Sông Nile là trung tâm của nền văn minh Ai Cập cổ đại, ấy vậy mà vị trí của nhiều kim tự tháp lại được xây dựng dọc theo dải sa mạc khắc nghiệt ở Thung lũng sông Nile từ 4.700 đến 3.700 năm trước, nằm cách xa con sông này. Đây là điều khó hiểu mà biết bao thế hệ nhà khảo cổ vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Và giờ đây, câu đố hóc búa này đã được một nhóm các nhà khoa học quốc tế tới từ Ai Cập, Úc, Mỹ giải đáp: thuở xa xưa, những kim tự tháp này được xây dựng ven một nhánh đã biến mất của sông Nile, có thể nhánh sông này đã là nơi chuyên chở công nhân cùng những khối đá khổng lồ.
Dòng sông biến độngNhư mọi con sông khác, sông Nile điều chỉnh và thay đổi dòng chảy qua thời gian do biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán. Con người và địa điểm cũng di chuyển theo dòng sông. Trong quá khứ, các nền văn minh trỗi dậy và tàn lụi theo con nước lên xuống.
Sông Nile ngày xưa có diện mạo và hoạt động khác với ngày nay. Giờ, các khu vực canh tác và thành thị cùng hàng thế kỷ bùn cát từ dòng sông hiện đại đã chôn vùi các nhánh sông cũ cùng câu chuyện của chúng. Thế nhưng, khi quan sát cảnh quan tại Ai Cập, ta có thể tìm thấy dấu vết của dòng sông trước đây cùng các nhánh của nó ẩn giấu giữa bề mặt vùng đất.
Từ lâu, các nhà khảo cổ đã nghĩ rằng người Ai Cập cổ đại hẳn đã sử dụng một tuyến đường thủy gần đó để di chuyển những vật liệu khổng lồ dùng để xây dựng kim tự tháp. “Nhưng không ai chắc chắn về vị trí, hình dạng, kích thước hoặc khoảng cách của tuyến đường thủy khổng lồ này với địa điểm kim tự tháp thực sự”, Eman Ghoneim – tác giả chính của nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ) nói.
Nhánh AhramatNhóm nghiên cứu quốc tế này đã dùng hình ảnh vệ tinh radar và bản đồ lịch sử, để xác định và lần theo dấu vết con đường dài của dòng kênh chưa được biết đến trước đây của sông Nile. Radar mang lại cho họ “khả năng đặc biệt là xuyên qua bề mặt cát và tạo ra hình ảnh về những đặc điểm ẩn giấu, bao gồm những dòng sông bị chôn vùi và các công trình kiến trúc cổ xưa”, Ghoneim nói. Họ gọi nhánh sông này là Ahramat – nghĩa là “kim tự tháp” trong tiếng Ả Rập.
Nhánh Ahramat dài 64km, nó từng chảy theo rìa sa mạc phía Tây của bãi bồi sông Nile, gần các kim tự tháp cổ đại. Nhiều kim tự tháp được xây dựng trong thời Cổ Vương quốc (khoảng năm 2700 – 2200 TCN) và Trung Vương quốc (năm 2050 – 1650 TCN) có đường đắp dẫn tới nhánh này. Những đường dẫn này kết thúc tại các ngôi đền có thể từng là bến sông trong quá khứ.
Điều này cho thấy rằng Nhánh Ahramat từng chảy trôi trong nhiều giai đoạn xây dựng kim tự tháp, và chắc hẳn đây chính là tuyến đường thủy vận chuyển công nhân và vật liệu xây dựng tới các công trường. Lý do là vì những khối đá khổng lồ hầu hết tới từ phía Nam, chúng sẽ dễ dàng trôi theo sông hơn là vận chuyển theo đường bộ.
Ngoài ra, đồng tác giả nghiên cứu Suzanne Onstine của Đại học Memphis ở bang Tennessee (Mỹ) cho biết bờ sông có thể là nơi đón đoàn tùy tùng của các pharaoh trước khi thi thể của họ được chuyển đến “nơi chôn cất cuối cùng bên trong kim tự tháp”.
Một số kim tự tháp có đường dẫn dài hơn hoặc góc độ khác biệt so với những kim tự tháp khác, như vậy ta có thể suy ra rằng các thợ xây đã điều chỉnh phương pháp xây dựng sao cho phù hợp với bố cục dòng sông và các điều kiện địa phương tại rìa sa mạc.
Bà Onstine cho biết: “Dòng nước và lượng nước thay đổi theo thời gian, vì vậy các vị vua thuộc triều đại IV phải đưa ra những lựa chọn khác với các vị vua ở triều đại XII. Khám phá này nhắc nhở tôi về mối liên hệ mật thiết giữa địa lý, khí hậu, môi trường và hành vi của con người.”
Những kim tự tháp kết nối với các con lạch liên kết với phụ lưu của Nhánh Ahramat tại rìa Sa mạc phía Tây. Nhìn chung, việc phân tích độ cao mặt đất của 31 kim tự tháp và mức độ gần của chúng với bãi bồi giúp lý giải vị trí và mực nước tương đối của Nhánh Ahramat trong thời gian trước Cổ Vương quốc và Thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai (khoảng 2649–1540 TCN).
Đào sâuKhi đã lập được bản đồ của Nhánh Ahramat, nhóm nghiên cứu khảo sát cảnh quan và địa hình nơi đây, rồi thu thập các mẫu đất nằm sâu trong lõi cùng trầm tích nhằm nghiên cứu cấu trúc và trầm tích học của con sông trước đây. Họ cũng làm việc với các nhà khảo cổ học, nhà khoa học và thành viên của cộng đồng địa phương hòng thu thập thêm bối cảnh cho nghiên cứu.
Dòng chảy của con sông không còn tồn tại nằm cách sông Nile hiện đại từ 2,5 đến 10,25 km về phía Tây. Nghiên cứu cho thấy nhánh này kéo dài khoảng 64km, sâu khoảng 2m – 3m, rộng khoảng 200m – 700m, tương đương với chiều rộng của dòng sông hiện nay.
Tại một trong những địa điểm họ kiểm tra, gần thị trấn Jirzah, Nhánh Ahramat có hình dạng kênh đối xứng. Nó cũng chứa đầy tích bùn và trầm tích cát, khác với những chất lắng đọng xung quanh khác và nền móng bên dưới. Điều này cho thấy dòng kênh cũ đã dần dần bị trầm tích mịn chôn vùi do lũ lụt lắng đọng, khi dòng chảy chính chuyển hướng về dòng chảy của con sông hiện đại.
Chuyện gì đã xảy ra với Nhánh Ahramat?Theo thời gian, Nhánh Ahramatdịch về hướng Đông và cuối cùng nước không còn chảy qua đây nữa. Nhóm nghiên cứu chưa biết được nguyên nhân chính xác là gì.
Dòng sông này hẳn đã dần chuyển tới vùng đồng bằng ngập nước ở vùng thấp hơn, hướng tới vị trí hiện tại của sông Nile. Cũng có thể hoạt động kiến tạo đã làm nghiêng toàn bộ vùng ngập về phía Đông Bắc. Khả năng thứ ba là cát bay trong gió nhiều tới mức lấp kín lòng sông. Tình trạng gia tăng lắng đọng cát rất có thể liên quan tới thời kỳ sa mạc hóa ở sa mạc Saharathuộc Bắc Phi.
Ngoài ra, còn một lời giải thích khác là lượng mưa giảm và một đợt hạn hán lớn khoảng 4.200 năm trước đã dẫn tới dòng sông giảm mực nước, nhất là trong cuối thời kỳ Cổ Vương quốc.
Nguồn: