Người cổ đại coi những hiện tượng thiên văn như Mặt trăng “ăn” Mặt trời là điềm gở. Thời nay, con người hiện đại lại thích thú mỗi khi nhật thực xảy ra. Còn các loài động vật sẽ phản ứng thế nào khi trời đất tối sầm lại giữa ban ngày? Chúng ta hãy cùng các nhà khoa học tìm hiểu nhé.

Khi nhật thực toàn phần khiến bầu trời sầm lại vào buổi chiều ngày 31/8/1932, nhà khoa học công dân Joseph R. Burgess tiến hành quan sát năm tổ ong ở Nantucket, Massachusetts.

Ban đầu, dường như chẳng có điều gì lạ xảy ra. Những con ong bay vào bay ra với số lượng như thường lệ. Nhưng khi bóng đêm buông xuống, rợp trời là đám ong đang nhanh chóng bay về phía tổ – chúng chen chúc nhau tới nỗi lối vào tổ “tắc nghẽn vì ong”. Song, khoảng 20 phút sau hiện tượng thiên văn kỳ thú này, đàn ong lại trở về với nhịp sống bình thường.

Vào thời đó, một bài quảng cáo đã khuyến khích nhiều nhà khoa học công dân tới một vùng nông nghiệp ở New England lúc diễn ra nhật thực toàn phần. Họ đã ghi lại gần 500 câu chuyện về hành vi của động vật và gửi chúng tới một nhóm nghiên cứu với người đứng đầu là William Morton Wheeler – nhà côn trùng học tại Đại học Harvard.

Dữ liệu do đám đông thu được thật muôn hình vạn trạng, và thường rất kỳ quặc. Chẳng hạn như, đám muỗi bắt đầu lao vào đốt người trong bóng tối nhật thực. Những loài chim sống về đêm như cú và cú muỗi bắt đầu kêu. Chồn hôi ra ngoài lùng sục thức ăn trong nhật thực. Một con rắn sọc phương Đông “rõ ràng đang tích cực kiếm ăn khi diễn ra nhật thực”, vì phần bụng của nó căng phồng thức ăn...

Thế nhưng, đây chỉ là những giai thoại được kể lại, các nhà khoa học chẳng thể chứng minh bất kỳ phản ứng nào trực tiếp là do nhật thực gây ra. Nhiều sinh vật chẳng hề có phản ứng bất thường.

Tò mò trước chủ đề này, nhà khoa học sinh vật Adam Hartstone-Rose tại Đại học bang North Carolina đã bắt tay vào nghiên cứu động vật tại sở thú Riverbanks ở Columbia, South Carolina, trong dịp nhật thực toàn phần diễn ra vào năm 2017.

Ông cử sinh viên tới các khu chuồng thú gồm 17 loài và yêu cầu họ quan sát những sinh vật này trong hai ngày trước và trong ngày diễn ra nhật thực toàn phần. Hartstone-Rose ngạc nhiên khi khoảng ¾ các loài thể hiện phản ứng đáng chú ý – trong một vài trường hợp, các con vật còn thực hiện những điều hoàn toàn không ai ngờ tới.

Những con rùa Galapagos thường ngày chỉ ù lì nằm một chỗ thì “chúng lại bắt đầu giao phối vào lúc nhật thực đạt đỉnh điểm”, Hartstone-Rose cho biết. “Điều đó thật kỳ quái”.

Trong khi đó, rồng Komodo chỉ nằm im như tượng trong hai ngày trước khi nhật thực diễn ra. “Trông nó như thú nhồi bông vậy. Nó không hề di chuyển dù chỉ một ly”, ngay cả vào buổi sáng ngày xuất hiện nhật thực. Thế nhưng, khi Mặt trăng che khuất Mặt trời, rồng Komodo đã di chuyển về phía cửa dẫn vào chuồng kín của mình, nhưng cánh cửa đó đã đóng lại, thế là nó bắt đầu trèo lên tường quanh khu lộ thiên”, cho tới khi Mặt trời xuất hiện trở lại.

Không chỉ những con bò sát có hành động lạ lùng, mà cả loài linh trưởng, loài chim và lưỡng cư cũng có biểu hiện bất thường. Các con khỉ đột cùng nhau tiến về chỗ ở ban đêm. Những con chim hồng hạc tụ lại một chỗ, để những con non đứng vào giữa. Hai con vẹt mào bắt đầu chạm mỏ và rỉa lông cho nhau. Một con cú muỗi mỏ quặp hung đang ngủ bỗng tỉnh dậy và bắt đầu kiếm ăn khi nhật thực toàn phần diễn ra như thể đang đêm, mặc dù vào ban ngày nó đứng im như khúc gỗ.

