Linh vật của Olympic Paris 2024 diễn ra tại Pháp được lấy cảm hứng từ chiếc mũ Phrygian. Nó không chỉ đại diện cho khát vọng tự do mà còn gắn liền với những câu chuyện thần thoại và lịch sử phong phú.

Hầu hết các linh vật Olympic trước đây đều là những hình tượng động vật đầy màu sắc. Tuy nhiên, đối với Thế vận hội năm 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8, nước chủ nhà Pháp đã chọn một chiếc mũ đặc biệt với tên gọi rất khó phát âm.

Linh vật Phryge màu đỏ đang mỉm cười (phát âm theo tiếng Pháp là “Free-juh”) là hình ảnh đại diện cho chiếc mũ Phrygian. Những người tham gia Cuộc Cách mạng Pháp vào thế kỷ 18 từng đội chiếc mũ này trên đầu và coi nó là biểu tượng của sự tự do. Trong bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của danh họa Eugene Delacroix được treo tại Bảo tàng Lourve ở Paris (Pháp), một người phụ nữ là hiện thân của Nữ thần Tự do giương cao lá cờ Pháp trong khi đội chiếc mũ Phrygian với phần chóp nhọn đặc trưng hướng về phía trước.

Tuy nhiên, nguồn gốc chiếc mũ Phrygian bắt đầu từ cách đây hàng nghìn năm. Nó xuất hiện trong Chiến tranh thành Troy, huyền thoại về Vua Midas và thậm chí cả cuộc Cách mạng Mỹ.

Bá Lộc dịch
Ảnh: AFP.

Câu chuyện lịch sử


Chiếc mũ được đặt tên theo Phrygian, một vương quốc cổ xưa nằm ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Phrygian di cư đến đó từ vùng Balkan vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên và họ xây dựng thủ đô tại Gordion.

Mặc dù hầu hết chúng ta không biết về người Phrygian, nhưng họ xuất hiện nổi bật trong những câu chuyện vẫn được kể cho đến ngày nay. Ví dụ như câu chuyện về Vua Midas bị nguyền rủa có khả năng biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng. Các nhà khảo cổ cho rằng Midas là một vị vua có thật và rất giàu có, người cai trị vương quốc Phrygia vào thế kỷ 8 trước Công nguyên.

“Huyền thoại về Vua Midas với bàn tay biến đồ vật thành vàng có thể bắt nguồn từ trang phục của những người Phrygian thuộc tầng lớp quý tộc. Họ mặc quần áo được nhuộm bằng một loại sắc tố đặc biệt để tạo ra ánh sáng màu vàng lấp lánh”, Brian Rose, nhà khảo cổ tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), người chỉ đạo các cuộc khai quật ở Gordion kể từ năm 2013, nhận định.

Chiếc mũ Phrygian xuất hiện lần đầu tiên trong một bức chạm khắc miêu tả một kỵ binh được tìm thấy tại Gordion, có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên. “Đó là tài liệu hình ảnh sớm nhất về chiếc mũ Phrygian mà chúng tôi có”, Rose cho biết.

Thành Troy huyền thoại nằm trên bờ biển Anatolian, một khu vực thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Trong sử thi “Iliad” của Homer, người Hy Lạp cổ đại coi những cư dân ở thành Troy là đồng minh với người Phrygian. Thậm chí, hoàng hậu Hecuba của thành Troy là con gái một vị vua Phrygian.

Một trong những nhân vật tiêu biểu của thành Troy trong sử thi Iliad là hoàng tử Paris, người đã khơi mào Cuộc chiến thành Troy khi các nữ thần yêu cầu anh ta quyết định ai là người đẹp nhất. Cảnh tượng này – được gọi là “Sự phán xét của Paris” – là chủ đề phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Hy Lạp cổ đại.

“Những tác phẩm nghệ thuật về hoàng tử thành Troy thường mô tả ông đội mũ Phrygian, một dấu hiệu giúp người xem dễ dàng nhận ra ông không phải là người Hy Lạp”, Margaret Miller, giáo sư danh dự về khảo cổ học tại Đại học Sydney (Úc), nhận định.

