Mở công ty có thể đáng sợ. Có rất nhiều điều cần xem xét, rất nhiều quyết định có thể trở nên sai lầm. Nhưng những người có mong muốn khởi nghiệp không cần phải quá sợ hãi, nếu họ được chuẩn bị để sẵn sàng vượt qua từng chặng đường rủi ro - theo TS. Ramesh Ramachandra (Singapore).

TS. Ramesh Ramachandra giới thiệu cuốn sách "Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt" phiên bản tiếng Việt năm 2024. Ảnh: R.R.
TS. Ramesh Ramachandra giới thiệu cuốn sách "Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt" phiên bản tiếng Việt năm 2024. Ảnh: R.R.

Trong cuốn sách The Big Jump in entrepreneurship, mới được xuất bản bằng tiếng Việt dưới tên “Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt”, tác giả Ramesh Ramachandra đã hướng dẫn những bước đi như vậy, đặt trong bối cảnh giải thích hài hước và dễ hiểu về xã hội xung quanh. Bản thân Ramachandra là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty về văn hóa doanh nghiệp và thay đổi tư duy Talent Leadership Crucible, có trụ sở ở Singapore.

Bà bắt đầu bằng việc xem xét xã hội Singapore hồi những năm 2000, khi thái độ sợ rủi ro vẫn đang chiếm ưu thế, do đó không nhiều người nghĩ đến “khởi nghiệp”. Văn hóa châu Á và những di sản của thời thuộc địa khiến mọi người có xu hướng “tìm một công việc” để ổn định và thăng tiến hơn là dấn thân vào hoạt động “kinh doanh” đầy rủi ro.

Mặc dù những doanh nhân khởi nghiệp công nghệ (techno-entrepreneurship) đã xuất hiện và được truyền thông chú ý, nhưng đó đều là những người phải tự vật lộn để thành công và không nhận được nhiều chỉ dẫn kinh doanh mà họ thực sự cần. Ramesh nhận xét, trong số những người cố vấn kinh doanh - bao gồm nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm, ngân hàng, luật sư, chuyên gia v.v - không có ai đóng tốt vai trò mentor để dẫn dắt tư duy và định hướng cho những doanh nghiệp này.

TS. Ramesh đặt câu hỏi rằng nếu những nhóm tinh hoa nhất - bao gồm các học giả (academics) và những chuyên gia kỹ thuật (technocrats) - còn chưa khởi động một công ty và hoạt động có lãi, thì làm sao những người thông thường có thể làm được? Sự chần chừ của họ này khiến người ta có ấn tượng rằng việc kinh doanh thực sự rất khó khăn và phức tạp. Ramesh muốn đảo ngược lại quan điểm đó.

Cuốn sách của TS. Ramesh là một cuốn sách “how-to” tương đối dễ hiểu. Với giọng kể đối thoại, tác giả dẫn dắt người đọc đi từng bước, từ việc quyết định xem mình có phù hợp với kinh doanh hay không, đến xác định mục tiêu, hình thành ý tưởng, mô hình kinh doanh, thử nghiệm nó và cuối cùng là triển khai.

Ở mỗi bước, bà đều đưa ra những giải thích để gỡ rối các định kiến trong kinh doanh. Song song với đó là các bài tập và hoạt động minh họa kiến thức then chốt. Người đọc sẽ được khám phá về động lực và mục tiêu cá nhân, đồng thời đánh giá các kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Họ cũng học được phương pháp kiểm tra tính khả thi cho ý tưởng của mình và cách viết kế hoạch kinh doanh dựa trên một dàn ý thực tế.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập các hình thức kinh doanh khác nhau như làm việc tự do, kinh doanh cá nhân, nhượng quyền thương mại, tiếp thị đa cấp, và mua lại một doanh nghiệp hiện có.
Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt. Ảnh: R.R
Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt. Ảnh: R.R

“Khởi nghiệp là một hành trình đòi hỏi sự dũng cảm, bởi bạn thực hiện nó mà không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Đó có thể là thành công cũng có thể là thất bại, song điều đáng giá nhất là bạn đang tạo ra cuộc sống của riêng mình. Đó chính là điều đầu tiên mà tôi nhận ra”, TS. Ramesh chia sẻ tại buổi ra mắt sách vào ngày 8/6 ở Hà Nội.

Hành trình trở thành doanh nhân của chính Ramesh cũng hết sức thú vị, và điều này được bà chia sẻ chi tiết trong cuốn sách. Bà từng huy động được khoản tiền đầu tư lớn, song lại thất bại do ảnh hưởng của bong bóng dot-com. Sau đó, bà vẫn tiếp tục kinh doanh, mở một vài công ty mới, gọi vốn hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư, thực hiện vài thương vụ sáp nhập, phụ trách một thương vụ chào bán cổ phần ra công chúng, và thậm chí từng xử lý thanh khoản tài sản sau khi một doanh nghiệp sụp đổ. Tất cả trải nghiệm này mang lại cho TS. Ramesh nhiều bài học quý giá.

TS. Ramesh đã đến Việt Nam từ cuối những năm 1990 và sau đó quay lại vào những năm đầu 2000. Sau gần 20 năm sinh sống, làm việc và đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bà phát hiện ra những điều mình có thể hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ này.

"Người Việt có tinh thần kinh doanh bẩm sinh. Tuy nhiên, để bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp, chúng ta cũng cần có tư duy kinh doanh, bao gồm khả năng tháo vát, quản lý rủi ro và khả năng tạo ra giá trị. Và điều tôi đề cập đến trong cuốn sách này chính là tư duy kinh doanh ấy,” bà chia sẻ tại buổi ra mắt sách. “Lời khuyên của tôi là sử dụng cuốn sách này như một hướng dẫn, một cuốn sách bài tập. Trong khi đọc, hãy cầm bút chì trong tay. Và sau khi đọc, bạn sẽ nằm trong số 30% những người nói, 'Tôi sẽ bắt đầu kinh doanh ngay hôm nay' bởi vì bạn đã có kế hoạch kinh doanh sẵn sàng."

"Hoặc bạn sẽ thuộc về 30% những người không bao giờ trở thành doanh nhân, nhưng bạn sẽ phần nào có được tư duy của một doanh nhân và áp dụng tư duy đó vào nơi bạn làm việc - cho dù đó là ở trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp xã hội, hoặc nếu bạn đã nghỉ hưu hoặc làm nội trợ. Bạn cũng có thể nằm trong số 30% những người muốn trở thành doanh nhân, nhưng không phải ngay bây giờ vì những lý do như: 'Tôi cần trả hết nợ, tôi cần đợi con tôi lớn lên ...' - bạn chờ đợi thời điểm thích hợp, cơ hội thích hợp để bắt đầu," bà nói thêm. "Tôi không biết bạn thuộc nhóm nào, nhưng dù bạn thuộc nhóm nào, với cuốn sách này, bạn sẽ khám phá ra nhóm bạn thuộc về và áp dụng tinh thần kinh doanh vào những hành động hiệu quả.”


Trong buổi ra mắt sách "Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt" của TS. Ramesh Ramachandra, đối tác và đồng nghiệp của bà, Th.S Jen Vuhuong (BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng ra mắt cuốn sách “Tái sinh - 5 thói quen tự huấn luyện lãnh đạo bản thân”.

Hai tác giả đã có ba năm là bạn bè và đang hợp tác trong nhiều hoạt động cố vấn khởi nghiệp ở Việt Nam, trong đó có dự án Jen Books, chuyên xuất bản các cuốn sách chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân nước ngoài.