khác thực hiện thí nghiệm tiếp theo với hai mùi giống như chanh và hành.
Các thử nghiệm tiếp theo nữa, với những người có kết quả tốt trong các lần thử nói trên, cho thấy người tham gia có thể nhận biết mùi nào đến mũi trước ngay cả khi hai mùi đến mũi cách nhau chỉ khoảng 40-80ms. Nhóm nghiên cứu cho biết khoảng cách thời gian này ngắn hơn khoảng 10 lần so với những gì từng được cho là là cần thiết để con người phân biệt hai mùi đến vào hai thời điểm khác nhau.
Tuy nhiên, trong khi người tham gia có thể nhận ra các mùi đã thay đổi khi thứ tự của mùi được đảo, họ vẫn gặp khó khăn trong việc xác định mùi nào thực sự đến trước.
“Nhìn chung, khả năng phân biệt hai hỗn hợp mùi không phụ thuộc vào việc nhận ra chính xác thứ tự của các thành phần,” Zhou nói. “Thay vào đó, khả năng này ở người dường như được thúc đẩy bởi một cơ chế hoạt động nhanh hơn nhiều so với cơ chế nhận dạng lần lượt các thành phần mùi cấu thành.”
Nguồn:
Ngọc Đỗ