Một số con vật không hề phản ứng gì - một con gấu nằm dài, chỉ ngóc đầu lên một lần rồi lại ngủ tiếp. Và ngay cả khi sinh vật có phản ứng, nhất là khi chúng thể hiện dấu hiệu lo lắng, thì nhật thực có thể không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới phản ứng đó: chẳng hạn nhiều du khách tới tham quan sở thú có thể đã khiến chúng thấy bất an.

Song nhìn chung, các phát hiện này cho thấy: nhiều động vật cũng trải nghiệm điều gì đó khi nhật thực toàn phần diễn ra.

Nhiều động vật phản ứng kỳ lạ khi nhật thực diễn ra. Minh họa: Emily Lankiewicz
Nhiều động vật phản ứng kỳ lạ khi nhật thực diễn ra. Minh họa: Emily Lankiewicz

Kết quả này được các quan sát nghiệp dư trên cả nước chứng thực, một phần của dự án Life Responds. Trong lúc xảy ra nhật thực toàn phần và sau đó, các nhà khoa học công dân đã chụp lại phản ứng của các sinh vật với hiện tượng này, rồi đăng tải ảnh lên trang web inaturalist cho dự án.

Trên cả nước, người dân nhìn thấy những con chim sẻ và chim én tụ lại thành đàn khi bóng tối buông xuống. Những con ếch và con dế bắt đầu dàn đồng ca vốn thường chỉ diễn ra vào ban đêm, còn lũ ve sầu hay ra rả vào ban ngày bỗng bặt tiếng. Đàn kiến bò chậm lại hay dừng di chuyển, và ngay cả bọn gà nhà cũng có phản ứng khác thường - đám gà mái tụ lại một chỗ và im hơi lặng tiếng, còn những con gà trống bắt đầu giương cổ gáy.

Một nhà khoa học công dân quan sát thấy một bông hoa mướp vàng khép cánh lúc nhật thực toàn phần diễn ra, như khi vào ban đêm. Phản ứng của bông hoa gây bất ngờ vì trời tối đen lại không quá lâu.

Trong lần nhật thực diễn ra vào đầu tháng tư năm nay, phản ứng của động vật khi đột nhiên rơi vào “đêm tối” giữa ban ngày tiếp tục được ghi nhận. Tại vườn thú ở Dallas, những con chim hồng hạc tụ lại với nhau ở giữa hồ nước. Đám chim cánh cụt cũng co cụm lại. Dường như các loài chim không hẹn mà cùng xúm lại với bầy đàn của mình, như thể làm vậy sẽ bảo vệ chúng an toàn.

Nhóm dự án Life Responds đã lặp lại nghiên cứu cũ. Lần này, họ kêu gọi các nhà khoa học công dân viết mô tả hành vi mà họ chứng kiến, đồng thời khuyến khích việc ghi lại âm thanh.
Phương pháp này sẽ hé lộ những điều mà máy ảnh không ngưng kết được: chẳng hạn như loài vật nào vắng bóng, hoặc con vật đang hoạt động bỗng nhiên dừng lại.

Ngoài ra, dự án Eclipse Soundscapes, do Phòng thí nghiệm ARISA thực hiện và được NASA hỗ trợ, cũng thu lại cảm nhận của hàng trăm người tham gia trên khắp châu lục. Họ có thể ghi âm lại tiếng kêu của một loài chim cụ thể, hay chỉ đơn giản là có nghe thấy tiếng chim không, và mô tả thời tiết thế nào, nhiệt độ có giảm hay không. Đặc biệt, nhóm này hy vọng sẽ nghiên cứu được tiếng kêu của những con dế, nhằm tiếp nối nghiên cứu mà nhà khoa học Wheeler đã thực hiện vào nhật thực năm 1932: nhiều người nhận thấy tiếng dế kêu ồn hơn trong thời gian nhật thực toàn phần.

Trên thực tế, việc hiểu được phản ứng của động vật trước hiện tượng này không đem lại tác động gì quan trọng. Bởi lẽ, theo NASA, trung bình phải 375 năm trôi qua thì nhật thực toàn phần mới đi qua một vị trí nhất định trên Trái đất, và nếu một con vật nào tình cờ sống ở nơi hiện tượng này xảy ra thì chắc chắn đó là trải nghiệm duy nhất trong đời nó. Nhưng chẳng có gì là vô ích, nghiên cứu về chủ đề này chắc hẳn sẽ thỏa mãn óc tò mò của một số người trong chúng ta về thiên nhiên kỳ thú.

Theo smithsonianmag.com