Trong bối cảnh Việt Nam, cuốn sách "Nhập môn văn học so sánh" của Ben Hutchinson xuất hiện như một công trình lý thuyết quan trọng, cần thiết, mở ra bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu văn học so sánh trên thế giới.


Tại Việt Nam, nghiên cứu văn học so sánh đang ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của các học giả. Một số công trình nghiên cứu như Dẫn luận văn học so sánh (Trần Thanh Đạm, 1995), Những vấn đề lý luận của văn học so sánh (Nguyễn Văn Dân, 1995), Văn học so sánh - Lý luận và ứng dụng (Lưu Văn Bổng chủ biên, 2001), Giáo trình Văn học so sánh (Hồ Á Mẫn, Lê Huy Tiêu dịch, 2011)... đã góp phần cung cấp kiến thức, từ đó bước đầu thúc đẩy nghiên cứu văn học so sánh trong nước.

Dẫu vậy, lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu mang tính căn bản về nội hàm thuật ngữ cũng như lý thuyết, lịch sử và quan niệm lý luận của các trường phái lớn thuộc chuyên ngành nghiên cứu này trên thế giới. Nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới có khoa Văn học so sánh hoặc chương trình Văn học so sánh. Bộ môn văn học so sánh còn có các hiệp hội học thuật như Hiệp hội Văn học So sánh Quốc tế (International Comparative Literature Association – ICLA), và ở nhiều quốc gia cũng tồn tại các hiệp hội văn học so sánh. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có khoa đào tạo chính quy nào nghiên cứu độc lập về lĩnh vực này cho nên những tài liệu dành cho đối tượng muốn bắt đầu tìm hiểu về văn học so sánh một cách có hệ thống chưa được phổ biến.

Trong bối cảnh đó, cuốn sách Nhập môn văn học so sánh của Ben Hutchinson xuất hiện như một công trình lý thuyết quan trọng, cần thiết, mở ra bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu văn học so sánh trên thế giới.

Cuốn sách của Ben Hutchinson do Phạm Phương Chi, Nguyễn Thị Diệu Linh, Tạ Thành Tấn dịch, Khải Minh Book và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2022. Nguồn: PPC
Cuốn sách của Ben Hutchinson do Phạm Phương Chi, Nguyễn Thị Diệu Linh, Tạ Thành Tấn dịch, Khải Minh Book và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2022. Nguồn: PPC

Chia sẻ lý do vì sao chọn dịch cuốn sách này, TS Phạm Phương Chi, một thành viên của nhóm, cho biết, “Có rất nhiều sách về văn học so sánh, mỗi cuốn thể hiện những chuyển biến trong cách nhìn nhận về bộ môn này dưới ảnh hưởng của luồng tri thức mới. Cuốn sách Nhập môn văn học so sánh của Ben Hutchinson, nhỏ nhắn nhất trong các cuốn về bộ môn này, đã kể một câu chuyện về văn học so sánh khi nó là trung gian của các mối quan hệ quốc tế từ góc nhìn của học thuật và từ góc nhìn của lịch sử văn hóa. Chỉ ra lịch sử phức hợp và các lí thuyết cạnh tranh nhau về văn học so sánh, cuốn sách đem lại một cách thức khả thi trong việc tiếp cận một chủ đề vốn luôn trơn trượt ra khỏi sự tầm nắm bắt của trí tuệ và chỉ ra cho chúng ta thấy giá trị và tầm quan trọng của việc đối diện và tương tác với văn học từ bên ngoài nền văn hóa của riêng mình.”

Cuốn sách gồm năm chương. Trong đó, ở chương một “Những ẩn dụ của việc đọc”, tác giả đề cập một số câu hỏi cơ bản bao trùm phần lớn cuốn sách: Văn học là gì? Tại sao chúng ta so sánh văn bản? Ai có thể nghiên cứu văn học so sánh?

Theo Hutchinson, khi chúng ta muốn hiểu một văn bản, chúng ta so sánh nó với các văn bản khác (tr.10). Từ đó, tác giả xác định văn học so sánh là nghiên cứu về “những kết nối xuyên-văn hóa” (tr.12) và nhận thức về sự đa dạng.

Hutchinson đặt so sánh ở một vai trò quan trọng trong văn học khi cho rằng “sự tồn tại của văn học, xét đến cùng, mang tính so sánh” (tr.11). Để hiểu văn học, chúng ta phải so sánh bởi “cách chúng ta hiểu một tác phẩm văn học này phụ thuộc vào cách chúng ta hiểu một tác phẩm văn học khác” (tr.11).

Đặc biệt, ở chương mở đầu này, nơi cố gắng định nghĩa văn học so sánh, tác giả lại khẳng định rằng tính bất định là bản chất của văn học so sánh (tr.13). Điều này là do “hầu hết các nhà so sánh đều có những ý tưởng khác nhau về chuyện so sánh” và “cả ý nghĩa lẫn phương pháp luận của nó đều phụ thuộc vào những điển phạm được định hình một cách bất định” (tr.13).

Chương hai “Các thực hành và nguyên tắc”, một trong những chương quan trọng nhất, giải thích những gì một nhà so sánh làm và phân tích những nguyên tắc chính để so sánh văn học. Như Hutchinson khẳng định, văn học so sánh cũng là về “các chủ đề và các kỹ thuật” (tr.26). Một số nguyên tắc cơ bản liên tục tái xuất hiện trong quá trình phát triển ngành học và một cuốn nhập môn thì nên bắt đầu với các nguyên tắc đầu tiên này (tr.30).

Tác giả đã trình bày các nguyên tắc hay các cặp khái niệm cấu thành sự thực hành của so sánh, bao gồm: chủ đề với phương pháp, giai đoạn với khu vực, đọc gần với đọc xa, điển phạm với phản-điển phạm, thể loại với phong cách, và tác giả với độc giả. Trong đó, đọc gần “tìm hiểu những cách thức mà các phân tích vi mô về chi tiết văn bản có thể mở ra phân tích vĩ mô về ý nghĩa ngữ cảnh” (tr.46); còn đọc xa hướng về “cách tiếp cận kĩ thuật số, dựa trên dữ liệu đối với văn học” và làm cho các nghiên cứu văn học trên quy mô lớn trở nên khả thi (tr.50).

Trong chương ba, “Lịch sử và những người hùng”, Hutchinson lịch sử hóa sự phát triển của văn học so sánh trong các khoảng thời gian lịch sử rộng lớn, bao gồm thời kỳ thiết lập chủ nghĩa đế quốc vào thế kỉ XIX, kỉ nguyên người Do Thái di dân vào thế kỉ XX và giai đoạn hậu thuộc địa vào thế kỉ XXI. Đây là những cột mốc quan trọng gắn với lịch sử châu Âu, đồng thời đánh dấu sự xuất hiện và phát triển của những “vấn đề và định kiến” trong văn học so sánh. Hutchinson nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử văn học so sánh: bằng cách nhận biết lịch sử chính trị của nó, chúng ta hiểu tình trạng hiện tại cũng như tương lai có thể xảy ra của nó. Ví dụ, tác giả dẫn ra nghiên cứu của Ferdinand Brunetière để khẳng định “so sánh vừa mang tính liên tục, vừa mang tính đồng thời” và dự đoán về những cuộc tranh luận hàng trăm năm sau (tr.106). Bên cạnh đó, Hutchinson nhấn mạnh vào châu Âu và phân tích lịch sử của văn học so sánh từ ba góc độ: văn học châuÂu đã được so sánh bên trong châuÂu như thế nào; văn học châuÂu được so sánh như thế nào với văn học bên ngoài châu Âu; và các nền văn học bên ngoài châuÂu được so sánh với nhau như thế nào.

Chương bốn “Các phân ngành và các cuộc tranh luận” giới thiệu lý thuyết văn học, nghiên cứu văn hóa, chủ nghĩa hậu thuộc địa, văn học thế giới, nghiên cứu dịch thuật và nghiên cứu tiếp nhận trong mối liên hệ chặt chẽ với văn học so sánh. Hutchinson đã nhiều lần vượt qua quan niệm dĩ Âu vi trung để phân tích kỹ lưỡng những vấn đề của tầm nhìn châu Âu về thế giới, từ công năng của văn hóa trong việc thao túng tư tưởng, vai trò ngày càng bị chính trị hóa của nhà phê bình, cho đến cách thức văn hóa cao chiếm đoạt văn hóa thấp, trong đó có cách thức mà văn học châu Âu áp đặt các khuôn sáo lên “phương Đông.” Từ đó, Đông phương luận – với tư cách là một mô hình văn học so sánh – làm sáng tỏ sự mất cân bằng quyền lực vốn có trong văn học thực dân và phê phán chính ý tưởng so sánh dựa trên sự không cân bằng về quyền lực, bởi đó chẳng khác gì việc quy kết một nền văn học là thấp kém hơn.

Trong chương cuối, “Tương lai của văn học so sánh”, Hutchinson khẳng định vị trí ngày càng trung tâm của văn học so sánh đối với tương lai của các khoa học nhân văn (tr.172). Sau hàng thập kỷ tồn tại trong tình trạng khủng hoảng và bất an như vậy, Hutchinson thể hiện một tầm nhìn lạc quan về tiềm năng phát triển của văn học so sánh. Niềm tin ấy đặc biệt khả thi trong thời đại bùng nổ thông tin và đa phương tiện của thế kỉ XXI, khi việc so sánh ngày càng nổi bật như một mô hình diễn giải bởi ta càng biết về các nền văn hóa khác, ta càng so sánh nhiều hơn (tr.181). Rất thú vị, Ben Hutchinson nhấn mạnh giá trị của văn học so sánh trong giáo dục chính trị và giáo dục thẩm mỹ và đề xuất một hình mẫu khả dĩ cho tương lai của ngành học: hướng về “lí tưởng công bằng” và quá trình “dẫn dắt mọi người ra bên ngoài.” Hutchinson kết lại rằng “Hơn bao giờ hết, việc giáo dục thẩm mỹ của văn học so sánh là không thể thiếu được” (tr.184).