Nhạc phim kinh dị đóng vai trò quan trọng trong việc khuấy động cảm xúc sợ hãi và tạo bầu không khí rùng rợn cho người xem thông qua nhiều yếu tố như nhịp điệu, âm sắc và cách thức phối âm.
Bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng No One Will Save You (Không có ai cứu bạn) của Công ty Giải trí Hulu được công chiếu vào năm 2023 chỉ có hai câu thoại trong suốt thời lượng 93 phút, nhưng đây không phải là một bộ phim yên tĩnh. Sàn nhà kêu cót két, tiếng bước chân thình thịch, các nhân vật la hét, và một thứ gì đó – bộ phim không tiết lộ rõ là gì – kêu lạch cạch một cách kỳ lạ. Những tiếng động xung quanh đáng sợ hòa quyện với nhạc nền rùng rợn của nhà soạn nhạc Joseph Trapanese, chuyển đổi từ những xung nhạc điện tử sâu lắng cho đến những tiếng rít rợn người, tương tự như tiếng máy cưa. Nó ma quái và hiệu quả. Ngay cả nhà văn Stephen King nổi tiếng về thể loại truyện kinh dị cũng cảm thấy ấn tượng và đánh giá bộ phim là “tuyệt vời, táo bạo, hấp dẫn, đáng sợ” trên nền tảng mạng xã hội X.
Những bản nhạc phim kinh dị giống như trong tác phẩm điện ảnh
No One Will Save You chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là tạo ra nỗi sợ hãi cho người xem. Để biến tấu âm thanh theo những cách đáng sợ, các nhà soạn nhạc và người hòa âm đã sử dụng những kỹ thuật đặc biệt. Nhiều bản nhạc trong phim kinh dị có sự biến đổi lớn về cường độ âm thanh, bao gồm những đoạn nhạc yên tĩnh kéo dài, sau đó đột ngột vang lên những nốt nhạc lớn để làm tăng hiệu ứng giật mình khi có cảnh hù dọa xuất hiện trên màn hình. Một số bản nhạc khác kết hợp các yếu tố âm thanh với tiếng hét của con người nhằm kích hoạt tín hiệu báo động trong não của chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi.
Những bản nhạc rùng rợn trong phim có thể kết hợp giữa nhiều kiểu âm thanh khác nhau vì chúng không cần phải dễ nghe. “Nhạc pop và nhạc nền nhẹ nhàng thường tuân theo các quy tắc quen thuộc để tạo ra âm thanh êm dịu, chẳng hạn như kỹ thuật hòa âm. Ngược lại, nhạc phim kinh dị thường sáng tạo hơn và phá vỡ các quy tắc thông thường”, Ben Ma, nhạc sĩ và kỹ sư phần mềm tại Công ty Khởi nghiệp âm nhạc Rivet, nhận định. “Dù vậy, nhạc phim kinh dị vẫn dựa trên một số thủ thuật sáng tác phổ biến để làm người nghe cảm thấy rối loạn và sợ hãi”.
Âm thanh gây khó chịu cho taiNếu bạn từng nghĩ rằng nhiều bản nhạc phim kinh dị nghe giống như tiếng ai đó đang la hét thì bạn đã đúng. Mọi người có rất nhiều lý do để không thích tiếng la hét: Chúng ồn ào, chói tai và thậm chí có thể gây ra đau đớn. Phim kinh dị thường tận dụng điều đó để tạo ra cảm xúc sợ hãi cho người xem.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí
The Journal of the Acoustical Society of America vào năm 2020, Caitlyn Trevor và các cộng sự tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ) phát hiện nhạc phim kinh dị và tiếng la hét của con người có chung một đặc điểm âm thanh gọi là “mức độ chói tai”. Tiếng ồn chói tai có sự dao động hỗn loạn ở các tần số âm thanh khác nhau. Khi ai đó hét lên, họ đẩy dây thanh quản của mình vượt quá giới hạn. Trevor so sánh điều này với việc nhạc công thổi quá mạnh cây sáo hoặc kèn clarinet của họ.
Ảnh: Copilot.
Khi tiến hành phân tích âm thanh của 10 bộ phim kinh dị nổi tiếng như The Cabin in the Woods, It Follows và Get Out, các nhà khoa học phát hiện thời điểm nhạc phim gia tăng mức độ chói tai thường đi kèm với một nhân vật bị tấn công hoặc những cảnh quay đáng sợ.
Cũng trong nghiên cứu này, 20 tình nguyện viên đã nghe các đoạn ghi âm người thực sự la hét cùng với các đoạn trích từ nhạc phim kinh dị, bao gồm âm nhạc giống như tiếng hét và các bài nhạc nhẹ nhàng, dễ nghe, không gợi lên cảm xúc mạnh mẽ. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá ấn tượng cảm xúc của họ về những gì họ đã nghe trên thang điểm từ tiêu cực đến tích cực. Kết quả cho thấy, tiếng la hét của người là âm thanh mang đến cảm xúc tiêu cực nhất cho người nghe. Âm nhạc mô phỏng tiếng hét cũng mang đến cảm xúc tương tự, nhưng ít mãnh liệt hơn.
“Nói cách khác, chúng ta có thể cảm nhận những tình tiết nguy hiểm từ nhạc phim, nhưng chúng ta cũng biết đó chỉ là hư cấu và tưởng tượng dưới góc độ nghệ thuật”, Trevor nhận định.
Không hòa âm
Nhạc nền phim kinh dị khác biệt so với các loại nhạc phim khác đến mức thuật toán có thể nhận ra những đặc điểm của riêng nó. Trong bài báo được công bố trên tạp chí PLOS One vào năm 2021, nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam California (Mỹ) đã sử dụng một mô hình máy tính để phân tích âm nhạc của 110 bộ phim đứng đầu phòng vé. Mục tiêu của họ là áp dụng một cách tiếp cận định lượng về tác động của âm nhạc trong phim đến khán giả. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên áp dụng mô hình học sâu, dựa trên các đặc điểm âm nhạc để dự đoán thể loại của phim.
Chỉ có 11 trong số 110 tác phẩm điện ảnh là phim kinh dị, nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn có hàng chục giờ âm thanh để phân tích. Cuối cùng, nó tập trung vào các khía cạnh âm sắc của nhạc phim kinh dị, đặc biệt là khía cạnh không hòa âm (inharmonicity). “Dựa trên bằng chứng thực nghiệm, chúng tôi phát hiện đặc điểm âm sắc này có tác động lớn nhất đến dự đoán của mô hình AI,” Benjamin Ma, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hòa âm trong thang âm nhạc phương Tây kết hợp các nốt nhạc theo tỷ lệ tần số âm thanh. Việc chơi đồng thời nốt A thấp, trung bình và cao – tương ứng với 220, 440 và 880 Hz – tạo ra âm thanh ngọt ngào. “Nếu bạn chơi hai nốt nhạc có tần số theo tỷ lệ 3:2 thì bạn sẽ có được một quãng năm hoàn hảo, đây là một loại hòa âm nghe rất hay”, Ma nhận định.
Nhạc phim kinh dị không có những hợp âm dễ chịu theo tỷ lệ thông thường. Các nốt nhạc được chơi cùng nhau thậm chí có thể không tồn tại trên phím đàn piano – hãy tưởng tượng âm thanh phát ra có tần số nằm ở khoảng trống giữa các phím. Để thực hiện điều này, bạn cần một nhạc cụ có thể chơi các cao độ liên tục. Tiếng đàn violin rít lên trong nhạc phim Psycho là một ví dụ điển hình.
“Những giai điệu không hòa âm trong phim kinh dị tạo ra cảm giác cực kỳ khó chịu”, Ma cho biết.
Âm thanh gây lo lắng hoặc kinh hoàng
Trong một nghiên cứu khác về nhạc phim kinh dị được công bố trên tạp chí The Journal of the Acoustical Society of America vào năm 2023, tác giả Caitlyn Trevor đã phân tách nỗi sợ hãi thành hai yếu tố bao gồm sự lo lắng và nỗi kinh hoàng. Cô phân tích nhạc nền của 30 bộ phim kinh dị để hiểu cách thức mà những bộ phim tạo ra một trong hai hiệu ứng tâm lý này. Kết quả cho thấy, mỗi loại nhạc phim có một nhịp độ riêng biệt. Ví dụ, nhạc phim gây lo lắng có nhịp độ chậm rãi, buồn tẻ, nặng nề. Trong khi đó, nhạc phim gây ra nỗi kinh hoàng có nhịp độ điên cuồng, hối hả, dồn dập.
Tất nhiên là nhạc phim kinh dị không phải lúc nào cũng đáng sợ. “Nhạc phim có những khoảng lặng và khoảnh khắc đẹp đẽ để đưa khán giả vào tâm trạng thoải mái, yên bình, trước khi kéo họ ra khỏi đó theo những cách kinh khủng nhất”, Ma cho biết.
Theo Popular Science
Bài đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT