Hàng thập niên qua, các nhà tâm lý học không ngừng tranh cãi về chuyện thứ tự ra đời của đứa trẻ sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc định hình tính cách của chúng. Giờ đây, có thể đã đến lúc chúng ta từ bỏ lý thuyết phổ biến này.

Bạn là người con cả đầy trách nhiệm, hay đứa con giữa không được để ý, hoặc con út được tự do bay nhảy? Với những ai tán thành lý thuyết thứ tự sinh ảnh hưởng tới tính cách, đáp án cho câu hỏi trên có thể là yếu tố quyết định bạn là người thế nào. Tại các buổi liên hoan, trong bữa tối gia đình sum vầy và những buổi trị liệu, mọi người có thể sử dụng thứ tự sinh làm lời giải thích ngắn gọn cho các đặc điểm tính cách: có lẽ là tính ích kỷ của con một, hoặc cuộc vật lộn hòng được nhìn nhận của đứa con giữa.

Tuy nhiên, dù kinh nghiệm cá nhân của bạn có thể chỉ ra rất rõ rằng thứ tự sinh hình thành nên tính cách, song các nhà tâm lý học lại tỏ ra không tán thành. Sau đây là lý do vì sao đã tới lúc chúng ta cần từ bỏ những khuôn mẫu này.

Nguồn gốc của thuyết tâm lý về thứ tự sinh


Quan điểm thứ tự sinh ảnh hưởng tới tính cách của trẻ đã xuất hiện từ thuở xa xưa. Tựu chung, có nhiều xã hội khác nhau từ lâu đã trao đặc quyền (hoặc không) cho con người dựa trên thứ bậc của họ trong gia đình.

Chẳng hạn, trong nhiều xã hội cổ đại, đứa con đầu lòng ra đời đồng nghĩa với việc cha mẹ họ trở thành người chủ gia đình, và người con cả thường có địa vị xã hội cao hơn. Nó cũng dẫn tới nảy sinh những nghi lễ như lễ tắm đặc biệt cho người lần đầu làm mẹ ở Micronesia – một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, và nghi lễ pidyon haben truyền thống trong đạo Do Thái, diễn ra khi đứa trẻ được 30 ngày tuổi, trong lễ này người cha sẽ “chuộc tội” cho đứa con trai đầu lòng bằng cách trả năm đồng bạc cho linh mục.

Thứ tự sinh từ lâu cũng quyết định quyền thừa kế và danh sách kế thừa ngai vàng, như trong nền quân chủ Vương quốc Anh từ xưa đã yêu cầu người nối ngôi là con cả, đồng thời sẽ có một hoặc một vài người khác nằm trong danh sách dự bị, phòng trường hợp có điều bất trắc xảy ra với người kế vị.

Thế nhưng, lý thuyết tâm lý học về thứ tự sinh phải mãi tới đầu thế kỷ 20 mới phát triển, khi nhà tâm lý học Alfred Adler đưa ra giả thuyết cho rằng thứ tự sinh không chỉ ảnh hưởng tới địa vị xã hội mà còn cả sự phát triển và tính cách của đứa trẻ. Adler được mệnh danh là cha đẻ của tâm lý học cá nhân, ông cho rằng “hệ thống gia đình” của một cá nhân dẫn tới những đặc điểm tính cách có thể dự đoán được. “Vị trí trong gia đình để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lối sống của mỗi cá nhân”, Adler viết vào năm 1931.

.
.

Theo Adler, khi người em ra đời, người con cả không còn được cha mẹ toàn tâm toàn ý chăm lo nữa – và kết quả là họ trở nên bất ổn, có khuynh hướng bảo thủ, và thường hay bắt chước người lớn tuổi hơn. Đứa con giữa là kẻ cạnh tranh tước đoạt sự chú ý của cha mẹ, còn con út được nuông chiều và lười biếng. Cuối cùng, ông đưa ra lý thuyết rằng những ai là con một trong gia đình lại có “phức cảm người mẹ” và cạnh tranh với người cha.

Adler nổi tiếng với các bài giảng quốc tế, sách tâm lý học cùng nhiều kỹ thuật trị liệu tâm lý. Ảnh hưởng của ông vẫn vang vọng khắp lĩnh vực tâm lý học – và kết quả là nhiều thế hệ nhà tâm lý học đã tiến hành nghiên cứu để cố gắng chứng minh thuyết thứ tự sinh mà ông đề xướng.

Nghiên cứu cho thấy điều gì?

Nhiều nghiên cứu được thực hiện kể từ thời Adler đã tìm thấy mối liên hệ giữa thứ tự sinh và mọi thứ, từ trình độ học vấn tới xu hướng tính dục, cho đến thành công của người con giữa trong các đội thể thao.

Frank Sulloway là một trong những người ủng hộ hiện đại nổi tiếng nhất của thuyết này. Ông đã quan sát người trưởng thành cùng sự nghiệp của họ trong những năm 1990 và 2000 nhằm đánh giá ảnh hưởng của thứ tự sinh. Ông phát hiện những nhà khoa học nổi tiếng là con cả có khuynh hướng nghiên cứu bảo thủ, còn những nhà khoa học nổi tiếng là con thứ thường có hướng nghiên cứu cấp tiến hơn, chẳng hạn như thuyết tiến hóa và thuyết tương đối. Ông cũng tìm thấy điểm khác biệt giữa các chiến lược quân sự và chính trị giữa những người con đầu lòng như Maximilien Robespierre và các phương pháp ôn hòa, không bạo lực của những người con giữa nổi tiếng khác.

Tuy nhiên, các nghiên cứu phù hợp nhất để áp dụng cho quá trình phát triển tính cách đều xem xét năm đặc điểm tính cách lớn gồm tính cởi mở, chu đáo, hướng ngoại, dễ mến và tâm lý bất ổn. Và nhiều nghiên cứu về thứ tự sinh gần đây đã dội gáo nước lạnh vào thuyết cho rằng thứ tự sinh có thể định hình tính cách của chúng ta.

Phó giáo sư tâm lý học Rodica Damian tại Đại học Houston đã thực hiện một trong những nghiên cứu lớn nhất vào năm 2015, sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu theo thời gian trên 440.000 học sinh cấp III ở Mỹ. Sau khi kiểm soát các yếu tố như tình trạng kinh tế-xã hội, giới tính và tuổi tác, nghiên cứu cho thấy “mối liên hệ giữa thứ tự sinh và các đặc điểm tính cách gần như bằng không”.

Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cũng khẳng định các phát hiện của Damian: sau khi phân tích ba mẫu đại diện trên toàn quốc từ Mỹ, Anh và Đức, các nhà nghiên cứu cho biết “chúng tôi liên tục phát hiện thứ tự sinh không có tác động nào lên tính hướng ngoại, độ ổn định cảm xúc, tính dễ mến, tính chu đáo hay trí tưởng tượng”.

Nhưng cả hai nhóm nghiên cứu đều phát hiện bằng chứng cho một đặc điểm: đứa con cả nhiều khả năng có trí tuệ ngôn ngữ cao hơn một chút.

Điều này không nhất định có nghĩa rằng con cả thông minh hơn hay học tập dễ dàng hơn. Nhiều khả năng là vì con cả có nhiều thời gian ở bên cha mẹ trong thời thơ ấu hơn – Damian chỉ ra trong nghiên cứu của mình là sự khác biệt này chỉ là một điểm IQ.

Khoa học chứng minh thứ tự sinh không định hình tính cách. Nguồn: GettyImages
Khoa học chứng minh thứ tự sinh không định hình tính cách. Nguồn: GettyImages

Điều gì thực sự tạo nên tính cách?

Tuy về cơ bản, nhiều nhà khoa học hiện đại đã làm sáng tỏ thuyết thứ tự sinh không ảnh hưởng tới tính cách, song không vì thế mà lý thuyết này mất đi chỗ đứng của mình. Lý do là vì chúng ta luôn có thể là con cả, con giữa, con út, hoặc con một. Phần nào trải nghiệm của chúng ta dường như luôn ủng hộ thuyết này. Những người con lớn hơn dường như sẽ luôn có trách nhiệm và tinh tế hơn các đứa em, bởi vì họ trưởng thành hơn về mặt tinh thần.

Thực tế, khoa học về phát triển tính cách vẫn chưa đi đến hồi ngã ngũ. Nghiên cứu hiện đại sử dụng các cặp sinh đôi cho thấy sự hình thành tính cách có khoảng 40% là do di truyền. Phần còn lại có thể là sự kết hợp phức tạp giữa môi trường và thực hành văn hóa giúp hình thành tâm tính của chúng ta.


Nguồn:

nationalgeographic

Bài đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT