Trong một nghiên cứu, trung bình các tình nguyện viên cảm thấy già đi bốn tuổi khi họ bị hạn chế chỉ được ngủ bốn giờ mỗi đêm trong hai đêm liên tiếp.

Tiến sĩ Leonie Balter - nhà nghiên cứu tâm lý thần kinh miễn dịch tại Viện Karolinska, Stockholm và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Giấc ngủ tác động lớn đến việc bạn cảm thấy bao nhiêu tuổi. Ngay cả khi bạn chỉ ngủ ít hơn trong hai đêm, điều đó cũng ảnh hưởng đến cảm giác của bạn.”

Theo Balter, ngoài việc cảm thấy già nua hơn, nhận thức về việc già đi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người bằng cách giảm cảm giác thèm ăn, khuyến khích việc ăn uống không lành mạnh, giảm tập thể dục và ngại tham gia vào những trải nghiệm mới.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện hai nghiên cứu. Trong cuộc khảo sát đầu tiên, 429 người từ 18 đến 70 tuổi trả lời các câu hỏi về việc họ cảm thấy bao nhiêu tuổi sau khi bị mất ngủ.

Kết quả, đối với mỗi ngày thiếu ngủ, các tình nguyện viên cảm thấy trung bình già đi ba tháng. Trong khi những người đã ngủ ngon giấc suốt một tháng cảm thấy trung bình trẻ hơn gần sáu tuổi so với tuổi thật của họ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chiều hướng ngược lại, cảm giác già đi có làm mất ngủ hay không.

Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu hỏi 186 tình nguyện viên từ 18 đến 46 tuổi về việc họ cảm thấy bao nhiêu tuổi sau hai đêm ngủ đủ giấc và hai đêm thiếu ngủ. Sau hai đêm chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm, những người tham gia cảm thấy trung bình già hơn 4,44 tuổi so với khi họ ngủ đủ giấc.

Tiến sĩ Serena Sabatini - nhà tâm lý học tại Đại học Surrey, người không tham gia vào nghiên cứu, gọi kết quả này là “đầy hứa hẹn”, nhưng vẫn cần điều tra thêm.

Bà nói: “Nghiên cứu này cho chúng ta biết rằng một đêm mất ngủ có thể ảnh hưởng đến cảm giác của chúng ta vào ngày hôm sau, nhưng những tác động tích lũy của việc mất ngủ trong nhiều tháng và nhiều năm là gì?”

Tiến sĩ Iuliana Hartescu - giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Đại học Loughborough, người cũng không tham gia vào nghiên cứu, cho biết chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với các hành vi lối sống hằng ngày của chúng ta và cuối cùng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

“Giấc ngủ là một hành vi có thể sửa đổi được và có ảnh hưởng rõ rệt ngay lập tức đến sức khỏe. Những ảnh hưởng của chế độ ăn uống kém và hoạt động thể chất thấp cần một thời gian để nhận thấy. Nhưng ảnh hưởng của một đêm thiếu ngủ có thể được phản ánh ngay vào sáng hôm sau,” bà nói.

Nếu bạn muốn cảm thấy trẻ trung và năng động, hãy cố gắng bảo vệ giấc ngủ và cải thiện chất lượng chất ngủ của mình.

Nguồn: