Một nghiên cứu mới cho thấy ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, ngay cả khi bạn ăn uống lành mạnh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy rằng ngủ đủ giấc rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 là một tình trạng mãn tính xuất hiện khi cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone insulin hoặc không thể sử dụng đúng cách. Insulin giúp lượng glucose trong máu di chuyển vào trong các tế bào của cơ thể để lấy năng lượng. Sự thiếu hụt insulin có thể khiến lượng glucose trong máu tăng lên, theo thời gian dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Diana Aline Nôga, chuyên khoa thần kinh tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết: “Nghiên cứu trước đây, bao gồm cả nghiên cứu đoàn hệ như của chúng tôi và nghiên cứu thực nghiệm, đã chứng minh rằng thời gian ngủ ngắn lặp đi lặp lại có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2”.
Bà cho biết thêm, điều mà nghiên cứu làm rõ là mối liên hệ giữa thiếu ngủ và bệnh đái tháo đường tuýp 2 vẫn tồn tại ngay cả ở những người ăn uống lành mạnh.
Tiến sĩ Jing Wang - giám đốc lâm sàng của Trung tâm Giấc ngủ Tích hợp Mount Sinai, phó giáo sư chuyên khoa hô hấp, hồi sức, và thuốc ngủ tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, TP New Yorrk - cho biết tầm quan trọng của giấc ngủ không phải lúc nào cũng nhận được sự quan tâm đúng mức, nhưng điều đó sẽ thay đổi vì kết quả của nghiên cứu mới này.
Bà cho biết thêm : “Tôi nghĩ đó là điều mà trong những năm gần đây đã thực sự nâng cao nhận thức của công chúng và khoa học”.
Các nhà nghiên cứu đã lấy dữ liệu về 247.000 người được thu thập từ năm 2006 đến năm 2010 cho ngân hàng sinh học Biobank của Vương quốc Anh, một cơ sở dữ liệu y sinh rộng lớn.
Người tham gia được chia thành các nhóm dựa trên việc họ ngủ từ bảy đến tám, sáu, năm, hay ba đến bốn giờ mỗi ngày.
Thói quen ăn uống của họ cũng được phân tích và xếp hạng họ theo thang điểm từ 0 (không lành mạnh nhất) đến 5 (lành mạnh nhất). Việc xếp hạng dựa trên việc người tham gia có thường xuyên ăn thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, trái cây, rau và cá hay không.
Người tham gia được theo dõi trong thời gian trung bình là 12,5 năm để nghiên cứu mối quan hệ giữa giấc ngủ kém, chế độ ăn uống và sự phát triển của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
“Phân tích này kiểm soát các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn như tuổi tác, giới tính, tình trạng kinh tế xã hội, [và] tần suất các triệu chứng mất ngủ, cùng những yếu tố khác,” Tiến sĩ Nôga cho biết.
Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc ăn uống lành mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở những người tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn sáu giờ mỗi ngày.
Mặc dù nhiều nghiên cứu khác cũng liên hệ tình trạng thiếu ngủ với bệnh đái tháo đường tuýp 2, Tiến sĩ Nôga cho rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng để nói rằng thiếu ngủ gây ra tình trạng này.
Giới chuyên môn lưu ý một số hạn chế của nghiên cứu, bao gồm cả việc chỉ có người tham gia là người da trắng và không kiểm tra các chế độ ăn uống cụ thể, chẳng hạn như nhịn ăn gián đoạn hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải, ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở những người có thói quen ngủ khác nhau.
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này chỉ ra có nhiều cách để giữ sức khỏe hơn là chỉ ăn kiêng và tập thể dục.
“Giấc ngủ, chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục là nền tảng cho sức khỏe và thể trạng tốt. Chế độ ăn kiêng và tập thể dục không thể đạt được kết quả tối ưu nếu chất lượng hoặc số lượng giấc ngủ không đủ,” theo Giáo sư Nancy Foldvary-Schaefer, giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ và giáo sư thần kinh tại Cleveland Clinic. “Giấc ngủ kém chất lượng dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể vào ban ngày, [có thể kéo theo] thành tích học tập kém, mâu thuẫn và sai sót tại nơi làm việc, khó khăn về sức khỏe tâm thần và tai nạn xe cộ”.
Không chỉ đái tháo đường tuýp 2 mà một số bệnh lý khác cũng liên quan đến giấc ngủ kém chất lượng. “Nhiều dạng bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì và rối loạn hệ thần kinh trung ương hiện có liên quan đến giấc ngủ kém,” Giáo sư Foldvary-Schaefer cho biết.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng họ có thể hoạt động tốt nhất khi bị thiếu ngủ, “chỉ có 1 đến 2% dân số được xác định về mặt di truyền là có thể ngủ ít hơn,” bà nói thêm.
Mặc dù giấc ngủ có mối liên hệ với những hậu quả tiêu cực về sức khỏe, nhưng cứ ba người Mỹ trưởng thành thì có đến một người không ngủ đủ giấc, bà lưu ý và nhấn mạnh, một người trưởng thành bình thường nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày, tùy vào hoàn cảnh riêng.
Nếu bạn cho rằng mình đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn không cảm thấy khoẻ sau khi thức dậy, Tiến sĩ Wang khuyên bạn nên trao đổi với bác sĩ về nguyên nhân làm giảm chất lượng giấc ngủ. “Nếu bạn ngủ đủ 9 tiếng nhưng bị chứng ngưng thở khi ngủ, bạn vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy,” bà giải thích.
Do tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, các nhà nghiên cứu khuyên chúng ta nên thiết lập ngay nếp ngủ lành mạnh, nếu hiện tại chúng ta chưa có.
“Giấc ngủ phục vụ các chức năng quan trọng giúp phục hồi cơ thể và bộ não của chúng ta sau một ngày làm việc mệt mỏi,” Giáo sư Foldvary-Schaefer nói. “Nó giúp thiết lập lại một cách hiệu quả mọi tế bào của cơ thể và não bộ của chúng ta.”
Nguồn: