David Kahn là một nhà báo và sử gia xuất chúng. Ông đã viết nên cuốn sách Người phá mã (1967) – tác phẩm đã phổ biến mật mã học cho công chúng, và truyền cảm hứng cho các nhà mật mã học thuộc khối tư nhân.

David Kahn sinh ra ở Manhattan vào ngày 7/2/1930. Cha ông là luật sư, còn mẹ là chủ một nhà máy thủy tinh. Năm 13 tuổi, Kahn đi ngang qua thư viện địa phương ở Great Neck, thành phố New York và tình cờ chú ý tới một cuốn sách có nhan đề Bí mật và Khẩn cấp: Câu chuyện về mã hóa và mật mã của sử gia quân sự Fletcher Pratt. Riêng nhan đề “đã níu bước chân tôi lại”, tiến sĩ Kahn nhiều năm sau kể lại với tờ The Washington Post. Từng trang sách chứa đầy câu chuyện kích thích đã khiến chàng thiếu niên mê mẩn và trở thành chuyên gia giải mã nghiệp dư – một người quan tâm tới quá trình mã hóa, hay tạo ra mật mã, phân tích mật mã hoặc phá vỡ chúng.

Trong khi nuôi dưỡng niềm đam mê chớm nở với mật mã, Kahn đã tạo ra các câu đố chữ được đăng trên nhiều cuốn truyện tranh xuất bản trong những năm 1940. Ở tuổi niên thiếu, ông đã trao đổi thư từ với William F. Friedman – người lãnh đạo các nhà mật mã học hiện đại của Mỹ, và được khuyến khích theo đuổi lĩnh vực này.

David Kahn (1930-2024). Ảnh: Bảo tàng Mật mã quốc gia
David Kahn (1930-2024). Ảnh: Bảo tàng Mật mã quốc gia

Năm 1951, Kahn lấy bằng cử nhân khoa học xã hội tại Đại học Bucknell ở Lewisburg, tại đây ông làm việc cho tờ báo sinh viên. Không đủ điều kiện đi nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc vì thị lực kém, ông bắt đầu nghiệp báo chí. Bắt đầu từ năm 1955, ông công tác tại tòa soạn báo Newsday.

Năm 1960, một sự kiện chấn động xảy ra: hai nhà toán học làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia là William H. Martin và Bernon F. Mitchell đã đào tẩu sang Liên Xô và vạch trần các hoạt động thu thập thông tin của Cơ quan này. Trong số các cáo buộc khác, họ tuyên bố rằng Mỹ đã phá giải được mật mã của hơn 40 quốc gia khác, bao gồm nhiều nước đồng minh. Tọa lạc ở Fort Meade, Maryland, Cơ quan An ninh Quốc gia cho tới nay vẫn còn là nơi kín tiếng. Giữa những tiếng ồn ào xung quanh vụ đào tẩu, tiến sĩ Kahn đã gửi bài tới tờ báo New York Times, giải thích lịch sử của mật mã học. Bài báo đó đã trở thành hạt mầm cho cuốn sách đầu tay vang danh nhất của ông. Người phá mã được quảng bá là “lịch sử toàn diện đầu tiên về liên lạc bí mật từ thời cổ đại tới ngưỡng cửa của thời đại không gian vũ trụ”. Ngay lập tức sự ra mắt của nó đã gây chấn động mạnh.

Cuốn sách Người phá mã.
Cuốn sách Người phá mã.

Chẳng hề có đặc quyền an ninh để nhận được điều kiện nghiên cứu thuận lợi, thế nhưng tác giả đã đưa ra những thông tin vô cùng đáng tin cậy với cách viết khiến người đọc nhập tâm. Trong hơn 1.000 trang sách, ông đưa độc giả du hành qua hàng ngàn năm lịch sử — bắt đầu từ Ai Cập cổ đại 4.000 năm trước với chữ viết hình nêm cho tới các cuộc cách mạng Pháp và Mỹ, những đổi mới ra đời từ khi điện báo và điện thoại xuất hiện vào giữa thế kỷ 20, và bình minh của việc phá mã có máy tính hỗ trợ.

“Chưa có ai từng viết về chủ đề này. Anh ấy đã mở ra cánh cửa dẫn tới lĩnh vực hoàn toàn mới, về cơ bản là lịch sử của tình báo tín hiệu”, Nicholas Reynolds nhận định, ông là tác giả của cuốn sách Điều cần biết: Thế chiến II và sự trỗi dậy của tình báo Mỹ.

Đó là cánh cửa mà nhiều quan chức Chính phủ Mỹ muốn khép chặt. Cây bút chuyên viết về tình báo Mỹ James Bamford đã mô tả trong cuốn sách Lâu đài bí ẩn: Báo cáo về cơ quan bí mật nhất nước Mỹ (1982) về những bước mà Cơ quan An ninh dự định thực hiện để ngăn tiến sĩ Kahn xuất bản cuốn sách hay hạn chế mức độ tiết lộ trong nội dung. Cuối cùng thì những biện pháp đó đều bị bác bỏ, gồm cả phương án “thuê Kahn vào chính phủ để áp dụng một số đạo luật hình sự nếu tác phẩm được xuất bản... thực hiện ‘các biện pháp bí mật’ chống lại tác giả, tức là bất kỳ hành động gì từ giám sát vật lý cho tới nghe lén; và ‘lén lút đột nhập’ vào nhà của Kahn ở Long Island”, Bamford viết.

Theo Bamford, nhà xuất bản Macmillan mà tiến sĩ Kahn hợp tác đã gửi toàn bộ bản thảo cho Bộ Quốc phòng và nhận về câu trả lời rằng “việc xuất bản cuốn sách sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia”. Cuối cùng, nhà xuất bản Macmillan và tiến sĩ Kahn chỉ đồng ý loại bỏ một số đoạn liên quan tới quan hệ hợp tác giữa Cơ quan An ninh Quốc gia với tình báo Anh quốc, vào thời điểm đó vẫn là thông tin mật.

Dù chủ đề phức tạp và nội dung chứa đầy sức nặng, Người phá mã vẫn thành công rực rỡ và truyền cảm hứng cho cộng đồng các nhà mật mã học ngoài nhà nước đang ngày càng lớn mạnh, những người cho tới lúc đó vẫn bị chính quyền liên bang cản trở. Ngay cả khi cuốn sách trở nên nổi tiếng, các nhân viên của Cơ quan vẫn bị cấm thừa nhận sự tồn tại của nó. Nhưng qua nhiều năm, khi tiến sĩ Kahn tiếp tục viết ra những cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt, và khi sứ mệnh bảo đảm an ninh quốc gia của Cơ quan được thấu hiểu rộng rãi hơn, hai bên đã đạt được mối quan hệ có thể nói là ngưỡng mộ lẫn nhau. Trong những năm 1990, William Crowell, khi đó là phó giám đốc dưới quyền giám đốc Cơ quan An ninh Mike McConnell, đã thúc đẩy việc đề bạt tiến sĩ Kahn là học giả thường trú tại cơ quan này.

Crowell nói: “Tôi không nghĩ trên cả nước lại có ai sở hữu vốn kiến thức phong phú về mật mã và phân tích mật mã trong khu vực công như anh ấy. Kahn đã chứng minh rằng có nhiều thông tin có sẵn, và có kiến thức về nó là một phần quan trọng để hướng tới tương lai, khi đó nó trở thành thứ thiết yếu cho an sinh của chúng ta”.

Năm 1974, Kahn lấy bằng tiến sĩ lịch sử hiện đại tại Đại học Oxford (Anh), luận văn của ông trở thành nền tảng cho cuốn sách Điệp viên của Hitler: Tình báo quân sự Đức trong Thế chiến II (1978). Trong quá trình thu thập thông tin, tiến sĩ Kahn đã phỏng vấn gần chục quan chức Quốc xã cấp cao và chứng minh rằng bộ máy tình báo của Đức đã tụt hậu thảm hại so với bộ máy tình báo của Anh. Ông nhận xét về cơ quan tình báo của Hitler như sau: “Đầu tiên, thông tin của họ thiếu sót và không đầy đủ, phần nào là do Hitler bổ nhiệm ít nhân sự làm tình báo. Nhưng ngay cả khi ông ta nhận được tình báo hoàn hảo thì thói kiêu ngạo sẽ khiến ông ta chẳng bao giờ tin rằng người Nga không hoàn toàn bất tài, kém cỏi và tan rã khi bị tấn công”.

Hai thập niên trước, tiến sĩ Kahn bắt đầu tìm nơi lưu trữ lâu dài tài liệu và bộ sưu tập sách cùng hiện vật phong phú về lĩnh vực tình báo, trong đó có lá thư viết năm 1806 từ Napoleon yêu cầu con trai trao đổi thư từ bằng mật mã và nhiều bằng sáng chế cho máy mật mã của Mỹ. Ông đã chọn Bảo tàng Mật mã Quốc gia của Cơ quan An ninh Quốc gia. Năm 2020, tiến sĩ Kahn được ghi tên trên đại sảnh danh vọng của cơ quan này, để vinh danh những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy lĩnh vực mật mã học.

Nguồn: washingtonpost.com, nytimes.com

Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT