Các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, New York, phát hiện mỗi lần mang thai có thể làm tăng tốc độ lão hóa ở phụ nữ từ hai đến ba tháng.
Các tác giả xem xét lịch sử sinh sản và các mẫu DNA từ 1.735 người, trong đó có 825 phụ nữ trẻ, tham gia vào khảo sát sức khỏe liên tục trong thời gian dài ở Philippines để tìm hiểu ảnh hưởng của việc mang thai đối với quá trình lão hóa.
Họ tính toán tuổi sinh học của người tham gia bằng cách sử dụng sáu “đồng hồ biểu sinh” khác nhau – đây là các công cụ di truyền xác định tuổi sinh học dựa trên các kiểu hình của quá trình methyl hóa DNA.
Nghiên cứu phát hiện mỗi một lần mang thai liên quan tới lão hóa sinh học nhanh hơn từ 2 đến 3 tháng. Những người mang thai nhiều lần hơn trong thời gian theo dõi sáu năm xuất hiện tình trạng lão hóa sinh học tăng nhanh hơn trong thời gian đó.
Mối quan hệ giữa mang thai và lão hóa sinh học vẫn tồn tại ngay cả khi các tác giả xét tới địa vị xã hội, hút thuốc, biến đổi di truyền và môi trường nhân tạo xung quanh người tham gia.
Trong khi đó, các tác giả không phát hiện tình trạng lão hóa sinh học gia tăng ở 910 người đàn ông cùng độ tuổi trong cùng khảo sát sức khỏe có vợ mang thai.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of National Academy of Sciences.
Calen Ryan, tác giả chính của nghiên cứu và là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm lão hóa Columbia, nói: “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy việc mang thai đẩy nhanh tốc độ lão hóa sinh học, và những tác động này rõ rệt ở phụ nữ trẻ, có khả năng sinh sản cao. Các kết quả này cũng là kết quả đầu tiên theo dõi cùng đối tượng phụ nữ qua thời gian, tìm ra mối liên hệ giữa số lần mang thai của phụ nữ với những thay đổi trong tuổi sinh học của họ”.
Các tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu mức độ lão hóa biểu sinh tăng nhanh ở phụ nữ mang thai sẽ biểu hiện thế nào dưới dạng sức khỏe kém hay tử vong trong nhiều thập niên về sau.
Nguồn:
Phương Anh