Hoàng tử Paris đội những chiếc mũ Phrygian khác nhau trong các tác phẩm nghệ thuật khác nhau, trong đó có một chiếc làm từ da động vật. Miller cho rằng kiểu dáng đặc trưng của chiếc mũ này có thể bắt nguồn từ việc người ta dùng phần đầu hoặc phần cổ của tấm da động vật để tạo ra phần đầu nhọn của chiếc mũ hướng về phía trước, giống như một cái sừng.

Theo thời gian, chiếc mũ Phrygian trở thành một biểu tượng trong nghệ thuật Hy Lạp, dùng để mô tả những người đến từ khu vực Trung Đông ngày nay, bao gồm cả người Ba Tư và người Medes. Sau này, nó cũng liên quan đến vị thần Mithras của người La Mã, một vị thần có xuất xứ từ vùng đất Ba Tư.

Biểu tượng của tự do

Tuy nhiên, sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, ý nghĩa biểu tượng của chiếc mũ Phrygian trở nên không rõ ràng.

Trong nghệ thuật của người La Mã, có một loại mũ khác gọi là mũ “pileus”. Đây là chiếc mũ hình nón mà nô lệ La Mã thường đội trên đầu khi họ được trả tự do. Vì vậy, mũ pileus trở thành biểu tượng của sự tự do và giải phóng khỏi kiếp nô lệ.

Rose cho rằng vào thế kỷ 18, khi các nghệ sĩ tham gia phong trào cách mạng ở châu Âu tìm kiếm biểu tượng của sự tự do trong nghệ thuật La Mã, họ đã nhầm lẫn giữa mũ pileus và mũ Phrygian.

“Khi người Pháp và người Anh muốn chọn một chiếc mũ là biểu tượng của sự tự do từ thời cổ đại, họ đã chọn sai”, Rose nhận định. “Họ chọn mũ Phrygian – đồ vật tượng trưng cho những người đến từ khu vực Trung Đông – thay vì mũ pileus, biểu tượng cho sự tự do. Theo thời gian, mũ Phrygian dần được chấp nhận là biểu tượng của sự tự do”.

Từ Mỹ đến Pháp

Chiếc “mũ tự do” xuất hiện lần đầu tiên ở nước Mỹ thời tiền cách mạng trong tác phẩm nghệ thuật của thợ thủ công Paul Revere, người đã tạo ra một số chiếc bát làm bằng bạc có hoa văn in hình chiếc mũ vào thập niên 1760, theo một bài viết vào năm 1987 của Yvonne Korshak, giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Adelphi ở New York (Mỹ).

Tuy nhiên, các tác phẩm của Revere mô tả một chiếc mũ có dạng tròn thay vì chiếc mũ Phrygian với đỉnh nhọn hướng về phía trước. Dưới hình thức đó, nó trở thành một biểu tượng phổ biến của Cách mạng Mỹ, xuất hiện trong các bức tranh, con dấu và trên cờ.

“Vài năm sau Cách mạng Mỹ, chiếc mũ Phrygian với hình dạng ban đầu đã trở thành biểu tượng của Cách mạng Pháp, có thể vì nó giống với những chiếc mũ len mà các công nhân Pháp thường đội trên đầu”, Korshak nhận định.

Trong suốt cuộc Cách mạng Pháp và nhiều năm sau đó, chiếc mũ Phrygian xuất hiện trong các bức tranh, hình minh họa và trên các bức tượng Marianne – nhân vật biểu tượng quan trọng của Cộng hòa Pháp được trang trí ở nhiều tòa thị chính.

Giờ đây, chiếc mũ Phrygian có tuổi đời 3.000 năm là biểu tượng của sự tự do, được trang trí phổ biến trên những chiếc áo thun, móc khóa, đồ chơi nhồi bông và nhiều thứ khác – một hành trình đáng chú ý từ nguồn gốc của nó trong một vương quốc cổ đại.

Theo National Geographic